Thái Nguyên: Tạo động lực cho kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển

18/08/2019 20:30

(TN&MT) - Theo số liệu từ cơ quan chuyên môn, hiện nay toàn tỉnh Thái Nguyên có 469 hợp tác xã (HTX), tăng 186 HTX so với năm 2003, với số thành viên là 41.500 người. Doanh thu bình quân của HTX đạt 9 tỷ đồng/HTX, lợi nhuận bình quân đạt 370 triệu đồng, thu nhập bình quân của thành viên, người lao động trong HTX đạt trên 45 triệu đồng/người/năm.

3
Nhiều HTX nông nghiệp kinh tế phát triển, tạo việc làm, thu nhập cho các thành viên.

Toàn tỉnh Thái Nguyên có 7.260 tổ hợp tác với trên 160 nghìn thành viên và người lao động chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, vay vốn tín dụng, tiểu thủ công nghiệp, vận tải, xây dựng, may mặc, dịch vụ.

Tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; thường xuyên chỉ đạo triển khai các giải pháp thiết thực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thời gian qua, ngoài nguồn ngân sách Trung ương và các tổ chức phi Chính phủ, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực quản lý cho trên 6000 lượt cán bộ HTX; hỗ trợ trên 1,7 tỷ đồng cho 30 cán bộ, thành viên HTX đi học hệ trung cấp, cao đẳng, đại học; hỗ trợ 1,4 tỷ đồng cho cán bộ quản lý HTX đi học lớp đào tạo chuyên môn nghiệp vụ; tổ chức trên 250 lớp tuyên truyền, phổ biến Luật HTX cho trên 18.000 học viên. 15 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của BCH Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh, nhận thức về kinh tế tập thể, hợp tác xã đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cán bộ, đảng viên và nhân dân đã nắm rõ, hiểu biết, nhận thức đầy đủ về mô hình hợp tác xã kiểu mới, các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tập thể của Đảng và Nhà nước.

IMG 1297
Câu lạc bộ Doanh nhân xứ trà Thái Nguyên định kỳ hợp mặt hàng tháng, nơi hội tụ, giao lưu, trao cơ hội khởi nghiệp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển, mô hình sáng tạo để phát triển kinh tế tập thể.
IMG 1300

Bên cạnh những thành tựu, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết, kinh tế HTX vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết ở một số địa phương, đơn vị còn chưa sâu rộng; vai trò quản lý nhà nước ở chính quyền cơ sở đối với kinh tế tập thể, HTX còn chưa rõ ràng; đa số các HTX có quy mô nhỏ, thiếu nguồn lực…

Tỉnh Thái Nguyên chủ trương tiếp tục củng cố và phát triển các loại hình kinh tế tập thể, HTX; từng bước khắc phục hạn chế, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ hợp tác, HTX; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tập thể, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho các thành viên và cộng đồng dân cư. Phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có 10.000 tổ hợp tác, 1.000 HTX, 30 liên hiệp HTX. Tỉnh tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng trong phát triển kinh tế tập thể; đề cao vai trò của kinh tế tập thể, HTX trong xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, sản xuất hàng hóa, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; công tác xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản trong phát triển kinh tế tập thể, HTX; phát triển HXT gắn với xây dựng thương hiệu, sản phẩm an toàn.

Thái Nguyên tiếp tục quan tâm bố trí nguồn kinh phí để thực hiện có hiệu quả Đề án “Phát triển kinh tế tập thể của tỉnh giai đoạn 2017-2020”, góp phần thúc đẩy kinh tế toàn tỉnh tăng trưởng; Quan tâm các hoạt động nhằm nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể, HTX gắn liền với cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi kinh tế tập thể phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thái Nguyên: Tạo động lực cho kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO