Theo báo cáo của sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, toàn tỉnh hiện có 251 hồ, đập chứa. Ngay từ đầu mùa mưa lũ, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã có chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên phối hợp với các địa phương xây dựng phương án ứng phó thiên tai năm 2018. Tuy nhiên, việc xây dựng phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du đập, kiểm định an toàn hồ chứa và cắm mốc hành lang bảo vệ đập chưa được các chủ đập thực hiện nhiều do kinh phí lớn.
Để đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trên địa bàn, tỉnh Thái Nguyên kiến nghị các cấp Trung ương quan tâm, đầu tư kinh phí để tu bổ, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi nhằm đáp ứng nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an toàn chống lũ theo thiết kế. Đặc biệt là xử lý khẩn cấp một số hồ chứa đang có hiện tượng thấm mạnh.
Ông Nguyễn Công Thịnh, Giám đốc công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên đã cho biết: Hiện tại công ty đang quản lí 82 công trình thủy lợi trong đó có 40 hồ chứa, 37 đập tràn, 5 trạm bơm. Hồ chưa lớn và quan trọng nhất là hồ Núi Cốc. Năm 2017 xảy ra sự cố dò rỉ, thấm nhiều điểm trên thân đập chính hồ Núi Cốc. Công ty đã chỉ đạo sửa chữa, xử lý chống thấm. Đến nay khối lượng công việc đã hoàn thành 98%. Một số đầu việc còn lại là chỉnh trang mái đập, hoàn thiện rãnh thoát nước mặt, trồng cỏ…Đập chính hồ Núi Cốc sau khi sửa chữa, hoàn toàn đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. Đón lũ đầu nguồn trong mùa mưa bão, công ty đã thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh Thái Nguyên xả 2 cửa đáy đập chính hồ Núi Cốc để đảm bảo giữ mực nước hồ dưới cốt 45, tạo không gian, giãn thể tích hồ để chứa nước lũ đầu nguồn dồn về bất thường. Quá trình xả nước, công ty đã có thông báo trước đến toàn thể nhân dân trong tỉnh để bà con biết và có phương án chuẩn bị trước ứng phó với nước sông Công dân cao hơn bình thường một chút.
Tại buổi kiểm tra, đại diện lãnh đạo Tổng cục Thủy lợi ghi nhận những nỗ lực của tỉnh Thái Nguyên trong công tác quản lý hồ, đập trên địa bàn. Tuy nhiên, trước tình hình thiên tai ngày càng có diễn biến phức tạp, các chuyên gia trong đoàn kiểm tra lưu ý tỉnh Thái Nguyên cần tổng rà soát lại toàn bộ các hồ, đập trên địa bàn, xem xét lại năng lực quản lý hồ, đập thuộc cấp cơ sở nhằm tối ưu hiệu quả về thủy lợi và đảm bảo an toàn cho vùng hạ du.