(TN&MT) - Thái Bình thời gian qua đã quan tâm chú trọng tới việc bảo vệ môi trường nông thôn. Nhưng môi trường vẫn chưa có những chuyển biến rõ rệt, nhiều địa phương trong tỉnh vẫn còn tình trạng xả rác thải ra lòng đường, các khu đất trống, bờ mương, ao hồ… khiến cho môi trường càng ô nhiễm.
Rác từ nhà ra...ngõ
Dạo quanh một số vùng nông thôn dễ dàng bắt gặp những bãi rác thải sinh hoạt ven các cánh đồng, đường làng, đường liên xã với bao nilon, chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật sau khi đã sử dụng… Ngay cả trên quốc lộ, đường liên huyện cũng dễ bắt gặp những bãi rác nằm chình ình hai bên đường, không chỉ làm mất mỹ quan mà còn tiềm ẩn nguy cơ độc hại, gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt trên những con đường giáp ranh các xã những bãi rác “tự phát” mọc lên như nấm.
Bãi rác tự phát nằm ven đường giữa hai xã Tây Giang và Tây Tiến của huyện Tiền Hải.
Một trong những bãi rác được hình thành tự phát đó là bãi rác giữa hai xã Thụy Tân và Thụy An của huyện Thái Thụy. Bãi rác này được hình thành cách đây hơn một năm. Ban đầu chỉ có vài hộ gia đình xã Thụy An đem đổ trộm phế thải ra con sông Triền Thanh – ranh giới tự nhiên phân tách hai xã. Kể từ đó cho tới nay, cùng với sự vô ý thức cộng với tâm lý đất đó là đất... “của chùa” không thuộc xã nào quản lý nên người dân của hai xã đã phủ đầy rác lấp đi cả một khúc sông rộng lớn khiến dòng nước đen ngòm và đủ thứ mùi ô nhiễm. Hiện tại, mỗi khi nhắc tới điển hình của việc ô nhiễm nhân dân xã Thụy Tân nhắc tới bãi rác này như một nỗi ám ảnh.
Chị Trần Thị Lập, thôn Tân Trường, xã Thụy Tân, huyện Thái Thụy cho biết: Trước đây, xã Thụy Tân cũng hình thành tổ thu gom rác thải tại các hộ gia đình vào sáng chủ nhật và rác thải được đổ ra bãi chôn lấp ven dòng sông Hóa. Nhưng trong thời gian này, do xã đang nâng cấp bãi xử lý phế thải vì quá tải nên địa điểm đổ rác thải nông thôn chưa có chính vì vậy...đành phải đổ tạm ra bãi rác sông Triền Thanh, khi nào đầy xã sẽ cho chôn lấp. Biết việc xả rác thải như vậy ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của chính mình nhưng vì chưa có cách xử lý nào phù hợp nên các chị vẫn “nhắm mắt làm ngơ”.
Xử lý rác - thiếu kinh phí
Trước thực trạng rác thải nông thôn đang ở mức báo động, nhiều địa phương tìm hướng giải quyết nhưng xem ra đây không phải là bài toán dễ. Bởi vậy, giải pháp hữu hiệu cho việc xử lý rác thải nông thôn vẫn chưa có lời giải. Một trong những khó khăn cần tháo gỡ cho “bài toán” rác thải nông thôn hiện nay là vấn đề kinh phí đầu tư các khu xử lý rác thải. Theo quy hoạch nông thôn mới (NTM), 100% các xã phải quy hoạch bãi rác thải tập trung cách xa khu dân cư, nhưng do không có kinh phí đầu tư xây dựng nên hầu hết vẫn chỉ là các quy hoạch “treo”. Trung bình, mỗi xã xả thải khoảng 5 - 10 tấn rác/ngày song chỉ có 60% được thu gom và xử lý. Toàn tỉnh mới chỉ có 14 xã có khu xử lý rác thải gắn với xây dựng NTM và 2 thị trấn (Tiền Hải và Thanh Nê) đầu tư lò đốt rác thải, còn lại hầu hết rác thải được thu gom, tập kết tại các bãi rác tự phát của xã, thôn.
Theo Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Ðông Hưng, Ðào Minh Hải thì đến nay toàn huyện Đông Hưng đã quy hoạch 63 khu xử lý rác thải theo tiêu chí NTM, bảo đảm khoảng cách từ 300m trở lên so với khu dân cư. Tuy nhiên, để đầu tư xây dựng một bãi rác cần kinh phí khoảng 3,5 tỷ đồng, chưa kể chi phí đầu tư làm đường ra bãi rác. Hiện, hầu hết đường ra các bãi rác vẫn chưa được cứng hóa, chủ yếu là đường đất, gây khó khăn cho việc chuyên chở, nhất là vào mùa mưa. Vì vậy, toàn huyện vẫn còn gần 40 bãi rác tự phát. Cùng với đó, tình trạng đổ rác tại địa phận giáp ranh giữa các xã vẫn diễn ra phổ biến, gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm soát.
Còn theo ông Hoàng Văn Ngoạn, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT) cho biết: Hiện nay nhiều địa phương vẫn còn lúng túng trong công tác bảo vệ môi trường nói chung, thu gom, xử lý rác thải nói riêng. Công tác xã hội hóa thu gom, xử lý rác thải cũng chưa được thực hiện tốt chưa hình thành các cơ sở thu gom rác thải tư nhân; việc thu và đầu tư kinh phí vệ sinh môi trường ở các vùng nông thôn còn gặp nhiều khó khăn…Chính vì vậy, rác thải nông thôn vẫn đang là một bài toán chưa có lời giải tại Thái Bình.
Thụy Anh