Thách thức phát triển với ĐBSCL

Ngọc Lý| 17/12/2020 10:18

(TN&MT) - Di dân là câu chuyện nhức nhối của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tình trạng di cư của người dân đồng bằng về TP.HCM và miền Đông đáng báo động.

Trong 10 năm, 1,3 triệu người đã di cư khỏi ĐBSCL, tương đương dân số một tỉnh của khu vực này. Đây là con số được dẫn tại Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020 vừa công bố hôm 14/12.

So với các vùng khác trong cả nước, ĐBSCL có tỷ lệ nhập cư thấp nhất, tỷ lệ xuất cư cao nhất, là vùng duy nhất có tỷ lệ tăng dân số gần như bằng 0 trong giai đoạn 2009 - 2019.

Theo Bộ Xây dựng, đến năm 2040, Việt Nam sẽ có thêm khoảng 20 triệu người chuyển đến sinh sống tại các đô thị. Việt Nam là nước có tốc độ đô thị hóa cao nhất Đông Nam Á, hàng năm có trên 1 triệu dân trở thành dân cư đô thị, tỷ lệ đô thị hóa hiện nay khoảng 34%, dự báo đến năm 2025 dân số đô thị của Việt Nam khoảng 52 triệu người, chiếm khoảng 50% dân số cả nước. Xu hướng di cư từ nông thôn ra thành thị đang đặt ra những thách thức về quản lý, quy hoạch và phát triển đô thị bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm, tổ chức tốt cuộc sống xã hội.

Ảnh minh họa

Thách thức lớn nhất là trong thực hiện các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Hầu hết các quy hoạch phát triển của Việt Nam đều bị phá vỡ chỉ trong một thời gian ngắn thực hiện đã gây lãng phí tài nguyên đất đai, nguồn lực của đất nước. Thiếu cơ sở dữ liệu khoa học, tầm nhìn ngắn hạn là nguyên nhân của thực trạng này.

Trở lại với ĐBSCL, hiện nay, đây là vùng trũng về đô thị hóa ở Việt Nam. Dù chiếm gần 18% dân số của cả nước, nhưng trong giai đoạn 2009 - 2019, dân số thành thị của ĐBSCL chỉ tăng 403.000 người, xấp xỉ 5,3% số tăng dân số thành thị của cả nước.

Tỷ lệ đô thị hóa của cả vùng trong 10 năm chỉ tăng từ 22,8% lên 25,1%, trong khi cả nước tăng từ 29,6% lên 34,4%. Kết quả là khoảng cách về dân số đô thị của ĐBSCL so với cả nước đang ngày một giãn ra.

Nếu không có các giải pháp hay động lực mới để hạn chế tình trạng xuất cư cao như hiện nay, lợi thế về nguồn cung lao động dồi dào trong vùng sẽ nhanh chóng mất đi. Báo động hơn, tỷ lệ xuất cư hiện nay thường tập trung vào lực lượng lao động dưới 35 tuổi, bao gồm cả nhóm lao động có chuyên môn, dẫn đến lực lượng lao động còn lại có xu hướng ngày càng già hóa, kỹ năng thấp, thiếu linh hoạt và sẽ là gánh nặng cho vùng ĐBSCL trong trung và dài hạn…

Trong thập niên qua, khu vực này đang đứng trước những thách thức lớn từ bên ngoài của biến đổi khí hậu (BĐKH) như hạn mặn, sạt lở, ngập lụt và ô nhiễm môi trường  gia tăng...; đến các vấn đề bên trong như chất lượng tăng trưởng giảm sút, lực lượng và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chưa cao, cấu trúc kinh tế chưa thực sự ổn định, chất lượng nguồn nhân lực hạn chế, năng suất lao động thấp, tình trạng di dân gia tăng… Đây là những ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội mà ĐBSCL đang và sẽ phải đối mặt.

Những lợi thế vốn có như: địa hình, thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu ôn hòa… nay đã không còn nữa, do tác động từ thiên tai và con người. Thực tế, quá trình phát triển trong hơn 2 thập niên qua cho thấy điều đó. Hạ tầng cơ sở còn quá nhiều điểm nghẽn, nhất là giao thông kết nối. Thiếu quy hoạch đồng bộ và logistics yếu kém dẫn đến sự gia tăng chi phí trong các khâu của chuỗi giá trị sản xuất, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và kinh tế toàn vùng.

Mặc dù ĐBSCL đã thành công trong việc thoát đói, giảm nghèo, nhưng vùng đất này vẫn chưa đem lại được sự thịnh vượng cho phần lớn người dân của mình. Cộng thêm tác động lớn nhất đối với vùng là BĐKH (ĐBSCL là một trong những vùng chịu tác động lớn nhất của BĐKH trên thế giới), nên câu chuyện phát triển kinh tế ĐBSCL, vì thế vẫn ở một giai đoạn khó khăn, thách thức nhất trong lịch sử tồn tại của vùng, và đó cũng là một thách thức chung của quốc gia.

Những thách thức và hạn chế trên đang đẩy ĐBSCL vào tình thế hết sức nan giải.                   

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thách thức phát triển với ĐBSCL
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO