Những đêm trắng giữa trùng khơi
Năm 2020 đi qua, cán bộ chiến sĩ hải quân Trường Sa, DK1 lại bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ mới, nhưng niềm kiêu hãng và tự hào nhất đối với họ là đã làm được nhiều nghĩa cử thắm tình quân dân giữa sóng nước trùng khơi. Đó là cứu chữa hàng trăm lượt bà con ngư dân, hàng ngàn phương tiện tàu thuyền vào tránh bão, cấp miễn phí hàng chục ngàn khối nước ngọt và muối ăn, sửa chữa nhiều tàu thuyền hỏng hóc miễn phí hoàn toàn.
Bác sĩ đảo Trường Sa lớn siêu âm cho ngư dân Bùi Văn Trường, Ảnh do Bệnh xá đảo Trường Sa lớn cung cấp |
Không thể kể hết ra đây hàng trăm lần cứu dân gặp nạn, nhưng lần các bác sĩ đảo Trường Sa Lớn cứu ngư dân Bùi Văn Trường bị tắc mật do sỏi ống mật chủ tái phát ngày 10/12/2020, là biểu hiện của nghĩa tình quân dân như cá với nước, là máu thịt không thể tách rời.
Khuya ngày 9/12/2020, trong khi cán bộ chiến sĩ đảo Trường Sa Lớn chuẩn bị đi ngủ thì đảo báo động “cấp cứu ngư dân khẩn cấp”. Đèn ở bệnh xá bật sáng. Kíp trực cấp cứu khẩn cấp triển khai đón ngư dân từ tàu cá chuyển vào. Giữa đêm tối mịt mùng, ngư dân Bùi Văn Trường nhanh chóng được chuyển lên cáng chuyên dụng đưa vào đảo trong thể trạng bụng đau dữ dội, mặt tái nhợt, nhịp xoang chậm, vã mồ hôi, chân tay lạnh ngắt.
Cuộc hội chẩn nhanh chóng diễn ra ngay tại đảo giữa các bác sĩ đảo Trường Sa lớn và bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 Bộ Quốc phòng. Qua làm các thủ thuật điện tim, xét nghiệm máu, chụp x-quang, siêu âm, các bác sĩ xác định bệnh nhân Bùi Văn Trường bị tắc mật do sỏi ống mật chủ tái phát và có khả năng bị nhiễm trùng huyết nặng, phải tiến hành phẫu thuật ngay và điều trị nội khoa tích cực.
Các y bác sĩ bệnh xá đảo Song Tử Tây cấp cứu cho một ngư dân bại tai nạn lao động khi đánh bắt hải sản, ảnh: Thanh Tùng |
Sau khi làm các biện pháp cấp cứu ban đầu, bác sĩ trưởng đảo Trường Sa lớn chuyên khoa 1, Đại úy Trương Đức Cường đã nhanh chóng đề nghị với chỉ huy đảo Trường Sa, đề nghị Bộ quốc phòng cho máy may trực thăng EC -225 bay cấp cứu khẩn cấp, chuyển ngư dân Bùi Văn Trường vào đất liền điều trị. “Đêm đó tất cả chúng tôi đều không ai ngủ. Vừa theo dõi bệnh nhân, vừa trực để sẵn sàng xử lý khi tình hống xấu xảy ra. Bệnh nhân bị tắc mật, nhiễm trùng huyết rất dễ tử vong, nếu không xử lý kịp thời. Mặc dù hàng trăm lần cấp cứu ngư dân, song mỗi lần cấp cứu đêm thì chẳng bác sĩ nào dám ngủ cả”- bác sĩ Cường hồi tưởng lại.
Xác định cứu ngư dân gặp nạn là cứu mạng sống con người, Bộ Quốc phòng đã khẩn cấp điều trực than EC-225 của không quân hải quân xuất phát từ sân bay (Binh Đoàn 18 Vũng Tàu), bay thẳng ra Trường Sa lớn cấp cứu. Lúc 23 giờ 45 phút ngày 10-12, trực thăng EC-225 đã hạ cánh xuống đường băng Trường Sa. Bệnh nhân Bùi Văn Trường nhanh chóng được chuyển lên máy bay đưa về Viện quân y 175 Bộ quốc phòng điều trị.
Không phải cuộc chia tay giữa người về đất liền và người ở đảo, song mắt các bác sĩ vẫn thấy cay cay. Bởi các anh hiểu rằng, để cứu sống một mạng người ngoài dụng cụ y tế, thuốc chưa bệnh, điều quan trọng bậc nhất là tình người của người thầy thuốc. “Ở giữa biển khơi mênh mông điều kiện khó khăn gian khổ, nếu không có tình người nhiệt tình, thì khó có thể cứu sống được ngư dân khi họ chẳng may gặp nạn”, bác sĩ Cường chia sẻ.
Cán bộ chiến sĩ đảo Nam Yết sẵn sàng đón ngư dân gặp nạn vào cứu chữa |
Kể chuyện những đêm trắng cứu ngư dân giữa biển khơi, Đại úy Trương Đức Cường không bao giờ quên lần đầu anh cầm dao mổ một ngư dân bị đau ruột thừa. Đó là 15/5/2016. “Buổi sáng hôm ấy, tôi vừa đặt chân lên đảo Trường Sa lớn thì ngay tối tôi tiếp nhận xử lý 2 ca cấp cứu nặng. Cả hai trường hợp đều là ngư dân làm việc trên tàu cá bị việm ruột thừa. Ca mổ đầu tiên giữa biển khơi cho ngư dân Nguyễn Quốc Lợi kết thúc lúc 2 giờ sáng. Tôi chưa kịp thở phào thì lại vào ca mổ cho một ngư dân khác lúc 4 giờ cùng ngày. Sau ca mổ cũng là lúc bộ đội dậy tập thể dục sáng. Tuy cả đêm hôm đó chúng tôi thức trắng, nhưng niềm vui và động lực như được nhân lên vì người bệnh được hồi sinh. Với bác sĩ Trường Sa, sự sống của ngư dân là niềm vui chưa bao giờ kể xiết”, bác sĩ hồi tưởng lại.
Những phút nghẹt thở
Đã qua rồi những phút giây tưởng chừng như nghẹt thờ vì áp lực “sinh tử” của ngư dân. Hàng trăm lần cấp cứu chữa bệnh cho bà con ngư dân đánh bắt thủy hải sản gặp nạn trên vùng biển đảo Trường Sa đã trở thành quá khứ. Song mỗi lần hồi sinh cho một ngư dân sống lại, bác sĩ chuyên khoa 1 bệnh xá đảo Song Tử Tây - Thiếu tá Lê Xuân Vượng đều không cầm được nước mắt.
Một góc đảo chìm Trường Sa |
Gần trưa ngày 14 giờ ngày 20/9/2020, bệnh xá đảo Song Tử Tây tiếp nhận ngư dân Trần Quốc Oanh, 41 tuổi, quê ở xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, là thuyền viên trên tàu cá BĐ 97092 TS, hành nghề lưới vây cá ngừ trong thể trạng đau đầu dữ dội, nôn khan, co giật, sùi bọt mép, kích thích đau không đáp ứng, hôn mê sâu, dãn đồng tử. Xác định đây là ca bệnh nguy hiểm đến tính mạng cần phải cấp cứu khẩn cấp (báo động y tế số 1-PV). Không chần chừ, bác sĩ Lê Xuân Vượng đã kết nối cầu truyền hình qua hệ thống Telemedicin với Bệnh viện Quân y 175 và Bệnh viện Quân y 7 (Quân khu 3) để hội chẩn. Qua chẩn đoán xác định bệnh nhân bị vỡ phình mạch não có thể tử vong nếu không can thiệp y tế tích cực.
Một trong những mặt trở thành điểm sáng nhất trong công tác dân vận năm 2020 của Quân chủng Hải quân là việc cứu chữa hàng trăm ngư dân, hàng ngàn phương tiện tàu thuyền của bà con các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Cà Mau, Cần Thơ, An Giang, Bà Bà Rịa Vũng Tàu chẳng may gặp nạn trong khi đánh bắt xa bờ ở quần đảo Trường Sa và khu vực biển nhà giàn DK1.
Ngay sau khi Bộ Tư lệnh Hải quân được Bộ Quốc phòng đồng ý đưa bệnh nhân Trần Quốc Oanh về đất liền điều trị, máy bay trực thăng EC- 225 mang số hiệu VN8619 của Binh đoàn 18 cùng tổ bác sĩ của bệnh viện quân y 175 đã đáp xuống đảo Phan Vinh. Tháng 9, thời tiết ở đảo Phan Vinh sóng to gió lớn. Có lúc chiếc trực thăng như “hút” vào gió biển. Song tổ bay đã kiên cường đưa ngư dân Trần Quốc Oanh về đến đất liền an toàn và chuyển viện 175 cứu chữa kịp thời.
“Những lúc cấp cứu như thế là những lúc nghẹt thở. Bởi giữa sinh và tử của ngư dân chỉ nằm trong gang tấc. Nếu không cứu chữa bằng cả tấm lòng, tình người mà chỉ cần sơ suất một chút là họ sẽ tử vong. Càng ở đảo, càng phải nêu cao tinh thần phục vụ vì sức khỏe của bà con ngư dân. Cứu dân là nhiệm vụ, tình quân dân không bao giờ có khoảng cách”- Thiếu tá Bác sĩ Lê Xuân Vượng, bày tỏ.
Vì ngư cống hiến quên mình
Năm 2020 khép lại được coi là năm của “biển đảo yên bình”. Song hàng ngàn bà con ngư dân cùng phương tiện tàu thuyền của họ vẫn băn khoăn, lo toan, bởi không loại trừ họ bị áp lực truy đuổi của những con tàu “không mời mà đến”. Biển xa sóng gió, giông bão bất thường, thiên tai khắc nghiệt, sao lường trước được những điều bất trắc xảy ra.
Máy bay EC 225 ra Trường Sa cứu nạn |
Để làm điểm tựa cho ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, bên cạnh sẵn sàng cấp nước ngọt, gạo, muối, dầu ăn cho ngư dân, các bác sĩ ở 21 đảo, điểm đảo/33 điểm đóng quân ngoài Quần đảo Trường Sa và quân y sĩ ở 15 nhà giàn DK1 luôn xác định “vì ngư dân quên mình cống hiến”. Bởi các anh hiểu giữa trập trùng sóng nước biển xa, bà con ngư dân chính là người bạn đồng hành cùng bộ đội Hải quân, Cảnh Sát biển, Kiểm ngư bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Với những người khoác áo Blu trắng ở “quần đảo bão tố”, nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật, tai nạn cho ngư dân càng trở nên cấp bách và thiêng liêng hơn. Bởi sự cứu chữa ấy, không chỉ dừng lại ở trách nhiệm, mà còn là tình người, tình đời giữa biển khơi bạt ngàn sóng gió.
“Không phải cuộc chia tay giữa người về đất liền và người ở đảo, song mắt các bác sĩ vẫn thấy cay cay. Bởi các anh hiểu rằng, để cứu sống một mạng người ngoài dụng cụ y tế, thuốc chưa bệnh, điều quan trọng bậc nhất là tình người của người thầy thuốc. “Ở giữa biển khơi mênh mông điều kiện khó khăn gian khổ, nếu không có lòng nhiệt tình, thì khó có thể cứu sống được ngư dân khi họ chẳng may gặp nạn”, bác sĩ Trương Đức Cường chia sẻ.