Tăng cường quản lý, sử dụng đất nông nghiệp
Trong thời gian quan, việc người dân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, đặc biệt là đất trồng lúa còn xảy ra ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. Để kịp thời chấn chỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn như: Văn bản số 1226/STNMT-QLĐĐ ngày 22/11/2012, Văn bản số 104/STNMT-QLĐĐ ngày 25/01/2013, Văn bản số 524/STNMT-QLĐĐ ngày 21/5/2014 đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, rà soát, báo cáo tình hình sử dụng đất không đúng mục đích, trái quy định của pháp luật.
Đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông lâm trường quốc doanh, hiện nay do các công ty nông lâm nghiệp đang quản lý, sử dụng vẫn có có một số trường hợp sử dụng đất không đúng đối tượng, cho thuê, cho mượn không đúng quy định.
Sở TN&MT đã hướng dẫn các đơn vị, địa phương trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về quản lý đất đai. Đối với trường hợp tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, Sở TN&MT hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện rà soát các trường hợp người dân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, báo cáo UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, đăng ký kế hoạch sử dụng đất hàng năm làm cơ sở cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân theo quy định.
Đất do các công ty nông lâm nghiệp được giao quản lý, Sở TN&MT phối hợp với các Sở, ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện tốt Quyết định số 130/QĐ-UBND ngày 17/01/2017 về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các Công ty nông nghiệp, Công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, Ban Quản lý rừng, Vườn Quốc gia và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”. Trong tâm hoàn thành việc lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất; đo đạc, lập bản đồ địa chính và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với diện tích đã thống nhất được ranh giới, mốc giới do các công ty nông lâm nghiệp giữ lại để quản lý, sử dụng; Xác định diện tích đất đai của các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp phải chuyển hình thức sử dụng đất từ giao đất không thu tiền sử dụng đất sang thuê đất, dự báo số tiền thuê đất các đơn vị phải nộp.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra chặt chẽ việc tuân thủ pháp luật, xử lý kịp thời các vi phạm về quản lý, sử dụng đất; Tiếp tục rà soát, thu hồi diện tích đất sử dụng không hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích và giao lại cho địa phương quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai. Xây dựng, hoàn chỉnh chính sách bảo đảm thực hiện tốt việc giao đất, thu đúng, thu đủ tiền thuê đất, tiền sử dụng đất.
Bên cạnh đó, Thanh tra tỉnh Thái Nguyênđã chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã lập kế hoạch và tổ chức thực hiện thanh tra việc quản lý và sử dụng đất, đặc biệt là đối với đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh. Thu hồi tài sản, đất đai và tài chính cho Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Chính quyền cấp huyện, thị xã, thành phố đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật đất đai đến mọi tầng lớp nhân dân và các tổ chức, đơn vị đóng trên địa bàn. Rà soát các trường hợp người dân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, lập điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, báo cáo UBND tỉnh phê duyệt làm cơ sở cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Những trường hợp tự ý chuyển mục đích sử dụng đất từ ngày 01/7/2014 đến nay kiên quyết xử lý vi phạm và yêu cầu khôi phục lại tình trạng của đất như trước khi vi phạm theo quy định; Tập trung giải quyết tình hình tranh chấp đất đai; xử lý các vi phạm pháp luật, đặc biệt là tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển mục đích, cho thuê, cho mượn, giao khoán đất trái pháp luật, không thực hiện hoặc chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Nhiều khó khăn trong việc dồn điền, đổi thửa
Ông Phan Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở TN&MT Thái Nguyên cho biết, việc dồn điền, đổi thửa trên địa bàn tỉnh do hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng bản dự thảo Đề án “Thí điểm tích tụ, tập trung đất đai, phục vụ thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp tập trung”trên địa bàn 06 tỉnh: Hà Nam, Thái Bình, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Đồng Tháp và An Giang nên việc triển khai tại địa phương còn nhiều vướng mắc.
Để hướng dẫn các địa phương thực hiện việc dồn điền, đổi thửa xây dựng cánh đồng lớn nhằm khắc phục tình trạng đất đai manh mún, nhỏ lẻ, phân tán, trong thời gian chưa có hướng dẫn thực hiện của các Bộ, ngành Trung ương, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 3481/STNMT-QLĐĐ ngày 29/12/2017 để hướng dẫn tạm thời trình tự, thủ tục thực hiện việc chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân để thực hiện việc “Dồn điền, đổi thửa”.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Thông báo số 16/TB-UBND ngày 02/02/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với các Sở, ngành liên quan và UBND huyện Phú Bình tổ chức thí điểm việc đo đạc bản đồ địa chính, cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi dồn điền, đổi thửa trên địa bàn các xã Tân Đức, Xuân Phương và Úc Kỳ, huyện Phú Bình, đến nay kết quả đạt được như sau:
Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 111/QĐ-STNMT về việc thành lập Tổ công tác thực hiện đo đạc, đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các thửa đất thực hiện việc dồn điền, đổi thửa xây dựng Cánh đồng lớn tại huyện Phú Bình. Đồng thời Sở đã ban hành Kế hoạch số 16/KH-STNMT về việc đo đạc, đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các thửa đất thực hiện việc dồn điền, đổi thửa xây dựng cánh đồng lớn tại huyện Phú Bình. Ngay sau khi ban hành kế hoạch, Văn phòng đăng ký đất đai - Sở Tài nguyên và Môi trường đã cử tổ công tác đến các xã Tân Đức và Xuân Phương để thực hiện đo đạc, đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân có đất thực hiện việc dồn điền, đổi thửa.
Tổng diện tích thực hiện thí điểm công tác dồn điền, đổi thửa trên địa bàn 03 xã: Tân Đức, Xuân Phương và Úc Kỳ là 227 ha, đến nay đã thực hiện đo đạc được 130 ha và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân được 55 ha theo đúng quy định, diện tích còn lại chưa cấp được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Phương án dồn điền, đổi thửa chưa được phê duyệt.
Theo đánh giá của lãnh đạo Sở TN&MT Thái Nguyên: Nhìn chung, tiến độ thực hiện thí điểm công tác dồn điền, đổi thửa trên địa bàn huyện Phú Bình còn chậm. Nguyên nhân của việc chậm được xác định nguyên nhân: Kinh phí dành cho công tác thí điểm dồn điền, đổi thửa trên địa bàn huyện Phú Bình còn hạn chế do tỉnh chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện dồn điền, đổi thửa. Phương án dồn điền, đổi thửa chưa được UBND huyện Phú Bình phê duyệt nên chưa đủ điều kiện để Sở Tài nguyên và Môi trường ký Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 9 Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT ngày 19 tháng 5 năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Mặt khác, người dân trên địa bàn chưa đồng thuận với chủ trương dồn điền, đổi thửa và đề nghị phải hoàn thiện hạ tầng cơ sở trước khi thực hiện dồn điền, đổi thửa là những vướng mắc dẫn đến tiến độ chậm.