Thái Nguyên: Dự án đường 273 có dấu hiệu sai phạm

Nguyễn Kiều| 21/01/2021 21:36

(TN&MT) - Dự án nâng cấp đương tỉnh lộ 273 do nhà thầu là Công ty Cổ phần xây dựng và Thương mại Thái Nguyên, liên doanh với Công ty TNHH xây dựng Hà Long triển khai thi công. Trong quá trình thực hiện, nhà thầu này đã có dấu hiệu đào xới, khai thác, vận chuyển tiêu thụ số lượng lớn "đất lậu" để thực hiện dự án.

Qủa đồi rộng hàng nghìn mét, đang bị máy múc công suất lớn đào xới nham nhở.

Doanh nghiệp tự ý khai thác trái phép tài nguyên

Theo ghi nhận của phóng viên, khu vực thôn Trung Thành, xã Hòa Bình, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, từng đoàn xe ô tô tải cơi nới thành thùng, chở đất có ngọn, không cần phải che chắn, vô tư vận chuyển đất, đá để thi công dự án đường tỉnh lộ 273.

Được biết, tuyến đường này đoạn qua xã Hòa Bình có chiều dài khoảng 4 km, để có vật liệu Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Thái Nguyên và Công ty TNHH Xây dựng Hà Long, đã dùng máy xúc cỡ lớn đào xới ngổn ngang, be bét nhiều quả đồi của người dân nơi đây. Từng đoàn xe chạy liên tục làm bụi bay mù mịt, đất đá vương vãi gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho người tham gia giao thông.

Từng đoàn xe ô tô tải cơi nới thành thùng, chở đất có ngọn, không cần phải che chắn, vô tư vận chuyển đất, đá để thi công dự án đường tỉnh lộ 273.

Theo dấu những chiếc xe này chúng tôi ghi nhận được, đoàn xe này lấy đất từ quả đồi của gia đình ông Phạm Bá Cường, xóm Trung Thành, xã Hòa Bình. Qủa đồi rộng hàng nghìn mét, đang bị máy múc công suất lớn đào xới nham nhở, phía dưới những đoàn nối đuôi nhau đang chờ vào “ăn đất” rồi đua nhau vận chuyển về dự án. Không những khai thác trái phép tài nguyên đất tại các quả đồi trồng rừng, mà Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Thái Nguyên và Công ty TNHH Xây dựng Hà Long, còn chở đất thải ở nền đường cũ, rồi lấp lên hàng nghìn m2 đất nông nghiệp của người dân nơi đây.

Nhiều dấu hiệu gian lận

Theo như quy mô xây dựng dự án nâng cấp đường Hóa Thượng – Hòa Bình (Nâng cấp thành đường ĐT.273).

Đối với kết cấu mặt đường loại 1(KC1) áp dụng nền đường cạp rộng gia cố, vuốt nối.

  • Phần đất đầm chặt yêu cầu dày từ 30-50 cm.
  • Cấp phối đá dăm loại 2 dày 20 cm.
  • Cấp phối đá dăm loại 1 dày 18 cm.
  • Nhựa thấm bám 1.0 kg/m2.
  • Bê tông nhựa C19 dày 07 cm.
  • Nhựa dính bám 0.5kg/m2.
  • Bê tông nhựa C12.5 dày 05 cm.

Đối với kết cấu mặt đường loại 1(KC2) áp dụng trên mặt đường cũ, vuốt nối đường bê tông nhựa, đường đất.

  • Bê tông nhựa C12.5 dày 05 cm.
  • Nhựa dính bám 0.5kg/m2.
  • Bê tông nhựa C19 dày 07 cm.
  • Nhựa thấm bám 1.0 kg/m2.
  • Cấp phối đá dăm loại 1.
  • Bù vênh đá dăm loại 1.

Đât nền có dấu hiệu bị tôn cao nhằm giảm thiểu bê tông nhựa, nhựa dính bám, nhựa thấm bám.

Quy mô và thiết kế của dự án là như vậy, thế nhưng trên thực tế theo như ghi nhận của phóng viên thì lại hoàn toàn khác. Nền đường bị nhà thầu thi công là Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Thái Nguyên và Công ty TNHH Xây dựng Hà Long, đổ đầy đất, có nhiều dấu hiệu không đúng như thiết kế và quy mô của dự án.

Đất được các nhà thầu tôn cao, mục đích nhằm giảm thiểu phần vật liệu của bê tông nhựa, nhựa dính bám, nhựa thấm bám… Làm như vậy những nhà thầu này sẽ giảm được rất nhiều chi phí, không tốn kém về kinh tế. Thế nhưng do đất nền được đổ quá dày, những phần vật liệu có giá chị cao sẽ bị giảm bớt, như vậy nền đường cũng sẽ nhanh chóng bị xuống cấp.

Thiết nghĩ chính quyền tỉnh Thái Nguyên, cùng các sở ban ngành cần sớm vào cuộc kiểm tra xác minh, xử lý những dấu hiệu sai phạm liên quan đến dự án.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin./.

Theo Thái Nguyên: Dự án đường 273 nhiều dấu hiệu sai phạm.
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thái Nguyên: Dự án đường 273 có dấu hiệu sai phạm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO