Đứng giữa cánh rừng Nậm Xé trong lần đi tuần tra bảo vệ rừng cùng Trạm Kiểm lâm cửa rừng Nậm Mu, Khau Co, trong bạt ngàn rừng già, dưới tán rừng ken dày, tiếng gió luồn trong núi vu vu từng đợt cùng hơi nước bốc lên mù mịt mới cảm nhận hết cái lạnh giữa mùa đông nơi đây.
Trở lại với câu chuyện giữ rừng, vì sao địa bàn phức tạp là thế mà vẫn giữ được những cánh rừng xanh tươi? Cán bộ, chiến sĩ Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên, Văn Bàn cho hay, ngoài việc nhờ vào các chính sách phát triển kinh tế ở vùng cao để giảm sự lệ thuộc đời sống của người dân vào khai thác rừng tự nhiên, còn nhờ sự nỗ lực của ngành kiểm lâm. Những chiến sĩ Kiểm lâm khi được giao phụ trách ở địa bàn nào thì phải chịu trách nhiệm khu vực đó, nếu để xảy ra điểm nóng thì người phụ trách phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Vì thế, dù khó khăn đến mấy cũng không được lùi bước. “Bí quyết” căn bản là phải vận động được chính quyền cơ sở cùng người dân tham gia tích cực vào việc giữ rừng, hướng dẫn nhân dân biết cách bảo vệ rừng.
Anh Vàng A Chanh, thành viên Tổ bảo vệ rừng thôn Tu Hạ đã có 8 năm tham gia tuần rừng cho biết: “Nếu như không kéo được sự nhập cuộc của chính quyền cơ sở và người dân tham gia bảo vệ rừng thì rất khó giữ được rừng. Bởi lâm tặc ngày nay hoạt động rất tinh vi. Ban ngày, chúng theo dõi từng bước đi của Kiểm lâm rồi mới thông báo cho đồng bọn tỏa vào rừng. Khi vận chuyển gỗ từ rừng ra, lợi dụng lúc nhá nhem tối, đêm khuya hay mờ sáng, chúng cho một người đi trước và nếu bị bắt thì thông tin cho đồng bọn dừng lại hoặc là đi thành tốp rồi về không, để cho Kiểm lâm mất cảnh giác rồi toán sau mới chở gỗ ra”.
Không chỉ khó khăn khi đấu tranh với lâm tặc, lực lượng Kiểm lâm tại Lào Cai còn phải đấu tranh với “giặc lửa”. Anh Lự Đình Nhiêu, một cán bộ Kiểm lâm chia sẻ, tháng 2 và tháng 3 là giai đoạn khô kiệt nhất trong năm, đây cũng là thời điểm người dân đốt dọn thực bì, làm nương để chuẩn bị cho vụ sản xuất mới. Những yếu tố này khiến nguy cơ cháy rừng trên địa bàn gia tăng. Để phòng chống cháy rừng, các cán bộ, chiến sĩ Kiểm lâm thường xuyên tuyên truyền cho người dân hạn chế đốt nương rẫy. Nâng cao tinh thần cảnh giác, canh gác 24/24, luôn trong trạng thái sẵn sàng, khi có cháy rừng xảy ra phải có mặt kịp thời cùng người dân dập lửa.
Bên cạnh đó, “giặc rét” cũng hoành hành, gây khó cho những người lính gác rừng nơi đây. Vừa nói, vừa xuýt xoa vì rét, Kiểm lâm viên Lự Đình Nhiêu cho biết, cái rét năm nay vẫn không ăn thua gì bằng cái rét cách đây 5 năm. Anh không bao giờ quên được những lần tuần rừng của mùa đông năm 2016. Mùa đông năm đó, tuyết rơi trắng núi rừng Khau Co, rét đến “cắt da cắt thịt” nhưng anh Nhiêu và các thành viên trong tổ vẫn miệt mài với công việc đã “ngấm” vào máu của mình.
“Mỗi lần đi tuần rừng, chúng tôi phải đi bộ hơn 3 tiếng đồng hồ từ Trạm Kiểm lâm cửa rừng Nậm Mu, Khau Co mới tới được chốt. Cuộc sống tuần rừng trong những ngày đông giá rét thực sự là một thử thách. Mặc dù đã được tăng cường chăn ấm, nhưng cũng không thấm vào đâu so với cái rét ở chốn đại ngàn” - anh Nhiêu chia sẻ.
Hôm nay, đến phiên Tổ bảo vệ rừng thôn Tu Hạ đi tuần rừng. Dẫu nhiệt độ ban ngày ở ngoài trời là 5 độ C, mưa rừng xen lẫn gió núi, nhưng các thành viên trong tổ đều sẵn sàng cho chuyến đi rừng 4 ngày, 3 đêm. Với lòng yêu nghề và trách nhiệm cùng núi rừng, khó khăn hiểm trở hay giá rét cũng không làm chùn bước những người lính gác rừng như các anh. Tuyến đường mòn dẫn vào đại ngàn sâu thẳm, những đôi chân vững vàng bước đi vì màu xanh của đại ngàn.