Thái Bình rà soát, hỗ trợ hộ nghèo đảm bảo công khai, minh bạch
(TN&MT) - Công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo được triển khai chặt chẽ, công khai, minh bạch, đúng đối tượng là động lực để mỗi người dân vươn lên thoát nghèo bền vững, không trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước. Nhận thức rõ điều này, tỉnh Thái Bình đã tập trung chỉ đạo công tác rà soát, bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn bảo đảm nghiêm túc, công khai, minh bạch, đúng quy định đề ra.
Rà soát hộ nghèo theo hướng công khai, minh bạch
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình, hàng năm, Sở xây dựng kế hoạch, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng chi tiết từng bước hướng dẫn rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo. Sở tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho đối tượng là thành viên ban chỉ đạo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2022 - 2025 của tỉnh, của huyện; lãnh đạo, công chức lao động - thương binh và xã hội của các xã, phường, thị trấn; các đồng chí trưởng thôn, bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố. Do vậy, ban chỉ đạo rà soát hộ nghèo của từng địa phương đã thực hiện đúng tiến độ, quy trình. Các tổ điều tra, điều tra viên khu dân cư đã đi đến từng hộ dân để thực hiện việc rà soát, đánh giá các tiêu chí theo phiếu để chấm điểm, xét hộ nghèo, hộ cận nghèo đối với từng hộ.
Phương pháp rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo là phương pháp khảo sát thu thập thông tin của hộ gia đình để ước lượng thu nhập và xác định mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo, hộ cận nghèo. Phương pháp này được tiến hành theo quy trình 7 bước gồm: Lập danh sách hộ gia đình cần rà soát; tổ chức rà soát, phân loại hộ gia đình; tổ chức họp dân để thống nhất kết quả rà soát; niêm yết, thông báo công khai; báo cáo, xin ý kiến của Chủ tịch UBND cấp huyện; công nhận danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo và bước cuối cùng là báo cáo kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo.
Là một trong những địa phương quan tâm đến công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, xã Thụy Liên (huyện Thái Thụy) trong quá trình tổ chức thực hiện rà soát, đã yêu cầu các tổ rà soát bám sát quy trình các bước theo đúng hướng dẫn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Đặc biệt, phải quan tâm, chú trọng tới quy trình 3 bước đầu tiên bởi đây là 3 bước thực hiện trực tiếp từ các cơ sở thôn. Xã yêu cầu các đồng chí trưởng thôn, tổ trưởng tổ rà soát báo cáo kết quả tổ chức thực hiện, sau đó mới tiến hành quy trình bước tiếp theo.
Tương tự, tổ dân phố số 8, thị trấn Diêm Điền (huyện Thái Thụy) cũng thực hiện công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo đúng quy trình, quy định, công khai, minh bạch, không để xảy ra tình trạng nể nang dẫn đến rà soát sai đối tượng để thụ hưởng sai chính sách của Nhà nước. Hầu hết danh sách rà soát sơ bộ hộ nghèo, hộ cận nghèo của tổ dân phố số 8 khi đưa ra họp dân đều được mọi người nhất trí và đồng tình với kết quả rà soát.
Theo kết quả sơ bộ, tính đến cuối tháng 11/2023, toàn tỉnh có 12.292 hộ nghèo, tỷ lệ 1,87%, giảm 1.778 hộ, giảm 0,27% so với năm 2022; 13.099 hộ cận nghèo, tỷ lệ 2%, giảm 1.755 hộ, giảm 0,26% so với năm 2022. Sau khi các đoàn kiểm tra của ban chỉ đạo tỉnh, huyện kiểm tra xác suất kết quả rà soát của một số địa phương, sẽ tổng hợp kết quả chính thức trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.
Đây là căn cứ giúp cấp ủy và chính quyền các cấp đánh giá đúng thực trạng hộ nghèo, hộ cận nghèo của từng địa phương, từ đó có giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện chương trình giảm nghèo và các chính sách an sinh xã hội, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.
Có thể thấy, việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh Thi Bình được thực hiện đúng quy trình quy định, đảm bảo công khai, minh bạch, có sự tham gia của người dân; chống bệnh thành tích, quan liêu; phản ánh đúng thực trạng của địa phương. Từ đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh có những đánh giá cụ thể tình hình hộ nghèo, hộ cận nghèo và làm cơ sở thực hiện chính sách giảm nghèo phù hợp và hiệu quả.
Người nghèo được thụ hưởng nhiều chính sách giảm nghèo
Trong số những chính sách giảm nghèo của trung ương và địa phương tạo hiệu quả cao cho công tác giảm nghèo tỉnh Thái Bình, phải kể đến những chính sách như: chính sách về giáo dục, y tế, bảo hiểm xã hội, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; tín dụng ưu đãi... Với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ nên các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo đạt được nhiều kết quả tích cực.
Theo số liệu của Phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình, hiện nay, hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện với mức 59.000 đồng/tháng, được hỗ trợ vay vốn từ nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng chính sách xã hội, được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho tất cả các thành viên trong gia đình. Nếu hộ nghèo có người đi học thì được miễn học phí. Ngoài ra, còn được hưởng chế độ bảo trợ xã hội nếu đủ điều kiện như: người cao tuổi cô đơn nghèo, trẻ em nhiễm HIV, người nhiễm HIV không có thu nhập ổn định thuộc hộ nghèo, người đơn thân nuôi con thuộc hộ nghèo…
Giai đoạn 2021 - 2023, toàn tỉnh đã tổ chức cấp 51.052 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo với kinh phí hỗ trợ gần 33 tỷ đồng; cấp 75.460 thẻ bảo hiểm y tế cho người cận nghèo với kinh phí hỗ hơn 50,6 tỷ đồng. Công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người cận nghèo có nhiều chuyển biến tích cực.
Toàn tỉnh cũng đã thực hiện chính sách hỗ trợ miễn học phí cho 21.786 lượt học sinh thuộc hộ nghèo với kinh phí gần 30 tỷ đồng; giảm học phí cho 15.142 lượt học sinh thuộc hộ cận nghèo với kinh phí hơn 2,2 tỷ đồng. Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, trong đó có người nghèo được quan tâm, chú trọng. Có 2.674 lượt hộ nghèo được hỗ trợ chính sách ưu đãi với tổng kinh phí gần 127 tỷ đồng và 3.581 lượt hộ cận nghèo được hỗ trợ chính sách ưu đãi với tổng kinh phí 172 tỷ đồng.
Những chương trình, chính sách giảm nghèo đã đem lại hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống xã hội; những chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã phần nào giúp người nghèo giảm bớt khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống để vươn lên thoát nghèo.