Để được cống hiến hết mình cho các dự án cộng đồng suốt hơn 10 năm qua, chị Linh đã phải từ bỏ nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp cá nhân. Trao đổi với phóng viên, chị Linh đã không giấu được những nỗi niềm nghẹn ngào.
Phóng viên (PV): Đã hơn 2 năm kể từ khi Thanh Âm Xanh chính thức được khởi động, dự án cũng ít nhiều gặt hái được thành tựu, vậy điều khiến chị tâm đắc nhất là gì?
Nguyễn Diệu Linh: Với Thanh Âm Xanh, tôi chỉ mong muốn sẽ làm được thêm nhiều điều nữa, tôi chưa biết đâu là điều khiến mình thực sự tâm đắc. Nếu bạn hỏi điều gì khiến tôi hạnh phúc nhất khi thực hiện Thanh Âm Xanh thì có lẽ tôi sẽ dễ trả lời hơn đấy.
PV: Ồ, vậy điều gì khiến chị hạnh phúc nhất khi làm dự án này?
Nguyễn Diệu Linh: Thanh Âm Xanh khiến tôi hạnh phúc có lẽ vì dự án chứng tỏ tôi còn nhiều năng lượng, cuộc sống của tôi còn có nhiều ý nghĩa tích cực. Thời điểm bắt đầu Thanh Âm Xanh, tôi khác với tôi ở thời điểm làm Khăn Ấm Cho Em. Nếu gần 10 năm trước, tôi là cô gái ngoài đôi mươi yêu âm nhạc và tràn đầy hào hứng lên đường vì trẻ em thì khi bắt đầu với Thanh Âm Xanh, tôi trăn trở nhiều lắm. Nhưng còn biết trăn trở tức là tôi vẫn còn hướng tâm sức của mình về phía cộng đồng. Như bạn bè đùa tôi vẫn còn “chiến” sung lắm (cười).
PV: Tại sao khi thực hiện Thanh Âm Xanh chị lại trăn trở nhiều?
Nguyễn Diệu Linh: Năm 2020 bệnh dịch ập đến bất ngờ khiến công việc và đời sống của tôi có thêm rào cản và ít nhiều bị xáo trộn. Thật không thể tin nổi việc đi lại và được thở bỗng một ngày trở nên khó khăn với rất nhiều người như thế! Với những bệnh dịch trước, tôi không thực sự cảm thấy những con virus gần mình như Covid. Nhưng cũng chính khoảng thời gian cách cho tôi tĩnh tâm hơn, suy nghĩ nhiều hơn và nhận ra một trong những nguyên nhân sâu xa của bệnh dịch đến từ rất nhiều hành vi tiêu cực mà con người tác động vào vũ trụ suốt nhiều năm qua. Theo quan hệ nhân quả, thì có thể thấy rằng chúng ta đang bắt đầu nhìn thấy “quả” đến dần rồi. Vì thế mà những hành động thay đổi cần khẩn trương thực hiện, trước khi những điều gì khác nữa (có thể còn đáng sợ hơn cả Covid) xảy đến.
PV: Và chị đã lên ý tưởng cho Thanh Âm Xanh như thế? Tại sao chị muốn dùng nghệ thuật như một phương tiện chính nhằm truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường?
Nguyễn Diệu Linh: Bản thân tôi từ trước đã luôn muốn được gắn kết tất cả mọi người thông qua âm nhạc. Với Khăn Ấm Cho Em, tôi và các cộng sự cõng nhạc lên rẻo cao, giúp các em nhỏ được tiếp xúc với âm nhạc bên cạnh việc xây trường mới cho các em. Còn với Thanh Âm Xanh, chúng tôi muốn dùng nghệ thuật lay động mọi người, từ đó góp phần thay đổi nhận thức của mọi người, thúc đẩy những hành động thiết thực nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Qua việc tự nghiên cứu, tôi biết cây tre có giá trị đặc biệt cả về mặt kinh tế, môi trường và văn hóa. Tre là concept rất phù hợp để kết nối và cân bằng các yếu tố nghệ thuật, văn hóa và môi trường tại Việt Nam.
PV: Khi dự án mới đi vào hoạt động, chị có gặp khó khăn không?
Nguyễn Diệu Linh: Mọi thứ trong giai đoạn đầu đều khá khó khăn. Tôi chưa biết phải làm sao để thay đổi nhận thức của mọi người về giá trị của cây tre. Có người hỏi tôi tại sao cứ phải là tre mà không loài cây khác, năm nào cũng làm về tre thì chương trình nghệ thuật nhàm chán lắm, rồi chống biến đổi khí hậu là việc vĩ mô, dùng nghệ thuật để tác động giống như muối bỏ bể… Trải qua một giai đoạn dài tích cực truyền thông, đến giờ đã có thêm nhiều người được biết tới các lợi ích tuyệt vời mà cây tre mang lại. Nếu trồng rừng tre thành công, nhiều bài toán sẽ có cơ hội được giải cùng một lúc, tiết kiệm nhiều thời gian công sức và kinh phí.
Nhưng câu chuyện không chỉ dừng ở đó. Thuyết phục mọi người cùng tin vào định hướng của dự án đã khó, làm sao cho định hướng ấy thành hành động thiết thực càng khó hơn. Không ai sẽ đủ niềm tin với Thanh Âm Xanh nếu chúng tôi không hành động. Làm việc với cây tre không đơn giản, từ việc tìm nguồn giống phù hợp cho đến kỹ thuật nhân giống, trồng và chăm sóc. Năm đầu tiên, 80% số tre được trồng bị chết, con số tổn thất thực sự quá lớn. Năm 2022 khi chúng tôi tổ chức vườn ươm cho 10.000 giống cây cũng thất bại do lượng mưa quá lớn mặc dù đã rất chuẩn chỉ trong việc thuê tư vấn kỹ thuật, ngâm cành rễ, chọn từng cái mắt đảm bảo, bôi keo hai đầu cho đến việc trồng xuống cát để tre dễ bật mầm và cấp thoát nước tốt hay việc bón phân cao cấp. Hai lần thất bại nhưng song song đó, khi mà mình đã ổn định việc trồng bằng bầu thì may mắn thay, 10.000 cây Mạy Khao Lam lại sống rất khỏe mạnh. May sao chính quyền địa phương cùng bà con nông dân ở Mù Cang Chải luôn tin tưởng và ủng hộ chúng tôi. Niềm tin ấy trở thành động lực cho tôi và các cộng sự tiếp tục trì chí, khó đến mấy vẫn sẽ trồng, vẫn sẽ quay lại để giúp người dân vùng sâu vùng xa… Rút kinh nghiệm sau đó, chiến dịch “Vì 1 Triệu Cây tre Việt” đã thay đổi giống tre (50k/cây) để đảm bảo cây được trồng có sức sống bền bỉ hơn và có giá trị kinh tế cao hơn.
PV: Trải qua nhiều thăng trầm như vậy, liệu có bao giờ chị cảm thấy nản lòng và muốn dừng lại?
Nguyễn Diệu Linh: Nản thì tôi không nản, tôi chỉ cảm thấy buồn thôi! Buồn vì một giải pháp thấu đáo chưa thể tìm thấy.
Nhưng sau những lúc buồn bã, tôi luôn phải tự nhủ phải tìm cách. Nếu muốn dừng lại thì tôi đã dừng ngay từ thời điểm đầu rồi. Đến bây giờ, với những tín hiệu tốt từ sự ủng hộ của chính quyền và cộng đồng, việc của tôi là hành động sao cho Thanh Âm Xanh không phụ lòng của nhiều người.
Tôi được tiếp thêm năng lượng từ sự nhiệt huyết của các cộng sự trẻ. Các em đều đang đi học, đi làm với lịch trình bận rộn. Nhưng các em đều cố gắng sắp xếp và thậm chí phải gác lại cả công việc riêng để chạy dự án. Tôi thực sự biết ơn các cộng sự của mình, không có họ tôi không thể đi tiếp trên hành trình phủ xanh Việt Nam đầy gian nan. Chúng tôi đến với nhau không vì lợi ích cá nhân hay vì công việc nên đôi khi vừa làm vừa tâm sự, chia sẻ như người một nhà. Gần gũi với những con người tích cực, cuộc sống của tôi có thêm nhiều màu sắc và thú vị hơn rất nhiều.
PV: Có phải những giá trị chị cảm nhận được từ dự án cộng đồng đã thu hút chị đi theo chúng hơn 10 năm qua? Hẳn là chị đã từng phải đánh đổi nhiều thứ?
Nguyễn Diệu Linh: Đánh đổi là điều chắc chắn vì quỹ thời gian của chúng ta chỉ có như vậy, năng lượng cũng sẽ có giới hạn thôi. Nhưng như tôi chia sẻ rồi đấy, xung quanh tôi có các em chị em cộng sự hết mình, họ thậm chí bận rộn hơn cả tôi và họ đã truyền cảm hứng cho tôi vô cùng mạnh mẽ. Đôi khi bố mẹ cũng có lo lắng tôi bỏ bê đời sống cá nhân nhưng tôi tin họ luôn hiểu và đồng hành cùng mình. Về cơ bản tôi vẫn cố gắng cân bằng được giữa việc làm cộng đồng và công việc cá nhân. Có thể tôi đã từ chối những cơ hội phát triển danh vọng và tiền bạc cho bản thân mình để đi cùng Khăn Ấm Cho Em và bây giờ là Thanh Âm Xanh, vì đơn giản tiền bạc hay danh vọng không phải đích đến mà tôi thực sự hướng tới.
PV: Chị có thông điệp nào muốn gửi gắm tới cộng đồng về những dự định cho các hoạt động trong tương lai của dự án không?
Nguyễn Diệu Linh: Tôi luôn tâm niệm: “Còn thở là còn trồng” và chiến dịch "Vì Một Triệu Cây Tre Việt" sẽ tiếp tục các hoạt động để đạt mục tiêu phủ xanh Việt Nam trong vòng 5 năm tới. Mong rằng chiến dịch sẽ lan tỏa được thông điệp về lối sống Xanh, về hiện trạng môi trường để thúc đẩy cộng đồng đứng lên hành động.
PV: Xin cám ơn chị!