Cần thiết ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ông Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở với những lý do như đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Dân chủ là phương thức để Nhân dân phát huy quyền làm chủ, thể hiện ý chí, nguyện vọng, lợi ích và quyền lực của mình để tham gia vào các hoạt động của Nhà nước và xã hội.
Việc nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở cũng là một trong những nhiệm vụ lập pháp đã được đề ra tại Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 5/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật để quy định việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đối với 3 loại hình cơ sở chính gồm: xã, phường, thị trấn và cộng đồng dân cư trên địa bàn đơn vị hành chính cấp xã; cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và doanh nghiệp nhằm thể chế hóa Thông báo kết luận số 160-TB/TW ngày 15/1/2020 của Bộ Chính trị; đồng thời, cũng tán thành giao các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền quy định cụ thể việc thực hiện dân chủ trong nội bộ cơ quan, tổ chức có tính chất đặc thù để bảo đảm tính khách quan, dân chủ phù hợp với đặc điểm, tình hình và tính chất đặc thù của các cơ quan, tổ chức thuộc nhóm này.
Về cơ chế bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở, Ủy ban Pháp luật thấy rằng, để tăng cường các hình thức dân chủ trực tiếp của người dân đã được quy định trong Hiến pháp, bảo đảm thực quyền của người dân, đề nghị trong dự thảo Luật cần làm rõ hơn nữa các quy định về hình thức kiểm tra, giám sát của người dân, nội dung kiểm tra, giám sát, hiệu lực của kiến nghị sau kiểm tra, giám sát và việc thực hiện các kiến nghị sau kiểm tra, giám sát của người dân.
Ông Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định chủ trương “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ”. Tuy nhiên, do cách thiết kế trong dự thảo Luật tập trung các nội dung quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức tại Chương VI mà không gắn với quy định về việc thực hiện dân chủ của người dân tại từng loại hình cơ sở cụ thể nên chưa phản ánh được một cách rõ nét, đầy đủ vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tổ chức để Nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình tại từng loại hình cơ sở.
Bên cạnh đó, một số nội dung qua tổng kết đang được đánh giá là còn bất cập, hạn chế nhưng cũng chưa có giải pháp xử lý, khắc phục, ví dụ như trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đối với hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân. Do đó, đề nghị cần xem xét lại cách thiết kế, bố cục các nội dung trong dự thảo Luật, quy định bổ sung, làm rõ hơn vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc “làm nòng cốt” để người dân thực hiện các quyền dân chủ ở cơ sở và cơ chế thực hiện để thể chế hóa chủ trương của Đảng theo hướng:
Nhấn mạnh vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc chủ động đề xuất các vấn đề đưa ra để dân bàn, dân tham gia ý kiến và dân quyết định; vai trò của tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên trong việc tiếp nhận, hỗ trợ, phản ánh ý kiến của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Làm rõ hơn nữa vai trò của Mặt trận trong giám sát việc thực hiện các vấn đề do nhân dân quyết định hoặc đã kiến nghị, yêu cầu và các phương thức thực hiện hoạt động giám sát xã hội theo các kiến nghị, đề xuất của Nhân dân. Đồng thời, các cơ chế bảo đảm để nhân dân thực hiện quyền kiểm tra, giám sát chính quyền địa phương cấp xã trong việc thực hiện các nội dung về dân chủ ở xã, phường, thị trấn và trong việc tổ chức đối thoại một cách thực chất, hiệu quả hơn.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII), Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) và Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đều nhấn mạnh yêu cầu phát huy, mở rộng dân chủ phải đi đôi với tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội; quyền hạn gắn với trách nhiệm, lợi ích đi đôi với nghĩa vụ, chống quan liêu và các hành vi xâm phạm quyền làm chủ của nhân dân.
Mặc dù, dự thảo Luật đã có một số quy định về các hành vi bị nghiêm cấm nhưng vẫn chưa cụ thể về chế tài và hình thức xử lý, các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của cả phía người dân và phía các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức trong mối quan hệ về thực hiện dân chủ ở cơ sở cũng còn chưa thật cụ thể, rõ ràng, còn thiếu quy định nghiêm cấm việc phân biệt đối xử về giới trong thực hiện dân chủ ở cơ sở,... Do đó, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện thêm các quy định có liên quan trong dự thảo Luật.
Nâng cao trách nhiệm chính quyền cấp xã trong việc bảo đảm thông tin
Đối với nội dung thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn (Chương II), Ủy ban Pháp luật nhận thấy, các quy định về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn trong dự thảo Luật đã có sự kế thừa và phát triển hơn so với Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 nhằm hướng tới mục tiêu bảo đảm và phát huy dân chủ trực tiếp một cách rộng rãi nhất. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, quy định chi tiết hơn một số nội dung trọng tâm.
Cụ thể, xác định cụ thể một hoặc một số hình thức công khai thông tin có tính bắt buộc tại Điều 10 để nâng cao trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong việc bảo đảm thông tin phải được công khai kịp thời, nhanh chóng, dễ hiểu, dễ tiếp cận, đặc biệt là những thông tin mang tính chuyên ngành; tránh việc chỉ thực hiện công khai một cách hình thức, chiếu lệ, trong khi người dân vẫn rất khó khăn trong việc tìm kiếm, nắm bắt, tiếp cận các thông tin mà mình quan tâm.
Quy định cụ thể trường hợp nào thì toàn thể cử tri, trường hợp nào thì chỉ có các cử tri đại diện hộ gia đình được tham gia bàn và quyết định các vấn đề của địa phương tại Điều 13.
Bổ sung quy định về cơ chế thực hiện để bảo đảm các nội dung cộng đồng dân cư quyết định phải được đưa ra bàn bạc, thảo luận trước đó. Trường hợp không tổ chức họp thì ý kiến của người dân cũng cần được thu thập bằng các hình thức linh hoạt khác nhau, tránh việc chỉ gửi phiếu biểu quyết trong khi người dân không được nêu ý kiến hoặc ý kiến của người dân không được cân nhắc, xem xét thận trọng, khách quan tại các Điều 18, 19, 20 và 21.
Về thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị (Chương III), Ủy ban Pháp luật thấy rằng, để bảo đảm dân chủ thực chất thì cần có cơ chế để người dân làm chủ trực tiếp thông qua phương thức dân bàn, dân quyết định. Tuy nhiên, trong phần này của dự thảo Luật chưa có quy định về phương thức, nội dung để cán bộ, công chức, viên chức “bàn và quyết định” trong thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị. Do đó, đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về nội dung, phương thức cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị được bàn bạc, quyết định để bảo đảm thể chế hóa đầy đủ phương châm chỉ đạo của Đảng và bảo đảm sự tương thích với việc thực hiện dân chủ ở các loại hình cơ sở khác.
Về việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp (Chương IV), Ủy ban Pháp luật nhận thấy, một trong những nguyên tắc quan trọng nhất để bảo đảm thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp là thiện chí, hợp tác, trung thực, bình đẳng, công khai và minh bạch. Đây là nguyên tắc đặc thù, xuyên suốt, thể hiện sự khác biệt của loại hình dân chủ tại doanh nghiệp với các loại hình dân chủ ở cơ sở còn lại. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa phản ánh được đầy đủ tính chất đặc thù này mà cơ bản vẫn nhắc lại các nội dung đã được quy định trong pháp luật lao động hiện hành.
Theo Báo cáo tổng kết thi hành pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở thì nhiều doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước chưa xây dựng quy chế dân chủ; chậm sửa đổi, bổ sung nội quy, quy chế phù hợp với những thay đổi của pháp luật; việc tổ chức hội nghị người lao động ở một số doanh nghiệp vẫn còn hình thức, chưa bảo đảm các nội dung theo quy định, nhất là việc công khai tài chính, các loại quỹ, công tác cán bộ,...
Điều này cho thấy, các quy định của pháp luật hiện hành có thể vẫn còn những điểm bất cập, chưa thật sự phù hợp, chưa phát huy được tính sáng tạo và tăng cường dân chủ trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một số nội dung đang được quy định trong dự thảo Luật nhưng lại không phù hợp với tất cả các loại hình tổ chức doanh nghiệp. Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị cần tiếp tục tổng kết, khảo sát, nghiên cứu, đánh giá sâu hơn về nội dung này để thiết kế các quy định phù hợp, giải quyết được các vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra.
Về Thanh tra nhân dân (Chương V), Ủy ban Pháp luật tán thành việc chuyển quy định về Thanh tra nhân dân (hiện đang được điều chỉnh tại Luật Thanh tra) sang quy định tại dự án Luật này để phản ánh đúng bản chất của Thanh tra nhân dân là hoạt động giám sát của người dân ở cơ sở nhưng đề nghị cần kế thừa cách thức quy định về chế định này từ Luật Thanh tra hiện hành để thấy được tính đầy đủ và toàn diện của chế định Thanh tra nhân dân; không nên tách các quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị đối với tổ chức và hoạt động của Thanh tra nhân dân sang Chương VI như đang thể hiện trong dự thảo Luật.
Đối với nội dung thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật (Điều 74), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, theo quy định tại Điều 74, trường hợp dự án Luật này được Quốc hội thông qua thì sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023. Tuy nhiên, do trong dự thảo Luật có nội dung về Thanh tra nhân dân được chuyển từ quy định của Luật Thanh tra hiện hành và dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) cũng đang được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3, thông qua tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) nên đề nghị Quốc hội lưu ý xem xét khi xác định thời điểm có hiệu lực thi hành của hai luật này (khi được thông qua) để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ.