Thái Bình:Chính sách giảm nghèo đã "đến đúng địa chỉ"
(TN&MT) - Thời gian qua, các cấp có thẩm quyền tại Thái Bình đã ban hành nhiều chính sách về giáo dục, chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm y tế, hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, nhà ở, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tạo sinh kế... Nhờ đó, người nghèo, cận nghèo trong tỉnh đã tiếp cận thuận tiện hơn các chính sách trợ giúp, số hộ nghèo trong tỉnh giảm đáng kể, đời sống của người nghèo dần được cải thiện.
Liên quan đến giáo dục, đào tạo, toàn tỉnh đã thực hiện chính sách hỗ trợ miễn học phí cho 9.419 học sinh thuộc hộ nghèo, với kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng. 5.612 lượt học sinh thuộc hộ cận nghèo được giảm học phí, kinh phí hơn 311 triệu đồng. Tỉnh hỗ trợ chi phí học tập cho 10.424 lượt học sinh nghèo với kinh phí hỗ trợ hơn 3,6 tỷ đồng.
Về chính sách y tế, tỉnh đã cấp 12.568 thẻ BHYT cho người nghèo, kinh phí hỗ trợ hơn 6,5 tỷ đồng và 18.890 thẻ BHYT cho người cận nghèo với kinh phí hỗ hơn 9 tỷ đồng. Công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người cận nghèo đã có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng khám chữa bệnh cho các đối tượng từng bước được nâng lên.
Đối với chính sách tín dụng ưu đãi, đã có 236 hộ nghèo được hỗ trợ với tổng kinh phí 7.624 triệu đồng; 326 hộ cận nghèo được hỗ trợ với tổng kinh phí 10.091 triệu đồng; 6.850 hộ thoát nghèo được vay vốn tín dụng với tổng kinh phí 175.232 triệu đồng.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã trích Quỹ "Vì người nghèo" triển khai thực hiện các nội dung trợ giúp người nghèo như xây mới và sửa chữa 77 nhà đại đoàn kết, trị giá hơn 2,3 tỷ đồng. Ngoài ra, hộ nghèo, hộ cận nghèo tại Thái Bình cũng được thụ hưởng nhiều chương trình khác như nước sạch, vệ sinh môi trường, nhà ở...
Những chính sách trên đã góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu giảm nghèo của tỉnh. Tại Thái Bình, theo kết quả rà soát cuối năm 2023, tổng số hộ nghèo giảm từ 15.739 hộ năm 2021 (tỷ lệ 2,4%) xuống 11.925 hộ (tỷ lệ 1,82%). Tổng số hộ cận nghèo giảm từ 16.218 hộ (tỷ lệ 2,47%) xuống 12.587 hộ (tỷ lệ 1,92%). Như vậy, trung bình mỗi năm tỉnh này giảm tới hơn 1.900 hộ nghèo và hơn 1.800 hộ cận nghèo.
Điển hình, tại huyện Vũ Thư, thực hiện có hiệu quả các giải pháp giảm nghèo bền vững, cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 2,2% tương đương 1.758 hộ; ngoài ra còn có 1.545 hộ cận nghèo. Huyện Vũ Thư được đánh giá đơn vị dẫn đầu công tác lao động, thương binh và xã hội trong tỉnh. Năm 2024, huyện phấn đấu tạo việc làm mới cho trên 5.500 lao động trong đó có 400 lao động xuất khẩu; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm xuống còn 1,99%.
Tại huyện Đông Hưng, tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 1,8%. Những năm qua, Mặt trận Tổ quốc các cấp huy động gần 7 tỷ đồng đóng góp vào quỹ “Vì người nghèo”; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 142 nhà đại đoàn kết; hỗ trợ khám chữa bệnh, giúp học sinh nghèo vươn lên trong học tập.
Thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, 10 năm qua, huyện Đông Hưng có gần 52.000 lượt người nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn ưu đãi của Chính phủ, với tổng doanh số cho vay đạt hơn 1.400 tỷ đồng.
Tại xã Hồng Việt (huyện Đông Hưng), gia đình ông Nguyễn Thái Định nhiều năm liền thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh rất khó khăn. Nhờ có vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, ông Định đã đầu tư chăn nuôi và phát triển sản xuất bằng việc trồng cây cảnh với cây trồng chủ lực là cây mộc hương. Ông rất chịu khó chăm bẵm nên cây trồng phát triển tốt, nhiều thời điểm xuất hàng gặp giá bán thuận lợi, gia đình ông cải thiện thu nhập, thoát nghèo.
Còn ở xã Phong Châu (huyện Đông Hưng), bà Đào Thị Tĩnh, thôn Khuốc Tây được hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết năm nay. Bản thân bà thường xuyên đau ốm, lại sống một mình nên không đủ điều kiện để xây nhà khang trang, tươm tất. Ngôi nhà mới đã giúp bà Tĩnh an tâm hơn khi mùa mưa bão đến.
Năm 2024, tỉnh Thái Bình đặt mục tiêu giảm từ 1.000-1.500 hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho lao động nghèo, tạo việc làm gắn với thu nhập, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo... Mong rằng, với các chính sách trên, năm nay tỉnh sẽ đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là người dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái” của dân tộc ta đối với người nghèo.
Quan trọng hơn, các chương trình phải khơi dậy ý chí tự lực tự cường của người nghèo, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội.
Thái Bình cũng đặt mục tiêu tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; tăng cường tín dụng chính sách xã hội cho người nghèo.