Thái Nguyên: Cảnh báo nhiều điểm nóng có nguy cơ sạt lở đất, đá mùa mưa bão

Đức Nam| 20/05/2020 06:43

(TN&MT) - Mới chớm đầu mùa hạ nhưng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên thường xuyên xảy ra mưa to, bão lớn. Nhiều điểm nóng sạt lở đá, nứt núi, sụt lún rất nguy hiểm. Điều này khiến nhân dân các huyện Đại Từ, Định Hóa…lo lắng. Họ đề nghị tỉnh sớm vào cuộc giải quyết mối nguy hiểm để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân yên tâm sinh sống.

Hàng trăm, hàng nghìn khối đá vôi liên kết yếu đang treo trên đỉnh núi Nà Khao rình trượt xuống nhà dân ở xã Trung Hội, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.

Gần đây nhất vào cuối tháng 3/2020, người dân xóm Nà Khao, xã Trung Hội, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên được phen hú hồn, hú vía vì đá lở. Đang trong đêm tối, bỗng có tiếng đá sạt ầm ầm như đàn trâu mộng lao xuống núi. Đá từ đỉnh núi thiêng Nà Khao tràn xuống vườn bãi nhà dân, lăn ra đường dân sinh đã cản trở hoạt động canh tác, đi lại của bà con đồng bào trong xóm, bản.

Trận đá lở vào 21giờ đêm 28/3 vừa qua vẫn ám ảnh nỗi sợ mất mạng đối với vợ chồng ông Đào Tiến Sử, bà Mai Thị Tuyết. Bà Tuyết kể: Vợ chồng tôi chợt nghĩ đến cái chết do đá đè mà rùng mình. Hai ông bà già vội mở cửa chạy ra sân thì thấy bụi đá quẩn mù mịt không nhìn thấy gì. Chúng tôi lại chạy vào nhà thì lo sập. Một lúc sau thì dân làng đổ đến hỏi thăm, may mắn là người và nhà cửa không bị đá lăn đến. Ngay sau đó chính quyền xã có cho người vào canh gác không cho người dân qua lại chân núi nguy hiểm. Gia đình tôi cùng hộ bà Đào Thị Dung được vận động di rời đến ở tạm nhà người thân chờ bộ đội Quân khu I, bộ đội của tỉnh, huyện đến nổ mìn phá đá. Thế nhưng chạy đi mấy chục ngày chẳng thấy tỉnh, huyện vào phá đá nên chúng tôi lại về nhà cũ sinh sống. Biết rằng trên núi còn hàng trăm, hàng nghìn khối đá treo lơ lửng trên đầu nhà dân là rất nguy hiểm. Ẩn họa đá lở là rõ ràng nhưng phải chờ qua đại hội Đảng mới được giải quyết...

Vết “nứt, gãy” kéo dài tại một vị trí sườn phía tây bãi thải số 3, mỏ than Phấn Mễ.

Không chỉ đá lở ở huyện Định Hóa mới khiến dân lo ngại mà tại huyện Đại Từ còn tồn tại 4 điểm nóng nguy hiểm khác. Thứ nhất là mới đây, người dân mót than ở xã Phục Linh, huyện Đại Từ phát hiện vết “nứt, gãy” kéo dài tại một vị trí sườn phía tây bãi thải số 3, mỏ than Phấn Mễ.

Hai tháng nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên xảy ra hiện tượng mưa kéo dài đã khiến người dân xã Phục Linh càng hoang mang, lo sợ xảy ra sạt lở bãi thải. Bãi thải trong mấy năm gần đây thường hay “cựa mình” “vặn xoắn” tạo ra các vế nứt, trượt, đùn đất đá ra phía chân bãi hướng về khu dân cư sinh sống.

Thấy hiện tượng lạ có dấu hiệu nguy hiểm, chính quyền địa phương đã làm rào chắn, cử người đến canh gác một vài tuần đầu. Đến nay, mỏ than Phấn Mễ đã vào nhận trách nhiệm hỗ trợ người dân trong vùng bị ảnh hưởng. Huyện Đại Từ đã sẵn sàng nhiều phương án ứng phó với sự cố sạt, lở bãi thải nếu xảy ra.

Vết nứt, sụt lún đất trên đỉnh núi Tán sâu hơn đầu người rất nguy hiểm.

Điểm nóng thứ 2 đó là nứt, sụt núi Tán. Núi Tán cách chân bãi thải số 3 của mỏ than Phấn Mễ không xa. Núi Tán nằm giáp ranh giữa xã Hà Thượng với xã Cù Vân. Trên sườn núi Tán và trong lòng núi Tán đều có dấu vết khai thác than từ xưa đến nay. Gần đây, núi Tán xuất hiện nhiều vết nứt sâu từ đỉnh núi kéo dọc về phía Bắc. Nhiều rãnh sụt sâu 3-4m. Cây cối bị tụt xuống lòng đất. Số nhiều thì bị bật gốc rễ, đổ lướt theo chiều các vết nứt rạn. Điều này rất nguy hiểm cho người dân canh tác và chăn thả gia súc trên núi.

Nhiều vết nứt lớn trên sườn núi Hồng, xã Na Mao, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên có nguy cơ sạt trượt, vùi lấp nhà dân.

Điểm nóng thứ ba có nguy cơ sạt lở đất đá đáng báo động là trên lưng chừng núi Hồng cũng xảy ra hiện tượng xáo lộn đất đá khiến xuất hiện nhiều vết nứt lớn chạy dài hàng trăm mét vòng quanh sườn núi. Đặc biệt là vị trí đất đá rời rạc, độn lên khỏi mặt đất ở độ cao vài trăm mét so với chân núi. Điều này khiến cho nhiều hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu sống đang sinh sống ở ngay chân núi Hồng rất lo âu. Bởi mưa lớn sẽ làm đất bùn trên núi ngậm nước, kết hợp sức nặng của đá mồ côi rất có thể trượt cả mảng núi lớn theo rãnh nứt phóng xuống khu dân cư.

Ông Phạm Quang Anh, Chủ tịch UBND huyện Đại Từ đã cho biết: Đối với hiện tượng này, tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các sở ngành liên quan phối hợp cùng chính quyền địa phương lên nhiều kịch bản, phương án ứng phó với thiên tai. Những hộ dân sinh sống dưới chân núi Hồng sẽ được di rời đến nơi ở khác để tránh nguy hiểm...

Những diễn biến xấu của mưa lũ đã ảnh hưởng đến công trình kè chắn sạt lở đất đá trên lưng chừng sườn đồi ông Mai.

Điểm nóng thứ tư nữa là những diễn biến xấu của mưa lũ đã ảnh hưởng đến công trình kè chắn sạt lở đất đá trên lưng chừng sườn đồi ông Mai. Đồi ông Mai cao khoảng 70-100m so với mặt nước Hồ Núi Cốc. Phía dưới chân núi là đường giao thông và có rất nhiều nhà dân sinh sống. Vị trí nứt rạn, đất đá xô, đạp tung những tấm bê tông kè chắn sạt lở, hướng về phía khu dân cư. Ước lượng có cả nghìn mét khối đất đá đang treo trên ngọn đồi này. Mưa nhiều, nước và bùn đã làm rỗng bên trong các tấm chắn bê tông. Nhiều vết nứt lớn đã xuất hiện, đẩy xô lệch, làm gãy các rãnh bê tông thu nước trên sườn đồi.

Nhiều hộ dân ở phía chân núi như hộ gia đình chị Nguyễn Thị Nga, Dương Ngọc Thái, Ngô Văn Hương...đã từng buộc phải di rời tạm đến nhà người thân tránh nạn. Tuy nhiên, sau mấy tháng thì chẳng ai chứa mãi cả một gia đình 4-5 khẩu trong nhà mình. Nên ba bốn gia đình lại đành phải về nhà cũ trong khu vực cảnh báo nguy hiểm để sinh sống. Họ thách thức tính mạng, tài sản của mình với trời.

Ông Ngô Văn Hương ở xóm Yên Thái, xã Tân Thái cho biết: Sở Giao thông vận tải tỉnh Thái Nguyên cử nhiều đoàn đến khảo sát, đo đếm, tính toán xong xuôi rồi lại rút đi mất hút. Hơn năm nay chẳng thấy đến khắc phục khó khăn, nguy hiểm cho dân. Người dân thì cứ ngày đêm đợi chờ và phải sống trong lo âu, thấp thỏm không biết sống chết thế nào. Chắc lại phải đợi qua Đại hội Đảng, qua mùa mưa đến khi nào sụt sạt mới hay. Chúng tôi thất vọng lắm...

Ở những nơi có nguy cơ sụt, sạt lở đất đá, chính quyền địa phương đã cho cắm nhiều biển cảnh báo khu vực nguy hiểm.

Từ thực tế các điểm nóng nói trên, thiết nghĩ, chính quyền tỉnh Thái Nguyên, các ngành chức năng liên quan và các cấp chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người dân có kiến thức chủ động phòng chống thiên tai, tạo tâm lý bình tĩnh, sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu do thời tiết gây nên. Đồng thời cần họp dân, công khai phương án xử lý các điểm nóng đang có diễn biến bất thường như nứt rạn, sạt lở, sụt lún đất có nguy cơ đe dọa tính mạng và tài sản của nhân dân. Nơi nào xét thấy thực sự nguy hiểm trong mùa mưa bão này thì cần xử lý sớm tránh hậu quả thiệt hại khó lường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thái Nguyên: Cảnh báo nhiều điểm nóng có nguy cơ sạt lở đất, đá mùa mưa bão
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO