Thái Nguyên: Cần làm rõ việc hỗ trợ bò giống nhiễm bệnh cho hộ nghèo ở Định Hóa

15/03/2018 09:26

(TN&MT) - Các hộ nghèo, cận nghèo tại 3 xã Kim Phượng, Kim Sơn và Quy Kỳ huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên được hỗ trợ bò giống sinh sản để phục vụ chăn nuôi, phát triển kinh tế theo Dự án “Hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 năm 2017”. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận và đưa bò về nhà, nhiều gia đình phát hiện bò bắt đầu phát bệnh hàng loạt, miệng có hiện tượng lở loét, bỏ ăn, chảy nước dãi, chân có vết trầy xước...nghi bị bệnh lở mồm long móng. Người dân đã kịp thời báo tin đến các cấp chính quyền xã, huyện để có biện pháp xử lý ngăn chặn dịch lây lan.

1130
Chị Ma Thị Tiệp, xã Kim Phượng, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên chăm sóc con bò mắc bệnh lở mồm long móng của dự án.

 Gia đình chị Ma Thị Tiệp là hộ cận nghèo của xóm Bản Đa, xã Kim Phượng, huyện Định Hóa được dự án hỗ trợ 1 con bò giống sinh sản. Gia đình rất phấn khởi. Dắt bò về chăm sóc được 2 ngày (từ 18/1/2018 đến 20/1) thì thấy con bò dự án phát bệnh lạ bỏ ăn, mõm bò lở loét, nước dãi chảy kéo sợi… Quan sát tiếp, chị Tiệp thấy dấu hiệu của bệnh lạ nghi lở mồm long móng đã lây lan sang 3 con lợn của gia đình. Thấy vậy, chị Tiệp có hỏi thăm nhiều hộ nghèo được nhận bò của dự án đều có chung dấu hiệu của bệnh lạ như vậy. Chị Ma Thị Tiệp, xã Kim Phượng, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên cho biết: “ Gia đình tôi nhận bò về hôm 18 thì khỏe mạnh nhưng ít hôm sau thấy bò ăn chậm, ăn ít, dãi chảy ra quanh mép rớt kéo sợi. Lo lắng, tôi đã báo cán bộ xã vào bảo chắc là bò bị say xe nó mệt nên chưa ăn mấy. Đến hôm thứ hai thứ ba trở đi thấy nó bỏ cám, chân cứ giật giật…”. Được tin bò bị ốm, xã, huyện đã báo với đơn vị cung ứng lên kiểm tra. Ngay sau đó, họ chuyển luôn 5 con bò ốm đi đâu không rõ. Đàn bò dự án bị bệnh đã lây lan sang lợn, và trâu, bò của nhiều hộ gia đình khác gây thiệt hại không nhỏ cho người dân.  Ông Nguyễn Đức Lợi, xóm Bản Đa, xã Kim Phượng, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: “ Gia đình tôi lo lắng quá. Đàn bò của gia đình có 17 con và cả đàn lợn cũng bị nhiễm bệnh. Cán bộ thú y bảo bị mắc bệnh lở mồm long móng phải đi tiêu hủy gần 4tạ lợn nhiễm bệnh. Tránh dịch lây lan ra diện rộng. Tôi xót của lắm. Mới đầu năm mới, bò dự án đã mang bệnh về làng giao giắc nỗi lo cho người dân ở đây.

1153
Đàn bò bị lây bệnh lở mồm long móng của gia đình ông Nguyễn Đức Lợi, xóm Bản Đa, xã Kim Phượng, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.

Phát hiện ra bệnh ở bò, lợn, gia đình có điện báo cho HTX lúa vàng ở Bắc Giang lên kiểm tra. Đến đêm nó đánh xe lên nó trở về. Tôi mà không báo ra huyện thì nó lên nó thu hết bò của nó về, tôi báo ra huyện thì huyện cấm không cho thu nữa.” Làm việc với lãnh đạo xã Quy Kỳ, ông Hoàng Từ Điển, Phó chủ tịch xã Quy Kỳ, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên đã cho biết: “Chúng tôi cũng đã làm việc với đơn vị cung cấp bò rồi, họ cam kết chịu trách nhiệm hoàn toàn về chi phí liên quan đến dịch bệnh mà con bò dự án gây ra. Tiền tiêu hủy, tiền người dân chăm sóc con bò, họ cũng có hỗ trợ bằng cám, công,..đều có. Họ có hứa đến 1/3/2018 sẽ đến giải quyết hậu quả. Nhưng đến nay chưa thấy tăm hơi đâu. Xá chỉ biết báo cáo lên huyện toàn bộ nội dung vụ việc này.”

1156

Cuối năm 2017, UBND huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên phân bổ nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình 135 cho các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện. Từ nguồn vốn hỗ trợ này, UBND các xã được giao làm chủ đầu tư để lựa chọn hình thức hỗ trợ  phù hợp với người dân. Cuối tháng 1/2018, UBND xã Kim Phượng, Kim Sơn và Quy Kỳ đã hợp đồng với HTX Dịch vụ tổng hợp và sản xuất nông nghiệp Lúa Vàng (địa chỉ tại huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) cung ứng 90 con bò nái giống cho các hộ nghèo trên địa bàn 3 xã.    

Bà Triệu Thị Nga, Trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên cho biết: “ Ngay khi phát hiện ra dịch lở mồm long móng xảy ra trên đàn bò dự án và đàn lợn của bà con nông dân địa phương, huyện cũng đã chỉ đạo các xã trước hết là thực hiện tốt việc phòng chống dịch trên địa bàn, thứ hai là mời đơn vị cung ứng lên làm việc, thực hiện việc bồi thường cho dân có lợn bị tiêu hủy”.

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh Thái Nguyên đã phân trần với phóng viên: “Lỗi để xảy ra dịch bệnh trên đàn bò dự án này là do chính quyền địa phương không thông báo cho cơ quan chức năng có chuyên môn kiểm dịch vào cuộc sớm để kiểm dịch đàn bò khi nhận về địa phương giao cho người dân. Vì thế mới xảy ra sự việc đáng tiếc gây thiệt hại cho nhân dân. Ngay khi hay tin có dịch lở mồm, long móng xảy ra trên đàn trâu, bò, lợn ở Định Hóa, Chi cục đã khẩn trương có chỉ đạo ngăn chặn dịch. Đến nay đã khống chế hoàn toàn dịch bệnh trên đàn gia súc. Đây cũng là bài học đáng để rút kinh nghiệm sâu sắc với các cơ quan, chính quyền địa phương khi thực hiện các chương trình tặng bò giống cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh”.

 Nhân dân và dư luận mong muốn các cấp chính quyền địa phương cần điều tra làm rõ trách nhiệm của chính quyền và ngành chức năng liên quan và đặc biệt HTX Lúa vàng trong việc cung ứng con giống không đảm bảo chất lượng cũng như công tác kiểm dịch, trách nhiệm khắc phục hậu quả gây thiệt hại cho các hộ dân có trâu, bò, lợn bị mắc dịch.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thái Nguyên: Cần làm rõ việc hỗ trợ bò giống nhiễm bệnh cho hộ nghèo ở Định Hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO