Thái Nguyên: Nỗ lực xử lý các “điểm đen” ô nhiễm

03/04/2014 00:00

(TN&MT) - Là một trong những địa phương có tiềm năng phát triển công nghiệp, thủ công nghiệp rất lớn và hiện đang là tỉnh kêu gọi đầu tư nước ngoài vào top đầu...

(TN&MT) - Là một trong những địa phương có tiềm năng phát triển công nghiệp, thủ công nghiệp rất lớn và hiện đang là tỉnh kêu gọi đầu tư nước ngoài vào top đầu trong cả nước. Nhưng cũng từ đó, Thái Nguyên xuất hiện nhiều “điểm nóng” về ô nhiễm gây bức xúc trong dư luận.
   
Xử lý thành công kho thuốc BVTV Núi Căng như “phát súng”
báo hiệu cho màu xanh được trả lại trên đất Thái Nguyên.
   
Điểm mặt... ô nhiễm
   
  Qua thống kê sơ bộ, hiện mỗi ngày toàn tỉnh thải ra trên 400 tấn chất thải sinh hoạt nhưng số chất thải thu gom, xử lý mới đạt khoảng 36%, riêng lượng chất thải y tế được thu gom, xử lý hợp vệ sinh cũng chỉ đạt gần 50%. Kết quả quan trắc môi trường hàng năm cho thấy: Môi trường không khí đã bị ô nhiễm cục bộ, nhất là tại các khu vực: Nhà máy xi măng Núi Voi, Nhà máy xi măng Quang Sơn (huyện Đồng Hỷ), Nhà máy xi măng La Hiên (huyện Võ Nhai)... Đáng ngại hơn, xung quanh các khu mỏ khai thác than hàm lượng bụi đã vượt quy chuẩn cho phép đến 5 lần. Cùng với tình trạng ô nhiễm không khí, môi trường đất tại các khu vực gần khu công nghiệp có biểu hiện ô nhiễm kim loại nặng rõ rệt, điển hình như đất ruộng gần Khu công nghiệp Sông Công hàm lượng Zn vượt 8,9 lần, hàm lượng Cd vượt 11 lần; tại Khu công nghiệp gang thép Thái Nguyên hàm lượng Pb vượt tiêu chuẩn 2,8 lần, hàm lượng Zn vượt 46,6 lần...
   
  Đặc biệt tại các khu vực khai thác, chế biến khoáng sản do chủ yếu khai thác theo phương thức lộ thiên, thủ công bán cơ giới đã gây tác động xấu đến môi trường, gây thất thoát tài nguyên, đó là các điểm mỏ: Than Làng Cẩm, đôlômít Làng Lai, mỏ sắt Trại Cau... Nguy hại hơn, ở một số mỏ than Khánh Hòa, Phấn Mễ, Núi Hồng, mỏ sắt Trại Cau do khai thác lộ thiên đã tạo ra các moong khai thác sâu tới hơn 100 m so với mực nước biển và đổ thải cao hơn 100 m so với mặt địa hình khu vực, làm biến dạng địa hình, tác động xấu đến hệ sinh thái khu vực, bồi lấp dòng chảy mặt, thậm chí gây mất nước, sụt lún đất...
   
Giải pháp vì màu xanh
   
  Trước thực trạng trên tỉnh Thái Nguyên đang khẩn trương hoàn thành Đề án bảo vệ môi trường giai đoạn 2011 - 2015 với mục tiêu giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách, khắc phục và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, kịp thời ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo Sở TN&MT Thái Nguyên, từ năm 2010 đến nay đã cấp phép gần 1.253 hồ sơ (gồm 185 hồ sơ ĐTM, 876 hồ sơ cam kết, 192 sổ chủ nguồn thải, nhập khẩu phế liệu). Chất lượng thẩm định phục vụ cấp phép được nâng lên với sự tham gia của các chuyên gia, các nhà quản lý có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực môi trường. Các dự án đầu tư mới cơ bản đều thực hiện đầy đủ các thủ tục lập ĐTM theo quy định; các dự án trọng điểm có tiềm năng gây ô nhiễm môi trường cao như khai thác khoáng sản Núi Pháo, Nhà máy Samsung... đều được hướng dẫn, tổ chức kiểm tra theo dõi sát sao việc đầu tư các công trình, biện pháp BVMT trong quá trình xây dựng dự án.
   
  Tính đến hết đến hết năm 2013 đã thực hiện 326 cuộc thanh, kiểm tra về môi trường; xử phạt vi phạm hành chính 106 lượt cơ sở với tổng số tiền phạt gần 1,1 tỷ đồng. Số đơn vị thực hiện thanh, kiểm tra và số tiền đề nghị xử phạt tăng dần qua các năm. Những “ điểm đen” ô nhiễm đã dần được xóa sổ. Cho đến nay 15/15 cơ sở gây ONMT nghiêm trọng theo QĐ 64/2003/QĐ-TTg đã hoàn thành kế hoạch xử lý triệt để ô nhiễm, trong đó có 14 cơ sở đã được cấp xác nhận hoàn thành; 40/100 cơ sở gây ONMT theo các QĐ phê duyệt của UBND tỉnh đã hoàn thành kế hoạch xử lý triệt để ô nhiễm; đã xử lý 2/4 khu vực ô nhiễm nghiêm trọng do tồn lưu hoá chất bảo vệ thực vật; hệ thống xử lý nước thải KCN Sông Công đã được xây dựng và vận hành từ năm 2011.
   
  Công tác đầu tư cho sự nghiệp môi trường cũng được Thái Nguyên chú trọng, ngân sách cho sự nghiệp môi trường tăng dần từ 40 tỷ (năm 2010) đến hơn 100 tỷ đồng (năm 2013). Đồng thời, tỉnh cũng huy động được nhiều nguồn lực kinh phí đầu tư cho công tác BVMT như nguồn thu phí BVMT đối với nước thải, trong khai thác khoáng sản; từ ngân sách SNMT, ngân sách của Trung ương cho các chương trình hỗ trợ có mục tiêu, chương trình mục tiêu quốc gia và hợp tác quốc tế trong BVMT để triển khai nhiều công trình xử lý chất thải như: xử lý nước thải thành phố Thái Nguyên 8.000 m3/ngày.đêm dự kiến hoàn thiện trong năm 2014; lắp đặt các lò đốt rác mini tại các xã/cụm xã, hệ thống xử lý nước thải cho các bệnh viện.
   
  Một việc làm thiết thực nhằm trả lại “bình yên” cho cộng đồng dân cư thoát khỏi vấn nạn khổ sở vì ô nhiễm gây tỉnh cũng tiến hành di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong các khu dân cư vào các khu, cụm công nghiệp, kiểm soát công nghệ, hạn chế cho phép đầu tư các cơ sở sản xuất có công nghệ mang tiềm năng gây ô nhiễm lớn, yêu cầu các khu, cụm công nghiệp phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đảm bảo dòng chảy và cải thiện môi trường, cảnh quan lưu vực sông Cầu, tiếp tục nâng độ che phủ rừng theo chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Hi vọng rằng với những nỗ lực không ngừng và những tín hiệu đáng mừng mà Thái Nguyên đã thực hiện được trong thời gian qua sẽ góp phần trả lại màu xanh cho sự sống.
   
Nguyễn Cường
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thái Nguyên: Nỗ lực xử lý các “điểm đen” ô nhiễm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO