Theo nhiều người dân xóm Hưng Thịnh, xóm Hợp Thịnh, xã Trung Thành cho biết, từ khi triển khai xây dựng khu công nghiệp Trung Thành, hàng trăm mẫu ruộng 2 lúa của dân đã bị thu hồi làm mặt bằng cho nhà đầu tư xây dựng nhà máy, xí nghiệp. Tuy nhiên 10 năm qua, ruộng của họ đã thành bãi hoang. Đến nay, người dân mới thấy 3 cơ sở sản xuất mọc lên nhưng vẫn còn dở dang. Hàng chục héc ta đất bờ xôi, ruộng mật bỏ cỏ cho trẻ chăn thả trâu bò. Nguy hiểm hơn là trên nền cỏ xanh có lác đác ống kim tiêm do người nghiện tiêm chích xong vứt lại.
Không những thế, nơi đây còn trở thành bãi rác công cộng. Túi nilon, chai lọ, thực phẩm thừa, xác chết động vật....vứt bừa bãi khắp nơi, bốc mùi hôi thối nhức óc. Ruồi nhặng bâu kín. Ròi bọ bò lồm cồm lên thành kênh mương, bò cả vào nhà người dân gần đó. Mùi xác thối theo gió bay xa cả km. Bà Nguyễn Thị Thục ở xóm Hưng Thịnh, xã Trung Thành, thị xã Phổ Yên đã tố nỗi khổ với phóng viên: “Các anh về giúp dân làng chúng tôi với. Đêm cũng như ngày mùi hôi thối, ruồi nhặng, ròi bọ bủa vây mâm cơm, giấc ngủ của con cháu gia đình tôi. Dân làng đã kiến nghị nhiều lần nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn rất nặng. Không có khu công nghiệp thì thôi, chứ có bắt dân khổ sở thế này thật là tồi tệ quá”.
Rác thải vứt bừa bãi cũng gây ô nhiễm tuyến kênh thủy lợi N1219 chảy qua KCN. Nước cạn, rác thải sinh hoạt, xác động vật chết do người dân ở các phường xã của thành phố Sông Công, thị xã Phổ Yên phóng uế vô tội vạ xuống kênh bốc mùi ô nhiễm. Nước đầy, rác trôi thẳng về Trung Thành và xả tuột ra khu công nghiệp. Khi nhà quản lí chỉ đạo nhít cống để chống rác bẩn lao vào khu công nghiệp thì rác thối lại theo dòng chảy vòng quanh khu dân cư của xã nông thôn mới. Trên kênh, mặt nước luôn trong tình trạng đen đặc, sủi tăm, bọt, bốc mùi thối khỉnh.. Thêm vào đó, hiện KCN Trung Thành chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải công nghiệp. Bởi vậy, người dân càng hoang mang hơn khi không biết nước thải của các Nhà máy đang hoạt động tại đây được xử lý như thế nào và xả thải ra đâu?.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, xóm Hưng Thịnh, xã Trung Thành, thị xã Phổ Yên đã lo lắng nói: “Nhân dân chúng tôi rất bức xúc với việc dự án treo như thế này. Bao năm nay, con cháu chúng tôi phải sống chung với tiếng ồn của nhà máy cám. Hứng chịu mùi hôi thối của rác, chúng tôi rất lo lắng phát sinh bệnh dịch nguy hiểm cho người và vật nuôi từ rác thải. Đặc biệt, mỗi khi mưa là nước rác thối ngấm vào nguồn nước giếng của gia đình đã bị ô nhiễm . Người ăn uống phải nước bẩn, sinh bệnh biết kêu ai”.
Ông Nguyễn Tiến Hòa, Bí thư chi bộ xóm Phú Thịnh, xã Trung Thành, thị xã Phổ Yên phàn nàn với phóng viên: “Là người có uy tín trong xóm, tôi với ông trưởng xóm cuộc họp nào cũng được nghe ý kiến của nhân dân về hệ lụy ô nhiễm môi trường; nông dân thất nghiệp; doanh nghiệp thất hứa; chủ đầu tư bỏ rơi dự án khu công nghiệp 10 năm nay… khiến dân làng khốn khổ. Báo cáo, đề nghị mãi 10 năm rồi vẫn chưa thấy cải thiện gì. Cái khổ của dân thì đã rõ. Kiến nghị nhiều cứ ì ra thế này thì tổ chức chúng tôi mất uy tín lắm…”. Làm việc với lãnh đạo chính quyền xã Trung Thành và thị xã Phổ Yên thì được biết nhiều vấn đề phức tạp đang trên đà được giải quyết nhưng cần có thời gian.
Ông Đàm Xuân Thao, Chủ tịch UBND xã Trung Thành, Thị xã Phổ Yên cho biết: “Giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường ở khu công nghiệp Trung Thành bây giờ chỉ có cách đề nghị thị xã cho đậy nắp kênh từ đầu thị xã đến cuối thị xã thì mới hết mùi ô nhiễm, dân bớt khổ. Khó khăn của địa phương là một xã nông thôn mới mà tiêu chí môi trường thực hiện khó quá. Khu công nghiệp về làng, về xã tưởng sẽ thay đổi kinh tế xã hội. Ai ngờ lại làm khó khăn hơn cho người dân địa phương. Bởi đồng ruộng của dân thì bị thu hồi, giờ lại bỏ không. Đề nghị cấp trên báo cáo tỉnh sớm vào cuộc xem xét giải quyết sớm cho địa phương có điều kiện phát triển.”
Nắm được bức xúc của nhân dân, hiểu được nguyện vọng chính đáng của lãnh đạo chính quyền cấp cơ sở, đại diện cho chính quyền thị xã, ông Nguyễn Công Thịnh, Phó chủ tịch UBND thị xã Phổ Yên đã khẳng định: “Chính quyền thị xã đã làm hết trách nhiệm. Từ khâu giải phóng mặt bằng để xây dựng khu công nghiệp(KCN) Trung Thành nhanh, điển hình để tranh thủ cơ hội thu hút đầu tư về địa phương. Nhưng bây giờ khu công nghiệp vắng nhà đầu tư thế này thì trách nhiệm do các bên liên quan cùng tham gia là chủ của khu công nghiệp này. Vấn đề ô nhiễm môi trường sẽ được giải quyết, thị xã sẽ yêu cầu đơn vị quản lí kênh thủy lợi vào cuộc dọn rác để làm trong sạch dòng kênh…”
Nhìn những bờ xôi, ruộng mật bỏ hoang, người dân không khỏi chạnh lòng. Mặc dù có vị trí khá "đắc địa", thế nhưng suốt 10 năm qua, KCN Trung Thành vẫn trong tình trạng dang dở. Người dân địa phương không có đất sản xuất, người chạy chợ, kẻ tha hương...dù ngay trước mắt họ, những tấc đất vàng bỏ cho cỏ mọc và trở thành bãi chứa rác ô nhiễm nặng. Trách nhiệm của đơn vị chủ quản dự án này cần được làm rõ? Đây là bài học lớn khi lựa chọn nhà đầu tư yếu năng lực (Công ty TNHH Đầu tư Phát triển hạ tầng Lệ Trạch - Đài Loan) để thực hiện đầu tư tại địa bàn. “Ứng xử” với sự thờ ơ đến im lặng của Công ty TNHH Đầu tư Phát triển hạ tầng Lệ Trạch - Đài Loan, chính quyền tỉnh Thái Nguyên đã có chỉ đạo giao cho Ban quản lí các khu công nghiệp tỉnh vào cuộc được 3 năm nay. Nhưng sự chuyển động của khu công nghiệp Trung Thành vẫn rất chậm.
Hệ lụy của “dự án treo” thì đã rõ. Chính vì thế, rất cần sự cương quyết xử lí những sai phạm không thực hiện theo đúng cam kết ban đầu với tỉnh và với nhân dân để môi trường đầu tư được đảm bảo uy tín và môi trường sống không bị ô nhiễm.