Đất đai

Tây Ninh: Ngọt thanh dưa lưới trên vùng đất khó

Thục Vy 19/08/2024 16:56

(TN&MT) - Nhờ mạnh dạn chuyển đổi phương thức sản xuất trong trồng dưa lưới, sản phẩm nông nghiệp của người nông dân huyện Châu Thành (tỉnh Tây Ninh) luôn đạt năng suất cao, thu nhập tăng lên đáng kể.

dua-luoi-5.jpg
Cây dưa lưới đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân Tây Ninh

Làm giàu từ đất
Ở Tây Ninh, có tới 70% người dân sống bằng nghề làm nông nghiệp. Tuy nhiên, đối với những sản phẩm từ cây trồng bấy lâu nay như: mía, mì, cao su… giá cả bấp bênh, không mang lại hiệu quả kinh tế cao như kỳ vọng. Do đó, nông dân ở nhiều địa phương đã chuyển sang trồng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế hơn. Tại huyện Châu Thành, nhiều nhà nông đã phất lên nhờ trồng cây dưa lưới, do chất đất phù hợp và áp dụng cách làm nông công nghệ cao.

Điển hình như anh Huy Thành ngụ xã Hòa Hội (huyện Châu Thành). Xuất thân trong một gia đình rặt nông dân, anh Thành luôn đau đáu ý tưởng làm giàu trên mảnh đất của gia đình. Được theo học ngành nông lâm, cùng với vốn liếng về làm nông công nghệ cao, năm 2021, anh Thành đã tận dụng mảnh vườn của gia đình để khởi nghiệp trồng dưa lưới công nghệ cao.

Mặc dù có nhiều kiến thức, nhưng anh vẫn gặp không ít khó khăn trong giai đoạn đầu trồng dưa lưới do quy trình, kỹ thuật trồng chưa hoàn chỉnh. Sau nhiều lần thất bại, rồi tự mày mò vừa học vừa làm, vừa rút kinh nghiêm, cuối cùng anh cũng thành công với mùa dưa lưới đầu tiên.

Khác với nhiều nông dân khác ở huyện Châu Thành, anh Thành chọn phương pháp làm nhà màng rồi trồng dưa lưới trực tiếp trên đất, thay vì làm theo cách xây nhà màng rồi trồng dưa lưới trên giá thể xơ dừa. Cách làm này không chỉ hạn chế chi phí, như nước tưới, giảm lượng phân bón, mà còn cho trái dưa có độ giòn và ngọt hơn so với dưa trồng trên giá thể.

Hiện vườn dưa 1,5ha của anh Thành đang cho thu hoạch tốt. Mỗi mùa vụ, sau khi trừ chi phí, anh thu về lợi nhuận hơn 600 triệu đồng. Anh dự tính thuê thêm 3ha đất nữa để mở rộng vườn dưa và tạo công ăn việc làm cho một số người dân trong vùng.

Cũng như anh Huy Thành, gia đình chị Hạnh ở xã Hòa Hội cũng làm giàu từ vườn dưa lưới. Chị Hạnh cho biết, trước đây 2ha đất của gia đình chủ yếu trồng hoa màu nhưng cho năng suất và thu nhập không cao. Năm 2020, chị đã quyết tâm chuyển đổi từ hoa màu sang trồng dưa lưới. Nghĩ là làm, chị đã đầu tư hơn 500 triệu đồng để xây dựng nhà kính trồng dưa lưới.

Vì sản xuất trong nhà kính, các vụ dưa được trồng nối tiếp nhau, trung bình 4 vụ/năm. Trong khi đó nếu trồng dưa lưới theo cách truyền thống ngoài đồng ruộng chỉ trồng được 1 vụ/năm vào những tháng giáp Tết, thời tiết ít mưa. Sau gần 4 năm thực hiện mô hình, năng suất duy trì ở mức khá cao, đạt khoảng 3 tấn/1000m2/vụ. Trừ chi phí vật tư nông nghiệp, giống, tiền công thợ chăm sóc... mỗi năm chị Hạnh thu lãi trên 500 triệu đồng.

image_123650291-13-.jpg
Mô hình dưa lưới áp dụng công nghệ cao đem lại năng suất và chất lượng vượt trội

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Là một trong 6 xã biên giới của huyện Châu Thành, xã Hoà Hội có diện tích gần 4.000 ha, toàn xã có 938 hộ gia đình với 3.980 nhân khẩu. Nông nghiệp vẫn là thế mạnh hiện nay của xã, ngoài cây lúa là chủ đạo, ngành nông nghiệp còn khai thác các lọai cây như: Mì, mía, rau đậu, đặc biệt là cây cao su với diện tích gieo trồng khoảng 1.000 ha. Gần đây, nhiều hộ nông dân đã chuyển sang trồng cây dưa lưới đã đem lại thu nhập cao hơn hẳn so với các cây trồng truyền thống.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoà Hội, những năm qua Hội đã giúp nông dân trong xã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là trồng dưa lưới áp dụng nông nghiệp công nghệ cao. Đã có nhiều gương nông dân tiêu biểu, nhiều mô hình liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả cao như: Mô hình trồng mít, xoài, dưa lưới, sản xuất chăn nuôi..., giúp người nông dân cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống.

Chia sẻ về việc người nông dân đổi đời nhờ dưa lưới, đại diện Phòng NN và PTNT huyện Châu Thành cho biết, mô hình trồng dưa lưới áp dụng công nghệ cao cho năng suất và chất lượng nông sản vượt trội so với trước. Việc chủ động chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi quy cách sản xuất được ngành chức năng địa phương khuyến khích thực hiện.

Qua đó, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu ngay trên chính đất của mình. Đây cũng là chủ trương nhằm tổ chức lại sản xuất nông nghiệp ở một số khu vực để khai thác những tiềm năng, lợi thế về đất đai và lao động của địa phương.

Ngoài ra, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa còn nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, sử dụng, khai thác hợp lý nguồn tài nguyên đất, nước, đa dạng hóa sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng thu nhập cho người nông dân trong quá trình sản xuất.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Châu Thành có hàng trăm hộ trồng dưa lưới ứng dụng khoa học công nghệ đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ngành nông nghiệp của huyện luôn đồng hành hỗ trợ người trồng dưa vay vốn lãi suất thấp, kỹ thuật canh tác, đồng thời kết nối với các đơn vị bao tiêu sản phẩm giúp người dân yên tâm sản xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tây Ninh: Ngọt thanh dưa lưới trên vùng đất khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO