Thái Nguyên: Nghi vấn nhiều khuất tất tại Bảo tàng Văn hoá các Dân tộc Việt Nam?

Việt Linh| 17/10/2020 00:09

(TN&MT) - Sưu tầm hiện vật có yếu tố nước ngoài không rõ nguồn gốc, sưu tầm hiện vật về tục thờ Mẫu của dân tộc Kinh nghi do nạn trộm cắp, buôn bán cổ vật trái phép mà có… là những hành vi mà cán bộ công tác tại Bảo tàng Văn hoá các Dân tộc Việt Nam vừa “tố” bà Nguyễn Thị Ngân – Giám đốc Bảo tàng.

Trong đơn tố giác gửi đến Báo Tài nguyên và Môi trường, một cán bộ đang công tác tại Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam đã “tố” đích danh bà Nguyễn Thị Ngân, Bí thư chi bộ, Giám đốc Bảo tàng Văn hoá các Dân tộc Việt Nam là người có dấu hiệu tiếp tay cho việc sưu tầm hiện vật có yếu tố nước ngoài không rõ nguồn gốc xuất xứ, không rõ chủ nhân hiện vật và cũng chỉ rõ 46 hiện vật là cổ vật sưu tầm về "Tục thờ Mẫu của dân tộc Kinh", đang trưng bày trong Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam tại tỉnh Thái Nguyên, là hiện vật không đầy đủ những tiêu chí về nguồn gốc xuất xứ của cổ vật.

Nghi vấn nhiều khuất tất tại Bảo tàng Văn hoá các Dân tộc Việt Nam.

Hợp thức hoá nhiều hiện vật có yếu tố nước ngoài?

Theo nội dung đơn tố giác, trong tháng 6/2015, bà Nguyễn Thị Ngân sang dự triển lãm trưng bày nghề dệt Asean tại Thái Lan, sau khi kết thúc đợt công tác bà Ngân đã mang về một số tấm vải, đồ may mặc nghề dệt, đồ đan lát của các nước như Thái Lan, Myanma, Malaysia, Lào, Indonexia, Brunei… do được cho, tặng và mua thêm. Khi số hiện vật đó được mang về bảo tàng, bà Ngân đã chỉ đạo làm thủ tục thanh toán tiền bằng cách dùng làm hiện vật nhập kho bảo tàng.

Cán bộ đang công tác tại Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam đã “tố” bà Nguyễn Thị Ngân, Giám đốc Bảo tàng Văn hoá các Dân tộc Việt Nam có dấu hiệu tiếp tay cho việc sưu tầm hiện vật có yếu tố nước ngoài không rõ nguồn gốc xuất xứ

Theo đó, bà Ngân đã chỉ đạo bà Ma Thị Chung – Trưởng phòng Trưng bày và Tuyên truyền làm thủ tục thanh toán, và nhờ ông Phạm Huy Dụng – Chủ tịch CLB nghiên cứu sưu tầm cổ vật Việt Bắc, thuộc trung tâm UNESCO bảo tồn cổ vật Việt Nam đứng tên thanh toán. Tuy nhiên, do việc thanh toán số hiện vật đó có yếu tố nước ngoài nên ông Dụng đã từ chối thanh toán hộ.

Để hợp thức hoá được số hiện vật trên, bà Ngân tiếp tục chỉ đạo ông Ngô Văn Hoè – Trưởng phòng Nghiên cứu và sưu tầm thanh toán số hiện vật trên bằng một pháp nhân khác tại Việt Nam và nhập kho cơ sở làm hiện vật bảo tàng nhằm nâng khống giá trị.

Đại diện Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam thừa nhận biên bản sưu tầm hiện vật là do người lập tự viết và ký thay "người giao hiện vật".

Cũng theo đơn tố giác, bà Nguyễn Thị Ngân đã yêu cầu ông Ngô Văn Hoè viết biên bản sưu tầm hiện vật và lập chứng từ khống, bịa đặt tên chủ nhân hiện vật, không có địa chỉ chủ nhân hiện vật, không rõ nguồn gốc hiện vật của dân tộc nào, không có địa chỉ cụ thể (làng, xã, huyện, tỉnh…) của hiện vật. Nội dung lịch sử, biên bản sưu tầm hiện vật bịa đặt theo cảm tính chủ quan của cá nhân người viết biên bản, giả mạo chữ ký chủ nhân hiện vật, không có xác nhận của chính quyền địa phương nơi xuất xứ hiện vật; Việc thanh, quyết toán hồ sơ chứng từ không phải là các chủ nhân hiện vật như trong biên bản sưu tầm hiện vật mà lại được thanh toán bằng hoá đơn, chứng từ khống từ một chủ nhân khác tại Việt Nam.

Đơn tố giác tố bà Nguyễn Thị Ngân yêu cầu ông Ngô Văn Hoè viết biên bản sưu tầm hiện vật và lập chứng từ khống, bịa đặt tên chủ nhân hiện vật, không rõ nguồn gốc hiện vật của dân tộc nào, không có địa chỉ cụ thể của hiện vật.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện có ít nhất 23 biên bản sưu tầm hiện vật gồm nhiều hiện vật như: Khuôn đan Thái Lan, Y Phục Nam Thái Lan, Mũ Malaysia, Giỏ hoa Indonesia… xuất xứ tại các nước Thái Lan, Indonesia, Lào, Myanma… không có xác nhận của chính quyền địa phương, hàng loạt chữ ký của người giao hiện vật có biểu hiện giả mạo, nhiều biên bản còn không có cả chữ ký của người giao hiện vật…

Biên bản sưu tầm hiện vật không có ngày - tháng - năm; không có xác nhận của chính quyền địa phương và chữ ký người giao hiện vật được ký khống.

Liên quan đến sự việc trên, để bảo đảm thông tin khách quan, đa chiều, ngày 25/8/2020, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã liên hệ, đặt lịch và gửi nội dung làm việc với Bảo tàng Văn hoá các Dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, sau gần 2 tháng đặt lịch, Bảo tàng vẫn không có hồi âm. Chỉ khi Báo Tài nguyên và Môi trường có công văn đề nghị cung cấp thông tin cho báo chí thì lúc này phía Bảo tàng Văn hoá các Dân tộc Việt Nam mới cử bà Tô Thị Thu Trang – Phó Giám đốc Bảo tàng và bà Dương Thuỳ Linh – Phó Trưởng phòng Hành chính tổng hợp để cùng trao đổi, làm việc với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường.

Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam không cung cấp được hồ sơ hiện vật; hoá đơn, chứng từ mua bán hiện vật có yếu tố nước ngoài.

Ngày 15/10/2020, làm việc với PV Báo Tài nguyên và Môi trường liên quan đến những nội dung tố giác trên, bà Tô Thị Thu Trang và bà Dương Thuỳ Linh thừa nhận những biên bản sưu tầm hiện vật kể trên là do người lập biên bản tự viết và tự ký tên thay cho “người giao hiện vật”.

Hiện vật có yếu tố nước ngoài được trưng bày tại Bảo tàng.

Cũng liên quan đến vấn đề trên, khi được đề nghị cung cấp các hồ sơ, giấy tờ liên quan đến những hiện vật sưu tầm có yếu tố nước ngoài cũng như hoá đơn, chứng từ liên quan đến việc mua bán hiện vật. Tuy nhiên, bà Trang và bà Linh không thể chứng minh được và cho rằng: “Chúng tôi có lưu giữ toàn bộ hồ sơ hiện vật, hoá đơn, chứng từ nhưng không thể cung cấp cho các anh (PV) được. Hồ sơ chúng tôi đã photo đầy đủ gửi Bộ VHTT&DL, những việc gì Thanh tra Bộ đã kiểm tra thì thanh tra sẽ trả lời và cung cấp cho báo chí, việc này liên quan đến bí mật, thông tin quốc gia vì là hiện vật và cổ vật”, bà Linh nói.

Sưu tầm 46 hiện vật là cổ vật về "Tục thờ Mẫu của dân tộc Kinh" không rõ nguồn gốc?

Cũng theo đơn tố giác, từ năm 2017 đến 2019, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện dự án “Nghiên cứu, sưu tầm tài liệu hiện vật văn hóa truyền thống có nguy cơ không còn của các dân tộc Việt Nam” với tổng số tiền gần 10 tỷ đồng. Trong đó, có phần thực hiện việc sưu tầm 46 cổ vật về tục thờ Mẫu của dân tộc Kinh.

Đơn tố giác nêu 46 hiện vật là cổ vật về tục thờ Mẫu của dân tộc Kinh không rõ nguồn gốc.

Trong quá trình thực hiện, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã giao việc cho ông Ngô Văn Hòe, Trưởng phòng Nghiên cứu sưu tầm (đã mất) và ông Nguyễn Ngọc Nhâm, cán bộ phòng Nghiên cứu sưu tầm, thực hiện mua 46 hiện vật về tục thờ Mẫu của dân tộc Kinh với số tiền 3.889.900.000 đồng.

Bảo tàng không thể cung cấp hồ sơ nguồn gốc cổ vật, không cung cấp được chứng từ mua bán cổ vật.

Đến ngày 17/8/2018, số lượng hiện vật về tục thờ Mẫu này được Hội đồng nghiệm thu của Bảo tàng nghiệm thu và nhập kho cơ sở, hoàn tất các thủ tục pháp lý, hợp pháp hoá số lượng hiện vật và ngân sách nhà nước chi cho việc sưu tầm hiện vật về tục thờ Mẫu nói trên gồm: Tượng Cô (Thánh cô): 45.000.000đ; Đôi tượng chầu (Chầu quế, Chầu quỳnh): 34.000.000đ… Trong đó có nhiều cổ vật trị giá trên 100 triệu đồng như: Tượng Quan Âm chuẩn đề: 123.500.000đ; Tượng A Di Đà: 247.000.000đ; Tượng Đức Ông: 156.000.000đ...

Cũng theo đơn tố giác của cán bộ làm công tác sưu tầm hiện vật tại Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam, thì các hiện vật này đều không có sự tích nguồn gốc xuất xứ, bởi việc mua bán trao tay từ người sưu tầm cổ vật trôi nổi trong nhân dân, có nguy cơ dễ mắc phải những sai lầm nghiêm trọng là tiếp tay cho vấn nạn mất cắp cổ vật tại các đình, chùa.

Biên bản sưu tầm hiện vật không được chính quyền địa phương xác nhận mà thay vào đó chỉ là xác nhận của tổ chức “Hội sưu tầm…”

Vì sao toàn bộ biên bản sưu tầm hiện vật không xác định rõ nguồn gốc hiện vật mà chỉ ghi “sưu tầm tại các tỉnh Hà Tây cũ, Nam Định, Lạng Sơn…”, đặc biệt là việc mua bán sưu tầm tại sao không có giấy xác nhận của chính quyền địa phương, không có hồ sơ cổ vật?...

Đối chiếu những nghi vấn đặt ra với các Biên bản của người sưu tầm các hiện vật tục thờ mẫu của dân tộc Kinh, tại tất cả các biên bản đều không có xác nhận của chính quyền địa phương, thay vào đó chỉ là xác nhận của tổ chức “Hội sưu tầm…”, phải chăng đây là kẽ hở lớn, có dấu hiệu tiếp tay cho việc “hợp thức” hiện vật bị mất cắp hiện đang trôi nổi trong xã hội?.

Nhiều biên bản sưu tầm hiện vật về tục thờ mẫu không có chữ ký của người giao hiện vật và xác nhận của chính quyền địa phương.

Liên quan đến vấn đề trên,  đại diện phía Bảo tàng là bà Tô Thị Thu Trang – Phó Giám đốc và bà Dương Thuỳ Linh – Phó Trưởng phòng Hành chính tổng hợp một lần nữa khẳng định là “không thể cung cấp” những hồ sơ, giấy tờ trên cho cơ quan báo chí và tiếp tục đẩy trách nhiệm cung cấp thông tin cho Thanh tra Bộ VHTT&DL.

Thiết nghĩ, nếu Bảo tàng Văn hoá các Dân tộc Việt Nam có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ, hoá đơn, chứng từ… chứng minh được nguồn gốc xuất xứ hiện vật, cổ vật, tại sao lại không thể công khai, minh bạch để hoá giải những nghi ngờ mà các cán bộ tại đây đang tố giác? 

Trước sự việc trên, đề nghị các cơ quan chức năng có sự vào cuộc khẩn trương để điều tra xác minh làm rõ nguồn gốc xuất xứ của những hiện vật mang yếu tố nước ngoài đang được trưng bày và 46 cổ vật về tục thờ Mẫu tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại tỉnh Thái Nguyên. 

Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin!

Theo quy định của ICOM (Hội đồng Bảo tàng thế giới) ở mục 2.4 như sau: Việc tiếp nhận hiện vật phải đảm bảo rằng, bất cứ hiện vật hoặc mẫu vật dưới hình thức mua bán , tặng biếu, cho mượn, hay để trao đổi, đều phải có được một cách hợp pháp hoặc được xuất khẩu từ nước xuất xứ của hiện vật đó, hoặc từ một nước trung gian mà tại đó hiện vật được sở hữu hợp pháp”.
“Bảo tàng không được sưu tầm hiện vật từ những nơi mà chắc chắn rằng hiện vật có được là do các hành động trái phép, không có chứng cứ khoa học”.
Mục 1, điều 13, của Luật Di sản Văn hóa, được Quốc hội khóa 10 thông qua năm 2001, đã chỉ rõ: Nghiêm cấm hành vi “chiếm đoạt, làm sai lệch di sản văn hóa…”.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thái Nguyên: Nghi vấn nhiều khuất tất tại Bảo tàng Văn hoá các Dân tộc Việt Nam?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO