Thẩm định các đề án thăm dò khu mỏ than tại Quảng Ninh

Mai Đan| 17/12/2020 13:45

(TN&MT) - Sáng 17/12 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định đề án thăm dò khoáng sản.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên chủ trì cuộc họp

Hội đồng đã thẩm định 3 đề án thăm dò khoáng sản tại tỉnh Quảng Ninh đó là: thăm dò khu mỏ than Hà Ráng; khu mỏ than Đồng Vông - Uông Thượng; khu mỏ than Suối Lại.

Theo Báo cáo của Công ty cổ phần Tin học, Công nghệ, Môi trường – Vinacomin (VITE), đơn vị tư vấn: Đề án thăm dò khu mỏ than Hà Ráng nhằm đánh giá, xác định trữ lượng, tài nguyên than mỏ Hà Ráng từ Lộ vỉa đến than (-1000m). Dự kiến đạt cấp trữ lượng 122 toàn mỏ là 89%. Để triển khai đề án sẽ  thực thực hiện trắc địa công trình; thi công các công trình thăm dò; lấy và phân tích mẫu các loại; nghiên cứu địa chất thủy văn – địa chất công trình; nghiên cứu khí mỏ; tổng hợp và tính trữ lượng tài nguyên theo quy định hiện hành. Ngoài ra trong đề án còn thiết kế thêm phương pháp đo siêu âm thành lỗ khoan nhằm xác định thế nằm, góc dốc của đất đá trong lỗ khoan.

Về đề án thăm dò khu mỏ than Đồng Vông - Uông Thượng, khối lượng và phương pháp kỹ thuật các hạng mục công tác của đề án được thiết kế trên cơ sở cấu trúc địa chất, mật độ công trình thăm dò hiện có và mục tiêu của đề án. Khối lượng các hạng mục chính của đề án bao gồm: Khoan thăm dò 47.720mk/98 lỗ khoan; lấy và phân tích 2.786 mẫu các loại và các hạng mục công tác khác. Tổng trữ lượng, tài nguyên từ lộ vỉa đến đáy tầng than (-600m) dự kiến đạt được sau thăm dò là: 112.876.231 tấn.

Ông Vũ Đức Hai – đại diện Công ty VITE cho biết: Các lỗ khoan được bố trí ở các vị trí cần thiết nhằm mục tiêu làm sáng tỏ cấu trúc địa chất và sự tồn tại của các vỉa than, đặc điểm và chất lượng các vỉa than cũng như điều kiện địa chất thủy văn – địa chất công trình và khí mỏ. Kết quả thi công đề án sẽ đánh giá một cách tương đối toàn diện các yêu cầu về tài liệu địa chất, độ tin cậy của trữ lượng và tài nguyên than làm cơ sở tin cậy cho việc triển khai dự án khai thác đạt hiệu quả. 

Vũ Đức Hai – đại diện Công ty VITE báo cáo tại cuộc họp

Đối với đề án thăm dò khu mỏ than Suối Lại, theo ông Nguyễn Văn Thịnh, đại diện Công ty cổ phần Địa chất mỏ - TKV, đơn vị tư vấn: Khu mỏ này có cấu trúc địa chất phức tạp, các vỉa than biến đổi lớn và theo đường phương, hướng dốc, xuất hiện các cửa sổ ở từng vỉa. Vì vậy trong quá trình thi công cần cập nhật thông tin về địa hình, đặc tính các vỉa than, đảm bảo trình tự thi công, để điều chỉnh nhiệm vụ các lỗ khoan cho phù hợp. Về mức độ thăm dò than khu mỏ Suối Lại rất khác nhau theo diện và chiều sâu địa tầng. Lập Đề án thăm dò mỏ than Suối Lại là rất cần thiết, phục vụ cho các dự án thiết kế mở rộng khai thác của Công ty than Hòn Gai - Vinacomin và đánh giá tiềm năng tài nguyên than toàn mỏ Suối Lại đến đáy tầng than.Thư ký Hội đồng - ông Nguyễn Tiến Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Khoáng sản cho biết: Đề án thăm dò khu mỏ than Đồng Vông-Uông Thượng đã được Thường trực Hội đồng gửi đọc nhận xét, phản biện tại 3 đơn vị: Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia; Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản và Vụ Địa chất, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) - chủ đầu tư đã phối hợp với đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến và có Văn bản giải trình. Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam trên cơ sở ý kiến góp ý phản biện cũng đã rà soát mạng lưới, phương pháp, khối lượng thăm dò thiết kế phù hợp với đặc điểm địa chất khu vực.

Đề án dự kiến bố trí khối lượng thăm dò là 103.195mk/190 lỗ khoan và được chia làm 2 giai đoạn thi công tương đương với 4 năm kể từ khi được cấp giấy phép thăm dò. Trữ lượng, tài nguyên dự kiến đạt được sau khi thăm dò là 179.808 nghìn tấn than, trong đó trữ lượng 159.570 nghìn tấn đạt tỷ lệ khoảng 88,74%. 

Theo ông Nguyễn Tiến Phương, kết quả tổng hợp than tại đây có cấu tạo dạng vỉa, thấu kính kéo dài theo phương Đông Bắc - Tây Nam, có chiều dày từ trung bình đến dày thuộc Hệ tầng Hòn Gai. Trên cơ sở tài liệu địa chất được Hội đồng Đánh giá trữ lượng khoáng sản phê duyệt, khu thăm dò được xếp vào nhóm mỏ loại III (mỏ có cấu trúc địa chất phức tạp), thăm dò trữ lượng đến cấp 122.

Góp ý cho các đề án trên, ông Nguyễn Trường Giang - Chánh Văn phòng Hội đồng Đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia đề nghị công ty VITE giải trình khái niệm đáy tầng than, cơ sở xác định đáy tầng than của khu mỏ Hà Ráng và Đồng Vông-Uông Thượng.  

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Nguyên - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đề nghị các đơn vị tư vấn rà soát diện tích rừng theo công văn yêu cầu của Ủy ban nhân dân tỉnh; xem xét lại các lỗ khoan. Theo ông Nguyên nên khoan phá mẫu ở những lỗ khoan thiết kế xen giữa những lỗ khoan đã khoan trước đây, đoạn tương đương với lỗ khoan đó chỉ lấy mẫu toàn bộ khi gặp vỉa than và nóc trụ của vỉa cũng như phần kéo dài xuống sâu.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên đánh giá 3 đề án trên là 3 đề án lớn, theo kết quả dự kiến sẽ tạo ra hàng trăm triệu tấn than, khai thác trong nhiều năm và chi phí lớn. Thứ trưởng chỉ đạo chủ đầu tư và các đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến của các thành viên Hội đồng, hoàn thiện đề án, sớm trình lại và tổ chức thi công một cách khoa học, hợp lý, đảm bảo tiến độ và chất lượng thi công, tránh ảnh hưởng đến trật tự an toàn và môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thẩm định các đề án thăm dò khu mỏ than tại Quảng Ninh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO