Thanh Chương (Nghệ An): Một mảnh đất hai chủ sử dụng?

15/08/2016 00:00

(TN&MT) - Thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng, phủ xanh đồi núi trọc, Trường THCS xã Thanh Tùng, huyện Thanh Chương đã được các cấp giao sử dụng 30ha đất để trồng cây bảo vệ môi trường trong vòng 50 năm. Theo đó, vào năm 1996, nhà trường đã hợp đồng với ông Đậu Đình Vân để bảo quản và chăm sóc rừng trồng trên diện tích nói trên. Tuy nhiên, khi bản hợp đồng với gia đình ông Vân vẫn chưa hết hiệu lực thì nhà trường lại tiếp tục ký một hợp đồng với một cá nhân khác chồng lấn lên diện tích đã giao…

Một mảnh đất 2 chủ sử dụng

Sau khi được UBND xã và huyện tiến hành giao đất lâm nghiệp tại khu vực đập nước Lòi Chứa, từ năm 1996, Trường THCS Thanh Tùng đã tiến hành trồng cây keo lá tràm trên diện tích khoảng 5ha. Số diện tích còn lại, nhà trường vẫn tiếp tục khoanh nuôi, trồng và bảo vệ rừng để phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Cũng vào thời điểm này, ông Nguyễn Viết Cường là Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Tùng đã ký một bản hợp đồng bảo vệ cây trồng với ông Đậu Đình Vân ở xóm Tân Phượng, xã Thanh Tùng với tổng diện tích được giao là 30ha tại khu vực nói trên. Bản hợp đồng được thực hiện vào năm 1996 với sự chứng kiến của tổ chức công đoàn nhà trường và chính quyền địa phương do ông Lê Trung Hậu, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Tùng ký xác nhận.

Biên bản hợp đồng cũng ghi rõ: Bên A (về phía nhà trường) sẽ cấp 1 số tiền để chăm sóc và bảo vệ cây ban đầu là 100 ngàn đồng; Bên B (gia đình ông Đậu Đình Vân) bảo vệ đến lúc sử dụng được thì được hưởng 70% còn lại 30% thuộc UBND xã và nhà trường. Mặt khác, bên A cũng giao cho bên B trong thời gian đầu phải chăm sóc số cây sống 85% trở lên. Phần còn lại phải bảo vệ số lượng cây như trên đến khi thu hoạch, nếu làm sai hợp đồng thì bên sai phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật. Đặc biệt, hợp đồng cũng ghi rõ là bên B phải hoàn bù lại đầy đủ cả vốn lẫn lãi (số cây quy tiền) nếu không thực hiện đúng các điều khoản đã ký kết với nhau. Với những điều khoản ghi rõ trong hợp đồng về việc quản lý, trồng và bảo vệ cây, ông Đậu Đình Vân đã huy động các thành viên trong gia đình tiến hành chăm sóc.

Kể từ năm 1996, theo hợp đồng thì toàn bộ diện tích rừng trồng hiển nhiên thuộc về quyền quản lý, chăm sóc và bảo vệ của gia đình ông Đậu Đình Vân. Tuy nhiên, khi bản hợp đồng vẫn còn hiệu lực thực hiện thì vào năm 2005, ông Nguyễn Văn Tuyên lúc bấy giờ là Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Tùng lại tiếp tục ký một bản hợp đồng khác bàn giao quyền quản lý diện tích đất rừng nói trên cho ông Trần Văn Bình là công dân của địa phương. Như vậy, cùng một diện tích đất đã có 2 chủ quản lý, bảo vệ và chăm sóc rừng. Điều này đã gây bức xúc trong dư luận về sự “mập mờ” trong hợp đồng của lãnh đạo trường THCS Thanh Tùng với công dân liên quan. Từ đó, xẩy ra tranh chấp giữa hai gia đình ông Vân và ông Bình.

Nhà trường “bắt cá hai tay”?

Theo đơn khiếu kiện của gia đình bà Hoàng Thị Tuyến (vợ của ông Đậu Đình Vân) gửi các cơ quan chức năng thì kể từ ngày được giao quyền bảo vệ, chăm sóc rừng do trường THCS Thanh Tùng uỷ thác, đến nay thời gian thực hiện hợp đồng mới chỉ tiến hành được hơn 20 năm. Mới đây, vào tháng 3 năm 2016, khi tiến hành thu hoạch số keo lá tràm mà nhà trường đã trồng, theo hợp đồng quy định ban đầu thì gia đình bà Tuyến đã nộp lại cho trường THCS Thanh Tùng số tiền 10 triệu đồng. Biên lai nhận tiền do trường THCS Thanh Tùng lập, ông Lê Đình Thọ là hiệu trưởng nhà trường đương nhiệm ký.

Hợp đồng quản lý, chăm sóc và bảo vệ rừng được giao cho gia đình ông Đậu Đình Vân - bà Hoàng Thị Tuyến nhưng lại có thêm người khác sử dụng
Hợp đồng quản lý, chăm sóc và bảo vệ rừng được giao cho gia đình ông Đậu Đình Vân - bà Hoàng Thị Tuyến nhưng lại có thêm người khác sử dụng

“Tôi không hiểu vì sao nhà trường đã hợp đồng giao gia đình tôi chăm sóc, bảo vệ rừng từ năm 1996 đến nay thì mấy năm trở lại đây, ông Trần Văn Bình cũng được giao trồng và bảo vệ trên diện tích đất tại khu vực đập nước Lòi Chứa?. Khi sự việc xảy ra, tôi đã kiến nghị lên nhà trường và UBND xã Thanh Tùng nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Nếu tôi không được giao quyền bảo vệ, chăm sóc diện tích rừng trồng đó nữa thì nhà trường cũng phải có văn bản thông báo và thanh lý hợp đồng nhưng chẳng hiểu vì sao vào năm 2005, thầy Nguyễn Văn Tuyên là hiệu trưởng nhà trường lại tiếp tục ký hợp đồng với ông Trần Văn Bình trên chính diện tích gia đình tôi được giao quan lý?. Phải chăng, nhà trường đã âm thầm đánh tráo hợp đồng trong khi hiệu lực thi hành cả 2 bên vẫn chưa hết hiệu lực?” – bà Hoàng Thị Tuyến bức xúc cho biết.

Cũng theo bà Tuyến thì trong biên bản hợp đồng được lập năm 1996 thì bút tích, chữ ký hiện nay giữa nhà trường và chồng bà vẫn đang còn lưu giữ. Và, kể từ đó đến nay, gia đình bà chưa hề nhận được bất cứ văn bản nào từ phía nhà trường cũng như các cơ quan chức năng liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng giao quyền chăm sóc, bảo vệ rừng.

Biên bản hợp đồng giữa trường THCS Thanh Tùng với gia đình ông Đậu Đình Vân được thực hiện từ năm 1996, đến nay vẫn còn hiệu lực
Biên bản hợp đồng giữa trường THCS Thanh Tùng với gia đình ông Đậu Đình Vân được thực hiện từ năm 1996, đến nay vẫn còn hiệu lực

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Đình Thọ, hiệu trưởng trường THCS Thanh Tùng trả lời rằng nội dung liên quan đến khiếu kiện của gia đình bà Hoàng Thị Tuyến thuộc về thế hệ lãnh đạo cũ. “Bản thân tôi mới về làm hiệu trường trường THCS Thanh Tùng nên việc cùng một diện tích đất lâm nghiệp được giao cho 2 chủ quản lý, bảo vệ là do thầy Nguyễn Văn Tuyên hiệu trưởng cũ thực hiện. Tôi không liên quan đến việc tranh chấp này” – ông Lê Đình Thọ cho biết.

Tuy nhiên, khi phóng viên đặt câu hỏi, tại sao sự việc không liên quan đến lãnh đạo nhà trường bây giờ lại tự ý nhận tiền % thu hoạch rừng, ông Lê Đình Thọ không trả lời được. Mặt khác, khi ký biên bản nhận tiền % thu hoạch rừng, trong phiếu thu lại không ghi rõ ngày, tháng theo quy định của pháp luật. Theo ông Thọ thì toàn bộ số tiền mà bà Hoàng Thị Tuyến giao nộp hiện nay hội đồng nhà trường đang giữ?!

Biên bản hợp đồng giữa trường THCS Thanh Tùng với gia đình ông Đậu Đình Vân được thực hiện từ năm 1996, đến nay vẫn còn hiệu lực
Biên bản hợp đồng giữa trường THCS Thanh Tùng với gia đình ông Đậu Đình Vân được thực hiện từ năm 1996, đến nay vẫn còn hiệu lực

Còn theo ông Phạm Doãn Thao, Chủ tịch UBND xã Thanh Tùng thì sự việc tranh chấp giữa trường THCS Thanh Tùng và các cá nhân liên quan đến nay chính quyền địa phương đã nắm được. “Chúng tôi đang chỉ đạo các bên tiến hành hoà giải vụ việc này. Thực ra, khi cá nhân ông Trần Văn Bình thu hoạch, tiếp tục trồng cây trên diện tích mà lâu nay gia đình bà Hoàng Thị Tuyến đang chăm sóc, sử dụng thì sự việc mới vỡ lở. Nếu đúng như hợp đồng giữa gia đình bà Hoàng Thị Tuyến và trường THCS Thanh Tùng còn hiệu lực thì không thể cùng một diện tích đất lại tiếp tục giao cho người khác quản lý được” – ông Phạm Doãn Thao cho biết thêm.

Như vậy, với những giấy tờ, văn bản hợp pháp liên quan, để tránh sự việc khiếu kiện, đơn thư kéo dài, đề nghị các ban, ngành của huyện Thanh Chương vào cuộc điều tra, làm rõ, chỉ đạo UBND xã Thanh Tùng giải quyết dứt điểm vụ việc, tránh gây bức xúc trong dư luận. Và, việc nhà trường tự ý lập 02 hợp đồng, chuyển nhượng, thu tiền từ việc chăm sóc, bảo vệ, thu hoạch rừng sử dụng vào mục đích gì và có được phép hay không, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc làm rõ.  

Phạm Tuân

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Chương (Nghệ An): Một mảnh đất hai chủ sử dụng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO