TN&MT) - Đây là chủ đề của Hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Đà Nẵng phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Đà Nẵng tổ chức vào ngày 3/10.
Tham dự Hội thảo có các ông: Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; Nguyễn Tất Thịnh, chuyên gia tái cấu trúc doanh nghiệp thuộc Học viện Hành chính quốc gia; Võ Duy Khương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng; Nguyễn Diễn, Phó Giám đốc VCCI Chi nhánh Đà Nẵng cùng gần 150 đại biểu là CEO, lãnh đạo và nhà quản lý của các hiệp hội, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam…
Toàn cảnh Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe ông Trần Đình Thiên và chuyên gia Nguyễn Tất Thịnh báo cáo các chuyên đề: “Kinh tế Việt Nam: Các vấn đề và xu hướng lớn; dự báo tình hình 2014-2015”, “Chiến lược chuyển đổi của các doanh nghiệp”. Báo cáo của 2 chuyên đề này đều đặt ra các dự báo, những thách thức và cơ hội của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian tới; đồng thời, gợi mở các định hướng, tầm nhìn chiến lược để các doanh nghiệp tiếp cận, áp dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình có hiệu quả, phù hợp với điều kiện hội nhập khu vực và quốc tế ngày càng sâu rộng.
Ngoài ra, đại diện UBND TP. Đà Nẵng cũng đã thông tin một số kết quả sau 10 năm triển khai chiến lược phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là chủ trương triển khai Năm doanh nghiệp 2014 và một số định hướng lớn chủ yếu của thành phố trong thời gian tới nhằm giúp các doanh nghiệp phát triển, đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố.
Trên cơ sở các báo cáo chuyên đề và kết quả, kinh nghiệm từ mô hình của Đà Nẵng, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp đã thảo luận, trao đổi nhiều vấn đề mà các diễn giả đến từ Viện Kinh tế Trung ương, Học viện hành chính quốc gia và UBND TP. Đà Nẵng đã nêu ra. Trong đó, các vấn đề liên quan đến việc cụ thể hóa tầm nhìn, viễn cảnh cũng như các chiến lược, sách lược và hành động cụ thể mà các doanh nhân, doanh nghiệp có thể áp dụng, triển khai trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã nêu lên một số kiến nghị, đề xuất với Trung ương và chính quyền địa phương nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục phát triển, đảm bảo hội nhập sâu rộng hơn vào thị trường khu vực và quốc tế.
Tại Hội thảo, nhiều kinh nghiệm, bài học về sự chủ động, vượt qua khó khăn để vươn lên tồn tại, đồng thời khẳng định thương hiệu của mình đã được các đại biểu chia sẻ; nhất là các kinh nghiệm, bài học về tái cơ cấu lại doanh nghiệp, tái cơ cấu lại nền sản xuất, liên kết- liên doanh đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI, giữ vững thị trường “sân nhà” cũng như mở rộng thị trường ra bên ngoài…
Qua thảo luận, nhiều vấn đề lớn có tính vĩ mô như: Thời gian hội nhập của Việt Nam vào WTO đã được một chặng đường khá dài nhưng nền kinh tế nói chung, doanh nghiệp Việt Nam nói riêng vẫn bị yếu kém, thường xuyên bị động, lung túng và không đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp FDI; trong thời gian gần đây tuy nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi nhưng vì sao các yếu tố kém bền vững vẫn còn hiện hữu, giải pháp thời gian đến thế nào; các vấn đề về sự bất cập, lạc hậu của một số chính liên quan về thuế, đất đai, hỗ trợ vốn, thị trường… cũng đã được các đại biểu đặt vấn đề, chia sẻ tại Hội thảo./.
Tin và ảnh: Mỹ Lộc – Quỳnh Anh