Một trong những giải pháp quan trọng được huyện Tây Sơn triển khai là thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả công tác cải cách hành chính (CCHC), nhất là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và cải cách công vụ. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ CCHC, triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 và thực hiện tốt việc giải quyết 100% TTHC theo phương án “5 tại chỗ” để nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công và Bộ phận tiếp nhận, trả kết quả cấp huyện. Đặc biệt, công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch được triển khai nhanh giúp cho nhà đầu tư yên tâm thực hiện dự án.
Năm 2021, huyện Tây Sơn được đánh giá là địa phương nằm trong top đầu về thực hiện tốt công tác CCHC của tỉnh Bình Định. Đạt được kết quả này là nhờ chính quyền, các cơ quan trong huyện đổi mới phương thức lãnh đạo, hướng đến xây dựng nền hành chính hiện đại, góp phần xây dựng, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Cùng với đó, huyện Tây Sơn chủ động, tích cực huy động và sử dụng các nguồn lực đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đầu tư hệ thống hạ tầng các cụm công nghiệp (CCN), tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp duy trì và mở rộng sản xuất, kinh doanh. Trong năm 2021, Tây Sơn thu hút được 13 dự án đầu tư vào các CCN của huyện, chỉ đứng sau thành phố Quy Nhơn thu hút 22 dự án.
Thời gian tới, huyện Tây Sơn xác định 3 khâu đột phá chính là đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới.
Dựa trên các “trụ cột” chính là đẩy mạnh phát triển công nghiệp, đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư vào CCN. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ dựa trên lợi thế các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dựa vào các sản phẩm có thế mạnh như rau an toàn VietGAP Thuận Nghĩa, bò thịt chất lượng cao, gà thả đồi, đậu phụng.
Vào đầu tháng 3/2022, UBND huyện Tây Sơn đăng ký 25 dự án ưu tiên mời gọi đầu tư vào huyện giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó có 6 dự án thuộc lĩnh vực đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật chung CCN; 4 dự án thuộc lĩnh vực sản xuất chế biến; 3 dự án thuộc lĩnh vực nước sạch; 12 dự án thuộc lĩnh vực thương mại dịch vụ.
Đối với 6 dự án về đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật chung CCN gồm: CCN Hóc Bợm, diện tích 37ha; CCN Tây Xuân, diện tích 30ha; CCN Bình Nghi mở rộng, diện tích 74ha; CCN Cầu 16, diện tích 17,3ha; CCN Gò Cầy, diện tích 45ha; CCN Rẫy Ông Thơ, diện tích 3,3ha.
Đối với 4 dự án thuộc lĩnh vực sản xuất chế biến gồm: Điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại xã Tây Xuân, diện tích 2ha; Nhà máy sản xuất, chế biến dầu đậu phộng tại CCN Gò Cầy, CCN Cầu 16; Nhà máy chế biến súc sản tại xã Bình Nghi, diện tích 23ha; Khu trồng trọt và chế biến công nghệ cao tại xã Bình Thuận, diện tích 40ha.
Đối với 3 dự án thuộc lĩnh vực nước sạch gồm: Nhà máy xử lý nước thải Phú Phong, diện tích 2ha; Nâng cấp nhà máy cấp nước Phú Phong, diện tích 1ha; Nhà máy cấp nước sinh hoạt phía Bắc huyện Tây Sơn, diện tích 1,5ha.
Đối với 12 dự án lĩnh vực thương mại dịch vụ gồm: Tại thị trấn Phú Phong có 4 dự án là Khách sạn cao cấp, diện tích 0,7 ha; Khu thương mại, dịch vụ, diện tích 0,6ha; Khu đê bao Sông Kôn (lô A5), diện tích 0,1ha; Trung tâm thương mại khu dân cư phía Đông thị trấn Phú Phong, diện tích 1,5ha. Tại xã Tây Phú có 2 dự án là Khu liên hợp thể dục, thể thao, diện tích 10ha và Khu du lịch sinh thái kết hợp nhà vườn, diện tích 300ha. Tại xã Tây Xuân có 2 dự án là Bến xe Tây Sơn, diện tích 5ha và Khu dân cư Đồng Cây Keo, diện tích 8,8 ha.
Còn lại 4 dự án thuộc các xã: Vĩnh An có dự án Khu du lịch thác đổ xã Vĩnh An, diện tích 50ha. Tây Giang có dự án Khu du lịch sinh thái đập dâng Văn Phong, diện tích 70 ha. Bình Nghi có dự án Trung tâm dịch vụ thương mại Bình Nghi, diện tích 0,6ha. Tây Phú có dự án Khu dân cư phía Đông đường vào Hầm Hô, diện tích 9 ha.