Tại khu vực quanh chân cầu Hàm Rồng bắc qua sông Mã (thuộc địa phận phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa) đang bị sạt lở nghiêm trọng. Phần tứ nón (gồm vật liệu đất, đá xây bao quanh mố cầu) và phần chân khay tứ nón đều bị sụt lún xuống dòng sông Mã. Tại chân cầu đã xuất hiện điểm sụt sâu hơn 1m, kéo dài hàng chục mét, bóc tách khỏi mố cầu và đang có xu hướng đổ ra lòng sông Mã, không còn tác dụng bảo vệ mố cầu theo thiết kế được làm trước đó.
Ông Hoàng Gia Khánh - Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Quản lý đường sắt Thanh Hóa cho biết: Do nước lũ tràn về vào đầu 09/2018 vừa qua, nước xoáy lồng, cộng với dòng chảy mạnh đã làm tứ nón mố phía Nam hạ lưu cầu Hàm Rồng bị xói lở nặng, làm gãy chân khay gây sụt lún và nứt toác tứ nón, công ty đã tiến hành gia cố.
Thế nhưng, từ ngày 25/9/2018 đến nay cầu Hàm Rồng tiếp tục bị xói lở nên chân khay hạ lưu tiếp tục bị sạt trượt. Khi nước rút xuống, xuất hiện các vị trí bị lún, sạt lở rất nghiêm trọng, cụ thể phần chân khay tứ nón bị sạt dài 25m, sâu từ 0,7- 1,2m. Vết nứt giữa tứ nón và mái tatuy đường bộ đầu cầu kéo dài từ đỉnh tứ nón đến chân khay dài 12,50m, rộng 0,5-0,6m, giữa tứ nón và mặt bên mố cầu rộng từ 0,5-0,6m, dài 13,5m. Vị trí tiếp giáp giữa mặt cầu và đường đầu cầu tụt hàm ếch nguy cơ làm gãy bản giảm tải, mất an toàn các phương tiện khi tham gia giao thông – ông Khánh cho biết thêm.
Sau khi xảy ra sự cố sạt trượt ở phần tứ nón phía Nam của cây cầu, để đảm bảo an toàn cho các phương tiện qua lại, Công ty CP đường sắt Thanh Hóa đã cắt cử người túc trực, kiểm tra 24/24 giờ. Đồng thời xử lý tại vị trí chân khay tứ nón, để bảo vệ mố khỏi bị xói thì phải khoan đóng cọc gia cố móng hoặc cấy thép neo, đổ đế và tường chắn bê tông cốt thép để giữ ổn định chân khay, nón mố phía trên. Kè lát mái chống xói lở bờ sông hai bên để bảo vệ mố cầu.
Nhưng đây cũng chỉ là phương án tạm thời, về lâu dài cần có sự kiểm tra của các ngành chức năng để có phương án tu bổ sửa chữa đảm bảo lưu thông tuyến đường sắt huyết mạch Bắc - Nam.