Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tổ chức thả tôm sú và cua giống xuống đầm phá Tam Giang – Cầu Hai trong ngày 17/6.
Theo đó, được sự hỗ trợ kinh phí từ dự án LUX- VIE/433, Chi cục Thủy sản đã thả hơn 58.000 con tôm sú giống, kích cỡ 2 - 3cm và 2.000 con cua giống, kích cỡ 3 -5cm. Khu vực thả giống thuộc Khu Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Đá Dầm, xã Lộc Điền và Khu Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hòn Voi Vũng Đèo, xã Lộc Trì (huyện Phú Lộc).
Thả tôm, cua xuống đầm phá |
Hoạt động nhằm bổ sung nguồn giống nhằm tạo điều kiện cho các loài thủy sản sinh trưởng, sinh sản và phát triển cân bằng môi trường hệ sinh thái đang bị ảnh hưởng. Đây cũng là thông điệp gửi đến toàn thể ngư dân kêu gọi chung tay tuyên truyền, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và đầm phá Tam Giang - Cầu Hai nói riêng.
Đây là đợt tái tạo thứ 4 trong 4 hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản, thả tôm, cua, cá ra các thủy vực biển, đầm phá, nội địa từ đầu năm 2020 đến nay.
Hàng năm, Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát động nhiều đợt thả cá, tôm, cua và các giống loài thủy sản vào các thủy vực nhằm thu hút sự tham gia của các tổ chức, cộng đồng, xã hội có trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi thủy sản nói chung và môi trường thủy sinh nói riêng. Trung bình mỗi năm tái tạo nguồn lợi thủy sản với số lượng gần 200.000 con giống các loại; trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ khoảng 130.000 con, xã hội hóa từ doanh nghiệp, các chương trình/dự án, các tổ chức, cộng đồng ngư dân khoảng 70.000 con.
Tam Giang - Cầu Hai (tỉnh Thừa Thiên Huế) được xem là vùng đầm phá lớn nhất Đông Nam Á, có giá trị đa dạng sinh học rất cao, có chức năng vô cùng quan trọng về môi trường sinh thái, vai trò to lớn về cân bằng tự nhiên ven bờ và phát triển kinh tế - xã hội khu vực. Vừa qua Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang – Cầu Hai.