Thăng Bình, Quảng Nam: Phát triển kinh tế nhờ nghề trồng nấm

28/04/2019 20:57

(TN&MT) - Nấm rơm được biết đến là một loại thực phẩm ngon, sạch và bổ dưỡng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sớm nhận biết được thế mạnh của loại nấm này, nhiều hộ nông dân đang lao động chân tay ở xã Bình Trị (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) đã chuyển hẳn sang nghề trồng nấm.

1- Những bịch meo được các hộ dân đặt mua tại các đại lý lớn. Chọn meo giống tốt, đúng tuổi, không nhiễm tạp khuẩn sẽ cho năng suất cao và chất lượng nấm tốt
Những bịch meo được các hộ dân đặt mua tại các đại lý lớn. Chọn meo giống tốt, đúng tuổi, không nhiễm tạp khuẩn sẽ cho năng suất cao và chất lượng nấm tốt

Trước đây, Bình Trị là một xã còn nghèo, đời sống người dân còn nhiều vất vả, thiếu thốn. Từ khi biết đến nghề trồng nấm, kinh tế nhiều hộ dân đã dần đi vào ổn định.

Chia sẻ với PV, bà Trần Thị Bốn (47 tuổi, trú thôn Vinh Huy, xã Bình Trị) cho hay, gia đình bà làm nấm đến nay cũng được 6 năm.

2- Bà Trần Thị Bốn đang chất những bánh rơm vào xe để chuẩn bị cho vào trại nấm
Bà Trần Thị Bốn đang chất những bánh rơm vào xe để chuẩn bị cho vào trại nấm

“Nghề làm nông thật sự vất vả, cực nhọc lại khó mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các con của tôi khôn lớn, ăn học cũng nhờ vào thu nhập chính từ nghề trồng nấm. Từ khi chuyển sang nghề này, tuy có hơi vất vả và tốn công sức nhưng nó là nguồn sống của gia đình tôi và các hộ khác ở thời điểm hiện tại. Thậm chí nhiều người còn trở nên giàu có nhờ nghề trồng nấm”- bà Bốn nói.

Cũng theo bà Bốn, làm nấm chủ yếu là phải có nguồn nước sạch và chú trọng ở khâu chăm sóc. “Lúc đầu thì gia đình tôi cũng dựng 2 trại rơm nhỏ nhỏ lên để làm, sau đó là 4 và đến bây giờ là phát triển thành 7 trại nấm, ngày nào cũng chăm sóc và có nấm để bán. Hiện tại, một ký nấm có giá giao động từ 40-45 nghìn đồng đối với vùng nông thôn. Mỗi tháng gia đình tôi thu được khoảng 4 tạ nấm, thu nhập tùy thuộc vào năng suất. Đối với người nông dân vùng quê thì thu nhập 20 triệu/ tháng cũng khá cao”- bà Bốn hào hứng.

3- Nấm đã bắt đầu nhú ra những búp nhỏ, người nông dân có thể thu nấm đợt 1
Nấm đã bắt đầu nhú ra những búp nhỏ, người nông dân có thể thu nấm đợt 1

Theo các hộ gia đình làm nghề trồng nấm, quy trình thực hiện có thể chia làm 4 bước chính: Ủ rơm (Nước sạch, kết hợp với nước vôi và phân), gói rơm (bánh rơm), đưa bánh rơm vào trại và thu hái nấm.

Trước khi bắt tay vào việc sản xuất nấm phải chọn mua meo giống để trồng. Một bịch meo giống nặng khoảng 120g và có giá từ 60-80 nghìn đồng/kg. Chọn meo giống tốt, đúng tuổi, không nhiễm tạp khuẩn sẽ cho năng suất cao và chất lượng nấm tốt.

4- Những búp nấm rơm rất tươi ngon và sạch sẽ, bây giờ thì người nông dân có thể mang ra chợ để bán cho khách
Những búp nấm rơm rất tươi ngon và sạch sẽ, bây giờ thì người nông dân có thể mang ra chợ để bán cho khách

Công đoạn tốn nhiều thời gian và công sức nhất là từ khi tháo bao ra và chăm cho nấm. Khoảng 3 ngày sau khi bao được tháo, nấm sẽ bắt đầu ra, đợi 4 ngày sau thì có thể thu nấm và đem đi bán. Điều quan trọng là phải giữ cho trại nấm luôn ở nhiệt độ thích hợp. Vào mùa đông, có gió lạnh thi phải chắn gió, giữ ấm và làm mô nấm lớn hơn; mùa mưa cần làm mái che, làm nền trại nấm thật cao để chống ngập úng. Trung bình mỗi bánh rơm được khoảng 1 lạng nấm.

Nguyên liệu chính dùng để làm nấm chính là rơm. Nhiều hộ trồng nấm đã bỏ ra nhiều tiền để thu mua rơm từ các hộ nông dân tại địa phương, nhiều khi không đủ nguồn rơm cung cấp họ phải đến nơi khác để mua thêm. Những bó rơm được lựa chọn khá kỹ lưỡng: Tươi, giòn, không sâu, không rầy… để đảm bảo không ảnh hưởng đến chất lượng, năng suất nấm sau này.

5- Nguyên liệu chính để làm nấm đó chính là rơm. Cứ đến mùa vụ là người trồng nấm lại đi khắp vùng để thu mua rơm mang về nhà chất thành từng đống lớn
Nguyên liệu chính để làm nấm đó chính là rơm. Cứ đến mùa vụ là người trồng nấm lại đi khắp vùng để thu mua rơm mang về nhà chất thành từng đống lớn

Chị Lưu Thị Thùy (36 tuổi) thổ lộ: “Ở miền quê, làm nông đòi hỏi mình phải có sức khỏe nhiều. Còn làm nấm thì khá nhọc nhằn nhưng ít tốn sức lao động, mình sẽ chủ động về thời gian và có thể ở nhà chăm sóc con cái. Trước đây, tôi cũng từng làm nhiều nghề máy cưa, máy cày… công việc hết sức vất vả. Từ khi bén duyên với nghề trồng nấm, vợ chồng tôi có phần khỏe hơn nhiều. Thu nhập ổn định có tháng thu được 12-16 triệu. Vì mình không dùng máy móc hay trang thiết bị gì hiện đại, chúng tôi chỉ trồng nấm theo những gì học hỏi được từ những người đi trước. Từ đó, chúng tôi luôn cố gắng chăm sóc và phát triển, mở rộng quy mô trại nấm ra rộng hơn nữa”.

Với những lợi ích kinh tế mà cây nấm mang lại, hiện nay Hội Nông dân của xã Bình Trị cũng đang có những biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện giúp bà con yên tâm sản xuất.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thăng Bình, Quảng Nam: Phát triển kinh tế nhờ nghề trồng nấm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO