Theo thông tin từ Ban Chỉ huy PCTN-TKCN tỉnh Thái Nguyên, nạn nhân bị lũ cuốn trôi là em Phùng Thị Cúc Nhược, sinh năm 2008, học sinh lớp 6C Trường THCS xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai. Em Nhược có hoàn cảnh rất éo le. Bố mẹ em Nhược đã chia tay. Mẹ của Nhược đi làm công nhân ở tỉnh Hải Dương phải gửi con gái sống cùng bà ngoại ở xóm Bắc Phong, xã Dân Tiến. Sáng ngày 10/9 em Nhược đến trường học.Do mưa to và mất điện nên nhà trường đã cho các học sinh nghỉ học. Được nghỉ học, Nhược tự về nhà. Khi em đi qua ngầm tràn xóm Đồng Quýnh đã bị dòng nước lũ, chảy siết cuốn trôi. Đến trưa cùng ngày, không thấy cháu về, người nhà đã đi tìm và báo chính quyềnđịa phương khẩn trương tìm kiếm. Nhận được tin báo, chính quyền xã Dân Tiến cùng lực lượng cứu hộ, người dân đã tìm kiếm và phát hiện thi thể cháu Nhược tại vị trí cách ngầm tràn Đồng Quýnh 400m về phía hạ lưu. Ngay sau khi tìm thấy, thi thể cháu bé đã được cơ quan chức năng bàn giao cho gia đình để làm lễ an táng vào chiều ngày 11/9.
Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, chính quyền huyện Võ Nhai, các đoàn thể, tổ chức xã hội và cán bộ xã Dân Tiến đã đến thăm hỏi, chia buồn và hỗ trợ hơn 15 triệu đồng cho gia đình cháu Nhược.
Chiều ngày 11/9, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên lại tiếp tục xảy ra mưa lớn kéo dài gây ngập úng nhiều tuyên đường phố như Lương Ngọc Quyến, Hoàng văn thụ, Minh Cầu, Phù Liễn…Giao thông đi lại gặp khó khăn. Đợt mưa lớn trên địa bàn Thái Nguyên đã làm 4 người chết; tổng số ô tô bị ngập nước, hư hỏng (thống kê chưa đầy đủ) đã lên tới 52 chiếc, nhiều tài sản, hoa màu bị hư hỏng. Nhiều khu dân cư vẫn bị ngập úng, cô lập. Trước đó, cơn mưa lớn kéo dài từ ngày 9-10/9 đã khiến hơn 50/90 hộ dân của tổ 20, phường Chùa Hang, TP Thái Nguyên bị ngập trong nước. Nhiều tài sản, phương tiện ô tô, xe máy, đồ đạc sinh hoạt của các hộ gia đình... bị ngập chìm trong nước, nơi sâu nhất hơn 1m. Đến nay, sau hơn 1 ngày, nước rút rất chậm là do không có chỗ tiêu thoát nước. Hiện khu dân cư bị cô lập với bên ngoài, tất cả mọi hoạt động đi lại, mua bán... đều phải nhờ thuyền và bè.
Trận mưa to ngày 10/9 đã gây ngập úng nặng tại trường Tiểu học Núi Voi, mực nước sâu nhất gần 1m khiến khu nhà hiệu bộ, một số lớp học và bếp ăn với nhiều bàn ghế, trang thiết bị, đồ dùng học tập bị ngập sâu trong nước. Bên cạnh đó hơn 10m tường rào phía sau trường bị đổ. Nhà trường đã đặt biển cảnh báo trước cổng trường và thông báo cho học sinh nghỉ học. Sau hơn 1 ngày, mực nước rút rất chậm, hiện cán bộ, giáo viên nhà trường đang tranh thủ nước rút đến đâu lau dọn đến đó, với mong muốn sớm đón học sinh trở lại.
Theo Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên cho biết trong ngày 10/9 toàn tỉnh có 307 trường học các cấp phải cho học sinh nghỉ học. Trong đó T.P Thái Nguyên bị ảnh hưởng nặng nhất từ trận mưa to với 120 trường mầm non, tiểu học và THCS (cả công lập và ngoài công lập) phải cho học sinh nghỉ học. Có 4 trường bị đổ tường rào; một số trường bị ngập úng phòng học, bếp ăn song không thiệt hại lớn. Hiện ngoài 1 số trường bị ngập úng nặng cho học sinh nghỉ học, nhiều trường học trên địa bàn thành phố, học sinh đã đi học bình thường. Tuy nhiên tại một số trường mầm non, số trẻ đến lớp chưa đầy đủ ảnh hưởng công tác giảng dạy, học tập.
Còn đối với thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ, mưa lớn cũng gây ngập úng một số nơi, ảnh hưởng lúa mùa đang vào đòng. Đặc biệt, Quốc lộ 17, đoạn qua tổ 6, thị trấn đã bị ngập sâu trong nước hơn 1m khiến giao thông bị gián đoạn. Chính quyền địa phương phải cử cán bộ, dân quân tự vệ đến điểm ngập úng cảnh báo người dân qua lại nơi nguy hiểm. Ông Vũ Đăng Khoa, chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau đã cho biết: Đoạn đường này không có cống, rãnh thoát nước nên thường hay bị ngập nước. Sở Giao thông vận tải Thái Nguyên đã có kế hoạch đào rãnh thoát nước nhưng mãi chưa thấy thực hiện…
Riêng với xã Nga My, huyện Phú Bình hiện có một vài chòm xóm bị cô lập bởi nước úng do lũ trên sông Cầu dồn về nhiều.
Tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các cấp chính quyền, ngành chức năng và các đoàn thể phối hợp với người dân trong vùng chịu thiệt hại do mưa, lũ khẩn trương vào cuộc cứu hộ, cứu nạn, vệ sinh môi trường sau khi nước lũ, nước úng rút. Đồng thời, tuyên truyền, cảnh báo tới nhân dân chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình mưa bão, lũ ống, lũ quét, nước dâng nhanh trên các sông, suối, hồ đập lớn trên địa bàn để kịp thời có phương án di dời đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.