Thái Nguyên là tỉnh thuộc đông bắc Viêt Nam, tiếp giáp với thủ đô Hà Nội và là tỉnh nằm trong quy hoạch vùng thủ đô, đồng thời nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Thủ đô Hà Nội. Đây được xem là những thế mạnh, là tiền đề để tỉnh có những bước đột phá phát triển mạnh mẽ về mọi mặt. Song bên cạnh đó, Thái Nguyên cũng có những khó khăn nhất định, bởi đây là vùng đất bán sơn địa, có địa hình hiểm trở, trải rộng và có nhiều dân tộc cùng sinh sống. Để thúc đẩy Thái Nguyên vươn lên phát triển mạnh mẽ về kinh tế, xã hội, đạt được nhiều thành tựu to lớn trong những năm gần đây được xem như một kỳ tích.
Trong năm 2016 và 2017, bình quân kinh tế Thái Nguyên tăng trưởng 14%; năm 2017 đạt 12,75% (cao nhất trong vùng và cao gấp gần hai lần mức bình quân chung cả nước). Thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 68 triệu đồng, gấp 1,3 lần năm 2015, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Thái Nguyên cũng là vùng đất công nghiệp với 6 khu công nghiệp quy mô lớn, diện tích gần 1.500 ha. Nơi đây còn được coi là một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn thứ 3 cả nước chỉ sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Năm 2018, các cấp, các ngành tỉnh Thái Nguyên đã tích cực triển khai các giải pháp đề ra trong Kế hoạch số 03/KH-UBND ngày 10/01/2018 của UBND tỉnh về phân công chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2018, các Nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh; trong đó tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ và thực hiện quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển, cải thiện môi trường đầu tư tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư. Vì vậy tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả tích cực như: Tăng trưởng kinh tế dự ước được duy trì ở mức khá cao; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 11,8% so với năm 2017; giá trị xuất khẩu tăng 10,2% so với năm 2017; thu ngân sách nhà nước ước đạt 14 nghìn tỷ đồng, tăng so với dự toán; công tác xúc tiến đầu tư thu được nhiều kết quả tốt, từ sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã thu hút được 62 dự án của 43 nhà đầu tư với tổng số vốn đăng ký đầu tư đạt khoảng 113.508 tỷ đồng; giá cả thị trường nhìn chung ổn định, cung cầu hàng hóa được đảm bảo, đời sống dân cư ổn định; công tác quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; các chính sách an sinh xã hội được quan tâm đúng mức đã góp phần ổn định xã hội và cải thiện nâng cao đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá rất cao những thành tựu kinh tế - xã hội mà Thái Nguyên đã đạt được trong những năm vừa qua; biểu dương hệ thống chính trị tỉnh đoàn kết “trên dưới một lòng”, nỗ lực xây dựng và phát triển địa phương ngày một vững mạnh. Thái Nguyên còn là một điểm sáng về thu hút FDI, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực dựa trên lợi thế so sánh. Mặc dù là địa phương bán sơn địa nhưng tỉnh vẫn có thành tích tốt về xây dựng nông thôn mới. Việc hình thành các khu công nghiệp quy mô lớn đã tạo nhiều lợi thế cho Thái Nguyên tăng trưởng kinh tế về lâu dài.
Tiếp nối và phát huy những thành tựu đã đạt được, đảng bộ và chính quyền tỉnh Thái Nguyên quyết tâm đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ cho năm 2019. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế một cách đồng bộ, toàn diện, nhất là các ngành, lĩnh vực trọng tâm; tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với chú trọng cải thiện chất lượng, hiệu quả và sáng tạo, nâng cao năng xuất lao động và tăng cường năng lực cạnh tranh; quyết liệt đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ. Chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đào tạo, bồi dưỡng, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cải cách công vụ, công chức, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Củng cố quốc phòng, an ninh; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác hợp tác kinh tế đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Từ những kết qủa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội đạt được thời gian qua, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, tập trung cao độ trong chỉ đạo điều hành, đoàn kết một lòng từ trên xuống dưới trong mục tiêu và nhiệm vụ cho năm 2019. Việc đưa Thái nguyên “trở thành địa phương mẫu mực của cả nước về phát triển kinh tế - xã hội và môi trường” như kỳ vọng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ không còn xa.