Để làm được việc đó, cần thực hiện tốt việc tiếp tục tập huấn cho hơn 300 người để thực hiện việc thường xuyên cập nhật dữ liệu vào hệ thống. Đây sẽ là một công cụ kỹ thuật hỗ trợ, đồng hành cùng ngành Lâm nghiệp ít nhất 10 - 15 năm để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành thường xuyên.
Hệ thống theo dõi rừng và đất lâm nghiệp do Dự án Phát triển hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp xây dựng bao gồm các dữ liệu diễn biến về khai thác, biện pháp lâm sinh, rủi ro, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, diễn biến chủ rừng, diễn biến chức năng rừng, chỉnh sửa dữ liệu.
Ảnh minh họa |
Hệ thống cho phép khi có bất kỳ diễn biến nào thì kiểm lâm địa bàn có thể thu nhập dữ liệu, cập nhật diễn biến trạng thái của lô rừng theo hệ thống chỉ tiêu của Dự án Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013 - 2016 và đồng bộ lên hệ thống dữ liệu trung tâm máy chủ đặt tại Tổng cục Lâm nghiệp.
Được biết, Hệ thống theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp đã được triển khai tại 40 tỉnh từ năm 2015 - 2016. Dự án FORMIS II đã tổ chức 43 lớp tập huấn cho kiểm lâm viên, 109 tiểu giáo viên, 722 người đã được hướng dẫn sử dụng phần mềm.
Ngoài ra, Dự án cũng đã tạo ra một hệ thống đào tạo trực tuyến, các video. Mọi diễn biến về rừng và đất lâm nghiệp hiện đang được cán bộ kiểm lâm cấp huyện trực tiếp cập nhật vào phần mềm.
Tiếp theo 40 tỉnh đã triển khai, Dự án sẽ tiếp tục triển khai Hệ thống với 20 tỉnh trong năm 2017. Như vậy, sau khi được cập nhật, ngành Lâm nghiệp sẽ có bộ dữ liệu chuẩn, đồng nhất, tin cậy về diễn biến rừng và đất lâm nghiệp bao phủ 60/60 tỉnh, với 7,2 triệu lô rừng và 1.118.000 chủ rừng trên cả nước.
PV