Theo Công văn số 129/UBND-CN, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Vũ Hồng Bắc đã yêu cầu các Sở, ngành, địa phương dừng đầu tư mới, đầu tư mở rộng sản xuất gạch đất sét nung; đồng thời các dự án đầu tư sản phẩm VLXD chủ yếu phải lấy ý kiến tham vấn của Bộ Xây dựng theo quy định trước khi cấp phép; đồng thời kiểm soát đầu tư phát triển VLXD đảm bảo phát triển bền vững.
Cũng tại Văn bản này, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương liên quan rà soát, tham mưu báo cáo UBND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung quy hoạch khoáng sản làm VLXD thông thường trên địa bàn tỉnh; tính toán cân đối cung cầu cát xây dựng và vật liệu san lấp, có kế hoạch đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng trên địa bàn tỉnh; ưu tiên sử dụng vật liệu thay thế, vật liệu nhân tạo có sẵn tại địa phương.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất VLXD, khai thác khoáng sản làm VLXD, đảm bảo đúng quy hoạch, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường…
Theo thống kê nhóm vật liệu xây trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên bao gồm: Vật liệu xây nung và vật liệu xây không nung với sản lượng khoảng 700 triệu viên/năm, trong đó gạch nung khoảng 420 triệu viên/năm. Vật liệu xây nung trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được sản xuất bằng công nghệ lò tuynel, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch; lò đứng liên tục, lò đứng thủ công cải tiến và còn một số lò đứng thủ công truyền thống. Bên cạnh đó, vật liệu không nung được sản xuất bằng công nghệ ép thủy lực hỗn hợp bê tông và hỗn hợp bê tông bọt.