Thanh Hóa: Chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái biển

Hoàng Anh| 17/12/2020 22:59

(TN&MT) - Thời gian qua, tình trạng người dân sử dụng các công cụ để đánh bắt hải sản theo phương thức tận diệt trên biển đã gây ra nhiều hệ lụy khôn lường. Mặc dù các cơ quan chức năng đã xử lý, xử phạt nhiều trường hợp, song tình trạng này vẫn tái diễn đe dọa tới môi trường sinh thái.

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Thanh Hóa, nguồn thủy sản tự nhiên trên địa bàn tỉnh đang bị suy giảm nghiêm trọng, nhất là khu vực nội đồng. 5 năm trở lại đây, nhiều loài thủy sản bị suy giảm tới 80 - 90%, thậm chí sắp bị tuyệt chủng, như: Cá trê vàng, cá ngát, ốc nhồi, ếch đồng, tôm càng... Tình trạng cạn kiệt nguồn lợi thủy sản nghiêm trọng như hiện nay là do việc khai thác quá mức và sử dụng các phương pháp hủy diệt, như: Xung kích điện, các loại lưới có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định, lưới bát quái...

Các chiến sỹ Hải Đội 2, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa tuyên truyền cho ngư dân không sử dụng xung điện, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản (Ảnh: BBP)

Mới đây, ngày 10/12/2020, tại vùng biển Cửa Lò (Nghệ An), cách bờ biển khoảng 10 đến 12 hải lý về phía Đông, Hải đội 2 phối hợp cùng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Lò - Bến Thủy (Nghệ An) đã phát hiện bắt giữ tàu cá mang biển hiệu TH 92062 TS do ông Trần Văn Phu, xã Quảng Trạch, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) làm thuyền trưởng và 6 thuyền viên đang có hành vi khai thác hải sản trái phép. Các lực lượng đã tiến hành lập biên bản, thu giữ tang vật và hoàn chỉnh hồ sơ xử phạt theo quy định của pháp luật...

Theo quy định tại Điều 15, Nghị định số 103/2013/NĐ-CP, ngày 12/9/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản, hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản bị phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng; đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển công cụ kích điện trên tàu cá hoặc phương tiện nổi khác sẽ bị phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng và bị tịch thu công cụ kích điện… Tuy nhiên, tình trạng người dân sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản vẫn diễn ra phổ biến, ngày càng gia tăng, số lượng cá, tôm, sinh vật có ích ngày càng sụt giảm.

Trước tình trạng trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Công văn số 13797/UBND-NN về việc ngăn chặn tình trạng sử dụng xung điện, chất độc, chất nổ và ngư cụ cấm để khai thác thủy sản. Yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, căn cứ quy định hiện hành của pháp luật, các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng sử dụng xung điện, chất độc, chất nổ và ngư cụ cấm để khai thác thủy sản theo đúng chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO