Ông Hoàng Quang Nam - đại diện Công ty Cổ phần Công nghệ Bắc Bán Cầu, đơn vị tư vấn của đề án thăm dò đá sét làm nguyên liệu xi măng tại xã Hữu Lợi và đề án thăm dò đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng tại xã Đoàn Kết và xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình cho biết: Tài liệu phục vụ công tác lập đề án là tài liệu khảo sát thực tế của chủ đầu tư (Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuân Khiêm), đơn vị tư vấn và kết hợp với tài liệu kết quả thăm dò khai thác tại các mỏ lân cận đảm bảo độ tin cậy. Các phương pháp và khối lượng công trình thăm dò thiết kế tại đề án là phù hợp, đảm bảo đúng theo các quy phạm, quy định hiện hành.
Ông Hoàng Quang Nam nhấn mạnh: Thực hiện thi công thăm dò theo thiết kế tại đề án đưa ra sẽ đảm bảo đủ cơ sở để xác định chính xác đặc điểm của thân nguyên liệu đá sét xi măng, cũng như thân nguyên liệu đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng, đánh giá được đầy đủ chất lượng và trữ lượng đến cấp 121 và cấp 122 trong diện tích thăm dò.
Mục tiêu thăm dò đánh giá trữ lượng đá sét làm nguyên liệu xi măng là 40 triệu tấn và mục tiêu thăm dò đánh giá trữ lượng đá vôi cấp 121 + 122 là 71 triệu tấn. Đại diện đơn vị tư vấn đánh giá, đây là trữ lượng hoàn toàn khả thi.
Đối với đề án thăm dò đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng tại xã Đoàn Kết và xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên đánh giá, diện tích thăm dò 52,4 ha chia thành 4 khu, mỗi khu có địa hình không đồng nhất, nên trong quá trình thực hiện phải phụ thuộc vào điều kiện thực tế để bố trí khoan nghiêng, khoan ngang, khoan đứng đảm bảo phù hợp và hiệu quả.
Đối với đề án thăm dò đá sét làm nguyên liệu xi măng tại xã Hữu Lợi, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình, Thứ trưởng Trần Quý Kiên yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến của các thành viên Hội đồng và lưu ý, rút kinh nghiệm về việc lấy tỷ lệ mẫu mặt nhiều.
Ngoài 2 đề án trên, Hội đồng thẩm định đề án thăm dò khoáng sản cũng đã tiến hành thẩm định đề án thăm dò đá sét làm nguyên liệu xi măng tại mỏ sét số 1 và mỏ sét số 2 thuộc xã Thống Nhất, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Ông Hà Huy Thanh - đại diện Công ty cổ phần Tư vấn Khảo sát Thiết kế và Xây dựng Mỏ - Địa chất, đơn vị tư vấn của đề án cho biết: Trong quá trình lập đề án, tập thể tác giả đã tiến hành công tác thực địa, thu thập tài liệu địa chất và các tài liệu kinh tế - xã hội của khu vực thăm dò và các khu vực mỏ lân cận hiện nay.
Đề án đã tổng hợp và sử dụng các thông tin địa chất khoáng sản có liên quan đến khu mỏ để lựa chọn tổ hợp phương pháp và mạng lưới bố trí công trình thăm dò, khối lượng các hạng mục công tác thăm dò hợp lý và phù hợp với đối tượng thăm dò.
Mặc dù tài liệu thu thập trên khu vực xin cấp giấy phép thăm dò còn hạn chế nhất định, nhưng tập thể tác giả đã tiến hành khảo sát thực địa và đã trực tiếp thi công nhiều phương án thăm dò đá sét làm nguyên liệu xi măng. Vì vậy, đề án thăm dò bảo đảm tính hợp lý và có độ tin cậy, thi công sẽ có hiệu quả và đạt mục tiêu trữ lượng cấp 121 và 122 đề ra (gần 33,7 triệu tấn).
Đối với đề án này, Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho biết, hiện nay có 5-6 mỏ sét làm nguyên liệu xi măng cho các dự án tại khu vực thăm dò trên nên chủ đầu tư (Công ty cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn) và đơn vị tư vấn cần chỉnh sửa đề án theo hướng có sự đồng nhất với các dự án khác.
Ngoài ra, Công ty cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn đang thiếu nhiều nguyên liệu trong đề án này, do đó cần áp dụng nguyên tắc sử dụng triệt để tiết kiệm nguyên liệu mà vẫn đảm bảo chất lượng.
Thứ trưởng cũng yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị tư vấn rà soát các đề án thăm dò khác có khoáng sản đi kèm, từ đó rút kinh nghiệm đối với đề án này, nếu tính toán được cát kết trong quá trình khai thác thì tiến hành bóc tách, thu hồi.