Để rộng đường công luận Phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường điện tử trong vai người đi mua đất để san lấp mặt bằng trong Khu kinh tế Nghi Sơn. Từ QL 1A rẽ trái vào đường 513 đi Nghi Sơn khoảng chừng hơn 500m, ngay bên trái đường cạnh sườn núi là con đường mới mở vết xe vẫn còn hằn sâu rõ nét, mặc dù trước đó trời có mưa nhẹ. Ngay từ đầu con đường mới mở chúng tôi bắt gặp một thanh niên, khi được hỏi con đường này ai mở và để làm gì thì người thanh niên nói: Đây là đường của anh Long mở vào tận nơi để chở đất, còn đất vườn đồi là của nhà em. Khi chúng tôi hỏi mua đất thì người này nói tuy là đất đất của gia đình, nhưng nếu mua thì phải gặp anh Long. Mà ở đây chúng tôi chỉ bán quặng thôi, còn đất thì không bán. Người thanh niên này nói.
Những vết xe hằn sâu, chứng tỏ quặng tặc vẫn hoành hành |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 10/10/2017, các hộ gia đình gồm: Lê Mai Lý, bà Lê Thị Khuyến, bà Cao Thị Loan, ông Lê Văn Hợi, ông Cao Văn Ái và của ông Lê Văn Ba đã làm đơn xin UBND xã Mai Lâm được cải tạo hơn 2ha đất lâm nghiệp trồng cây lâu năm khô cằn sang sản xuất nông nghiệp.
Trong lúc UBND xã Mai Lâm chưa trình UBND huyện Tĩnh Gia phê duyệt cho cải tạo, hạ thấp độ cao thì các hộ đã tiến hành làm như Báo Tài nguyên & Môi trường điện điện tử đã phản ánh ngày 17/11 đăng bài: “Tĩnh Gia (Thanh Hóa): "Băm bổ" đất lâm nghiệp để khai thác quặng và đất trái phép?”. Ngày 19/11 tiếp tục đăng bài: Vụ "băm bổ" đất lâm nghiệp ở Tĩnh Gia - Thanh Hoá: Vì sao quặng tặc không bị xử lý?. Phản ánh tình trạng khai thác quặng và đất trái phép tại đây và được người dân nhiệt tình ủng hộ.
Chiếc máy dạt vẫn cần mẫn san gạt đất để đế tôi đưa xe vào chở |
Trước tình hình trên, ngày 10/11/2017 UBND xã Mai Lâm đã có Báo cáo số 100/BC-UBND gửi UBND huyện Tĩnh Gia báo cáo về việc 6 hộ tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất và xin ý kiến chỉ đạo của UBND huyện. Ngày 16/11/2017, UBND huyện Tĩnh Gia đã có Công văn số 2870/UBND-TNMT chỉ đạo UBND xã Mai Lâm thông báo yêu cầu các hộ chấm dứt ngay hành vi vi phạm, khôi phục nguyên trạng đất ban đầu trước ngày 20/11, xử phạt nghiêm các vi phạm về đất đai và khoáng sản.
Tuy nhiên vào cuối ngày 20/11/2017, Phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường điện tử có mặt tại xóm Biếng, thôn Hải Lâm, xã Mai Lâm thì những vết xe mới hằn sâu vẫn còn đó, những chiếc máy xúc vẫn nằm kín trong các bụi rậm, chiếc máy ủi vẫn đang cần mẫn san gạt đất sang một bên, khu đất lâm nghiệp vẫn chưa khôi phục lại được nguyên trạng.
Đơn xin san gạt đất của các hộ dân nhưng chưa được các cơ quan chức năng đồng ý |
Trao đổi với Phóng viên, ông Lê Tiến Lũy, Chủ tịch UBND xã Mai Lâm thừa nhận: Vừa qua trên địa bàn xóm Biếng có 6 hộ lấy danh nghĩa cải tạo đất để khai thác quặng và đất trái phép, UBND xã cũng đã kiểm tra, ra quyết định xử phạt hành chính 1,5 triệu đồng/hộ. Nhưng khi được hỏi: Vì sao UBND xã đã có Biên bản kiểm tra và ra quyết định xử phạt đã hơn một tháng nay nhưng vẫn chưa phát hành? và đây là đất lâm nghiệp trồng cây lâu năm xanh tốt như thế lại cho là đất khô cằn…?
Khi chúng tôi đưa ra bằng chứng là quyết định chưa phát hành vì quyết định chưa được đóng dấu. Thì ông Lũy cho rằng xã đã phát hành quyết định xử phạt hành chính rồi, nhưng người dân chưa nộp tiền, còn chưa đóng dấu là vì quên???. Còn đây không phải là đất lâm nghiệp mà đây là đất vườn đồi chỉ trồng cây lâu năm và đất nông nghiệp được các hộ khai hoang từ năm 1977(!?)
Công văn chỉ đạo của UBND huyện nhưng quặng tặc vẫn hoành hành |
Rõ ràng việc quặng tặc ngang nhiên băm nát đất lâm nghiệp để khai thác quặng và đất trái phép, UBND xã cũng đã lập Biên bản, ra quyết định xử phạt hành chính nhưng lại không phát hành, có biểu hiện bao che, lấp liếm cho quặng tặc lộng hành?. Đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh và các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cần sớm điều tra làm rõ những khuất tất trên, xử lý nghiêm minh những tập thể, cá nhân chỉ vì lợi ích riêng mà cố tình vi phạm pháp luật./.
Báo Tài nguyên & Môi trường điện tử sẽ tiếp tục thông tin vấn đề này
Bài & ảnh: Hòa Trường