Thanh Hóa: Chương trình 257 - Cú hích phát triển kinh tế cho các xã bãi ngang ven biển

21/11/2018 11:51

(TN&MT) - Trong những năm qua thông qua các dự án đầu tư hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đã góp phần không nhỏ, chính là cú hích vào sự phát triển kinh tế của xã bãi ngang ven biển tỉnh Thanh Hóa.

Theo Quyết định số 257/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách và hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo (gọi tắt là Chương trình 257), giai đoạn 2013-2015 toàn tỉnh có 37 xã bãi ngang, đến giai đoạn 2016-2020 toàn tỉnh giảm xuống còn 30 xã.

Nhờ nguồn hỗ trợ từ chương trình 257 nhiều trạm y tế tại các xã ven biển được nâng cấp, sửa chữa.
Nhờ nguồn hỗ trợ từ chương trình 257 nhiều trạm y tế tại các xã ven biển được nâng cấp, sửa chữa.
 

Những năm qua, nhiều chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ được đầu tư trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển như các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nông thôn mới... giúp cho bộ mặt các xã có nhiều khởi sắc, kinh tế - xã hội từng bước phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt.

Đặc biệt là hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu (giao thông, thủy lợi, y tế, trường học, nước sạch, điện...) từng bước được đầu tư xây dựng nhằm tạo điều kiện phát triển sản xuất, khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng đất ven biển và hải đảo.

Chỉ trong năm 2018, tại các xã bãi ngang đã có 22 công trình được đầu tư xây dựng với số tiền trên 29,3 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương là 22 tỷ đồng, ngân sách huyện, xã trên 5,5 tỷ đồng, số còn lại là huy động từ nhân dân và các nguồn vốn khác) để xây dựng các kết cấu hạ tầng thiết yếu, như đường giao thông nông thôn, đường ra bến cá, khu nuôi trồng thủy sản, kênh mương tưới tiêu, trạm y tế...

Chợ cá Hưng Lộc được đầu tư một phần từ nguồn vốn chương trình 257.
Chợ cá Hưng Lộc được đầu tư một phần từ nguồn vốn chương trình 257
 

Hiệu quả rõ rệt từ chương trình 257 phải kể đến huyện Tĩnh Gia, từ năm 2011 đến nay trên địa bàn huyện đã đầu tư xây dựng 61 công trình hạ tầng thiết yếu và hỗ trợ duy tu bảo dưỡng 30 công trình với tổng kinh phí 77,8 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 61,9 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương. Huyện Tĩnh Gia tập trung đầu tư hoàn thiện đường giao thông nông thôn, hệ thống các công trình bảo đảm cung cấp điện; chuẩn hóa trạm y tế xã; bờ bao chống triều cường, kè, công trình thủy lợi, trạm bơm cấp nước biển cho nuôi trồng thủy sản hoặc làm muối; các công trình phục vụ nhu cầu về văn hóa, thể thao...

Trước đây, tại các xã bãi ngang ven biển không ít khu chợ xuống cấp nghiêm trọng, tiểu thương buôn bán thường lấn chiếm lề đường, gây mất trật tự và xảy ra tai nạn giao thông. Từ năm 2011 đến nay, Chương trình 257 đã hỗ trợ trên 10 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa các chợ tại các xã bãi ngang. Như Chợ cá xã Hưng Lộc, được đầu tư xây dựng với số tiền 2 tỷ đồng từ chương trình bãi ngang và gần 1,5 tỷ đồng huy động từ nguồn lực của địa phương.

Những năm vừa qua, chính quyền xã Đa Lộc đầu tư nhiều con đường bê tông kiên cố tới các thôn từ nguồn vốn chương trình 257.
Những năm vừa qua, chính quyền xã Đa Lộc đầu tư nhiều con đường bê tông kiên cố tới các thôn từ nguồn vốn chương trình 257
 

Tại xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc là một trong những xã bãi ngang ven biển được thụ hưởng chính sách 257. Ông Vũ Văn Đỉnh, Chủ tịch UBND xã Đa Lộc cho biết: Chương trình 257 hỗ trợ cho các xã bãi ngang ven biển đặc biệt khó khăn đã góp phần thay đổi bộ mặt của một xã ven biển khó khăn như Đa Lộc. Hàng năm chương trình hỗ trợ 1 tỷ đồng, những năm trước được đầu tư xây dựng trạm y tế, trường học. Những năm gần đây xã sử dụng cho làm đường bê tông liên thôn, những con đường bê tông phẳng lỳ được trải tới các thôn xom.

Không chỉ thế, 100% hộ dân dân được hưởng bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí cho các em học sinh, lương cán bộ được nâng lên, mỗi năm được thêm 300 triệu trong chương trình giảm nghèo bền vững. Thật sự chương trình 257 chính động lực giúp địa phương nhanh chóng thoát nghèo - ông Đỉnh chia sẻ

Các công trình thiết yếu này giúp các xã bãi ngang ven biển từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện để các xã nâng cao năng lực sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, cải thiện đời sống nhân dân. Tuy nhiên, có thể nhận thấy, nhiều xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo trên địa bàn tỉnh vẫn còn thiếu nước sinh hoạt, đường giao thông nông thôn chưa kiện toàn, trường học chưa được chuẩn hóa…

Để giảm nghèo bền vững tại các xã bãi ngang ven biển và hải đảo, Thanh Hóa cần đa dạng hóa các phương thức huy động vốn và thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo. Bên cạnh đó, để nâng cao đời sống của người dân tại khu vực này, cần có cơ chế khuyến khích thu hút các doanh nghiệp đầu tư để khai thác thêm các tiềm năng, giải quyết việc làm.

Có thể nói, những năm qua, kết quả đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đã góp phần tạo điều kiện cho người dân có điều kiện phát triển kinh tế. Hầu hết các công trình hoàn thành đã phát huy hiệu quả, nhất là các công trình giao thông, thuỷ lợi, trường học, trạm y tế. Có thể nói, việc triển khai thực hiện chương trình 257 trong thời gian qua chính là cú hích trong phát triển kinh tế của xã bãi ngang ven biển đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Chương trình 257 - Cú hích phát triển kinh tế cho các xã bãi ngang ven biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO