Hai Đề án này do Công ty Cổ phần tư vấn triển khai công nghệ Mỏ - Địa chất phối hợp với Công ty Cổ phần xi măng Long Thành thành lập.
Báo cáo tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Cúc thuộc Công ty Cổ phần tư vấn triển khai công nghệ Mỏ - Địa chất cho biết: Trong quá trình lập Đề án thăm dò đá sét làm nguyên liệu xi măng tại xã Thống Nhất, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình, tập thể tác giả đã tiến hành công tác khảo sát thực địa, thi công một số hào và dọn sạch vết lộ, thu thập tài liệu địa chất khu vực và các tài liệu kinh tế - xã hội của khu vực xin cấp phép thăm dò và các khu vực mỏ lân cận.
Đề án đã tổng hợp và sử dụng các thông tin địa chất khoáng sản có liên quan đến khu vực thăm dò và kết quả khảo sát thực địa, kết quả phân tích mẫu để lựa chọn tổ hợp phương pháp và mạng lưới bố trí công trình thăm dò, khối lượng các hạng mục công tác thăm dò phù hợp với đối tượng thăm dò được quy định.
Đối với Đề án thăm dò laterit làm nguyên liệu sản xuất xi măng tại khu vực xã Vũ Bình, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, bà Cúc cho biết, kết quả lấy một số mẫu phân tích cho thấy, chất lượng sét đáp ứng yêu cầu làm nguyên liệu sản xuất xi măng. Vì vậy, thân sét được xem là khoáng sản đi cùng, cần kết hợp đánh giá chất lượng và tính trữ lượng trong quá trình thăm dò laterit.
Kết quả khảo sát thực địa, đặc điểm cấu trúc địa chất và chất lượng thân laterit và khoáng sản đi cùng (đá sét) cho thấy, đề án đã dự kiến được khối lượng các dạng công trình thăm dò và công tác mẫu cụ thể cho đối tượng thăm dò chính là laterit và khoáng sản đi kèm là đá sét làm nguyên liệu sản xuất xi măng có mặt trong khu vực thăm dò tại xã Vũ Bình. Tuy nhiên, tài liệu thu thập trên khu vực xin cấp phép thăm dò còn hạn chế nhất định.
Theo đại diện Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam - ủy viên Hội đồng, đơn vị tư vấn cần mô tả các phân vị địa tầng theo quy định ngành hiện nay; xem xét khối lượng công trình bởi khối lượng này quá nhiều để thiết kế thay công trình khoan; giải trình làm rõ cơ sở xếp cấp đất đá trong khoan; có khả năng khoanh nối diện tích có tổng sắt lớn hơn 24% trong diện tích thăm dò sét; sét làm xi măng đi kèm quặng laterit hệ tầng Cò Nòi khác sét trong hệ tầng Suối Bàng không khi sử dụng làm nguyên liệu xi măng.
Đối với Đề án thăm dò đá sét làm nguyên liệu xi măng tại xã Thống Nhất, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên và các ủy viên Hội đồng đã thông qua kết quả dự tính tổng trữ lượng đá sét cấp 121 và 122 là 17.657 nghìn tấn ở trạng thái tự nhiên, tương ứng với 15.108 nghìn tấn ở trạng thái khô.
Đối với Đề án thăm dò laterit làm nguyên liệu sản xuất xi măng tại khu vực xã Vũ Bình, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, Thứ trưởng và các thành viên Hội đồng phê duyệt tổng trữ lượng laterit cấp 121 và 122 là 930 nghìn tấn ở trạng thái tự nhiên, tương ứng với 756 nghìn tấn ở trạng thái khô; tổng trữ lượng đá sét cấp 122 là 375 nghìn tấn ở trạng thái tự nhiên, tương ứng với 305 nghìn tấn ở trạng thái khô.