Môi trường

Thái Nguyên ứng dụng chuyển đổi số mạnh mẽ trong phòng, chống thiên tai

Mai Đan 17/08/2023 16:00

(TN&MT) - Sáng 17/8, Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai (PCTT) do Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành, Ủy viên Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc trực tuyến với UBND, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên về công tác kiểm tra PCTT năm 2023.

Tham dự buổi làm việc còn có các thành viên của Đoàn kiểm tra đến từ các đơn vị có liên quan thuộc Bộ TN&MT, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia PCTT và Cục Đường bộ Việt Nam.

Về phía Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Thái Nguyên, có ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, Phó Trưởng Ban và các thành viên là Lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.

img_1580.jpg
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành, Ủy viên Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT, Trưởng đoàn kiểm tra phát biểu tại buổi làm việc

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Hưng, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thái Nguyên cho biết: Trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 16 đợt thiên tai, làm 3 người chết, 1 người bị thương gây thiệt hại về tài sản khoảng 66,6 tỷ đồng. Lượng mưa lớn nhất đo được ngày 23/5/2022 trên địa bàn xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ là 379 mm. Từ đầu năm 2023 đến ngày 5/7, xảy ra 6 đợt thiên tai làm thiệt hại về tài sản khoảng 18 tỷ đồng. Lượng mưa lớn nhất đo được ngày 4/7 trên địa bàn xã Bộc Nhiêu, huyện Định Hóa là 198,4 mm.

Hàng năm, UBND tỉnh tổ chức quán triệt và triển khai đến các cấp, ngành các nội dung quy định Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, trong đó các cấp, ngành tổ chức tập huấn cho các lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tập huấn cho lực lượng xung kích PCTT cấp xã.

Ngày 22/6/2022, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch PCTT tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025 làm cơ sở cho các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện. Theo đó, năm 2022 UBND tỉnh đã phân bổ các nguồn vốn với kinh phí gần 240 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp, xây dựng các công trình PCTT và thực hiện các nhiệm vụ PCTT khác. Các công trình được đầu tư đều phát huy hiệu quả, đảm bảo PCTT và phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định trong xây dựng và triển khai thực hiện phương án ứng phó tương ứng với các cấp độ rủi ro thiên tai; khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai; đánh giá công tác PCTT cấp tỉnh theo Bộ chỉ số; thực hiện phương châm “4 tại chỗ” tại các địa phương, đặc biệt là xây dựng, củng cố và nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích PCTT cấp xã; tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng về PCTT; tổ chức kiện toàn, triển khai thu và sử dụng Quỹ PCTT; rà soát, lập danh mục công trình và chủ công trình phải tổ chức quan chắc khí tượng thủy văn (KTTV); truyền phát các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai do các cơ quan có thẩm quyền ban hành; thực hiện các nhiệm vụ quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai; thực hiện các quy trình vận hành hồ chứa.

Tại buổi làm việc, các thành viên của Đoàn kiểm tra nhất trí với báo cáo, tuy nhiên có một số ý kiến cho rằng UBND, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thái Nguyên phối hợp kịp thời hơn giữa các ban ngành địa phương với ngành giao thông trong việc xác định các vị trí có nguy cơ sạt lở trên địa bàn tỉnh ảnh hưởng đến giao thông; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quy định hành lang bảo vệ nguồn nước và công trình thủy lợi, lập danh mục bảo vệ, đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát và nghiên cứu bố trí cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước; rà soát lại phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai, đặc biệt đối với mưa lớn và ngập lụt, rà soát vị trí các khu dân cư chịu ảnh hưởng lớn bởi thiên tai để chuyển đến những khu vực an toàn hơn.

Tiếp thu ý kiến của các thành viên trong đoàn kiểm tra, ông Phạm Văn Sỹ, Phó Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thái Nguyên, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết: Thời gian qua, các loại hình thiên tai trên địa bàn tỉnh chủ yếu là giông lốc, ngập úng và sạt lở đất. UBND tỉnh đã chủ động phòng ngừa, kịp thời ứng phó với thiên tai; tập trung phát huy vai trò của cộng đồng địa phương với phương châm 4 tại chỗ; thường xuyên kiểm tra, triển khai các phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, các trọng điểm xung yếu…

Ông Phạm Văn Sỹ đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tiếp tục quan tâm xuất cấp một số vật tư, trang thiết bị, phương tiện ứng phó sự cố thiên tai và TKCN từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Thái Nguyên.

img_1577.jpg
Quang cảnh cuộc họp tại điểm cầu Hà Nội

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đánh giá thời gian qua, Thái Nguyên đã thực hiện tốt công tác PCTT. Thứ trưởng đề nghị, với tình hình El Nino đặc thù trong năm 2023, tỉnh khẩn trương rà soát các điểm có nguy cơ lớn xảy ra ngập úng (kể cả các khu công nghiệp, đô thị), sạt lở đất vùng núi, đường giao thông, sạt lở bãi thải,...

Đồng thời, địa phương cần nắm rõ và tuyên truyền đến người dân, doanh nghiệp và lực lượng xung kích PCTT để chủ động phòng ngừa và ứng phó với các loại tình thiên tai trên; tổ chức tập huấn cho người dân, doanh nghiệp để họ nhận biết được những dấu hiệu thiên tai có thể xảy ra.

Với chia sẻ của tỉnh về ứng dụng nền tảng công dân số Citizen Thái Nguyên “C-Thái Nguyên”, Thứ trưởng đánh giá cao việc Thái Nguyên ứng dụng chuyển đổi số mạnh mẽ trong PCTT qua ứng dụng trên đến từng công dân để họ có thể cập nhật nhanh nhất các dự báo, cảnh báo thiên tai quy mô nhỏ và có hành động ứng phó kịp thời. Thứ trưởng đề nghị UBND tỉnh báo cáo Tổng cục KTTV về ứng dụng này để Tổng cục chia sẻ, kết nối với các địa phương khác trên cả nước.

Thứ trưởng cũng yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thái Nguyên lưu ý rà soát, cảnh báo nguy cơ sạt lở tại các bãi thải của các khu vực khai thác khoáng sản; rà soát, lên phương án, tham mưu cho UBND tỉnh nâng cấp các công trình thoát nước, trong quy hoạch phát triển của thành phố lưu ý vấn đề này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thái Nguyên ứng dụng chuyển đổi số mạnh mẽ trong phòng, chống thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO