Trong đó, diện tích rừng ngập mặn tự nhiên với độ tuổi trên 50 năm với loài bần chua chiếm ưu thế chủ yếu ở xã Thụy Trường. Theo kết quả điều tra, nghiên cứu vùng đất ngập nước ven biển huyện Thái Thụy: khu vực có khoảng 1.000 loài động vật sống trong các hệ sinh thái rừng ngập mặn, bãi triều và vùng nước cửa sông ven bờ. Với giá trị đặc biệt về đa dạng sinh học, khu đất ngập nước Thái Thụy được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch trở thành khu bảo tồn thiên nhiên.
Theo đề xuất, Khu Bảo tồn đất ngập nước Thái Thụy nằm ở vùng ngoài đê 8 và đê bao của huyện Thái Thụy, thuộc 5 xã và 1 thị trấn. Phía Bắc tiếp giáp TP Hải Phòng qua sông Hóa, phía Nam tiếp giáp sông Trà Lý, phía Đông giáp biển Đông với 24 km bờ biển và vùng nước ven biển Thái Thụy, phía Tây tiếp giáp đê số 8 và đê bao. Khu Bảo tồn có tổng diện tích là 13.100 ha. Tuy nhiên, phát sinh vướng mắc khi Khu Bảo tồn chồng lấn gần 7.900ha với Khu kinh tế Thái Bình, tiềm ẩn nguy cơ xung đột trong quản lý, triển khai các dự án Khu kinh tế. Các chuyên gia tham gia ý kiến về các phương án giải quyết vấn đề chồng lấn giữa Khu Bảo tồn đất ngập nước Thái Thụy với Khu kinh tế Thái Bình. Ông Đặng Trọng Thăng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình thống nhất thành lập Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy không chồng lấn với Khu kinh tế Thái Bình. Về ranh giới Khu Bảo tồn được xác định trên cơ sở Tổ công tác đề ra với diện tích khoảng gần 6.000ha, nằm ngoài 3 khu công nghiệp. Các đơn vị tư vấn liên quan đến Khu kinh tế Thái Bình tiếp thu ý kiến triển khai quy hoạch Khu kinh tế trong thời gian tới.