(TN&MT) - Tây Nguyên đang bước vào cao điểm mùa khô, hàng nghìn hộ dân và hàng chục héc-ta cây trồng đang phải sống trong cơn khát lịch sử. Trong khi đó, một số công trình thủy lợi nhiều tỷ đồng được đầu tư xây dựng với mục đích dân sinh lại đang trong cảnh bỏ hoang ngay sau khi hoàn thành hoặc đang xây dựng dở dang phải “đắp chiếu” chờ vốn, chờ các hạng mục công trình.
Công trình thủy lợi Đắk Huar bỏ hoang từ khi hoàn thành (năm 2009) |
Bỏ hoang ngay sau khi hoàn thành
Tháng 10/2008, tranh thủ nguồn vốn vay Quỹ Kuwail (vốn vay đầu tư cho các dự án thủy lợi), tỉnh Đắk Lắk đồng ý cho huyện Buôn Đôn xây dựng thủy lợi Đắk Huar với tổng kinh phí 7,5 tỷ đồng. Với mục đích chống hạn cho 300 ha (trong đó 100ha dự kiến sẽ khai hoang khi có công trình) lúa 2 vụ xã Ea Huar và giải cứu cơn khát cho những cánh đồng lân cận của xã Krông Na, đúng 1 năm sau (tháng 10/2009), công trình thủy lợi Đắk Huar đã nhanh chóng hoàn thành tất cả các hạng mục. Nhưng từ đó đến nay, công trình thủy lợi Đắk Huar vẫn chưa thể đưa vào sử dụng vì chưa được tích nước để chống hạn.
Ông Nguyễn Khắc Hùng - Chủ tịch UBND xã Ea Huar, cho biết: “Ea Huar là một xã nghèo (tỉ lệ nghèo gần 40%) vùng III và có diện tích lúa nước khá lớn. Thế nhưng, năm nào bà con trong xã cũng phải chạy đua theo nguồn nước, gieo trồng trước thời vụ mới mong đủ nước tươi cho vụ lúa thứ 2. Biết là năng suất, sản lượng lúa sẽ giảm rất nhiều nhưng chẳng còn cách nào khác vì thủy lợi Đắk Huar vẫn chưa thể tích nước để cung cấp cho địa bàn”.
Công trình thủy lợi Đắk Huar bỏ hoang từ khi hoàn thành (năm 2009) |
Theo ông Dương Văn Xanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn, công trình thủy lợi Đắk Huar có diện tích bao chiếm 95ha, trong đó có 11,2ha là đất của rừng phòng hộ do BQL rừng phòng hộ Buôn Đôn quản lý. Theo Nghị định 23/2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, diện tích bao chiếm nếu là đất rừng thì phải thực hiện trồng lại rừng. Tuy nhiên, 7 năm sau Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn mới ban hành Thông tư 24/2013 hướng dẫn thi hành Nghị định 23 của Chính phủ là phải thực hiện trồng lại rừng nằm trong diện tích bao chiếm để thực hiện thủy lợi Đắk Huar hoạt động.
“Hiện tại, một số hạng mục của thủy lợi Đăk Huar đang bị xuống cấp như mặt đập, bè kè, kênh mương... Trong đó, nhiều đoạn mặt đập bị lún sâu do xe tải trọng lớn cày xới, thân đập sẽ bị ảnh hưởng về mặt kỹ thuật do không tích nước trong thời gian dài. Chúng tôi đã lập hồ sơ trình UBND tỉnh phương án chuyển đổi mục đích sử dụng của 11,2ha đất lâm nghiệp sang đất thủy lợi nhưng hiện UBND tỉnh vẫn chưa có chỉ đạo” - ông Xanh nói.
Nhiều hạng mục tại thủy lợi Đắk Huar đã hư hỏng, xuống cấp |
Nước đầy hồ, ruộng chết khát
Giữa cao điểm mùa khô, mực nước tại sông Ba ngày càng cạn kiệt, nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất của cư dân 2 bên sông của huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) càng trở nên cấp thiết. Trong khi đó, lượng nước tại hồ chứa thủy lợi Ia Mláh đã được tích đầy từ nhiều năm nay lại không thể giải phóng để cứu hạn. Ông Rah Lan Klil (SN 1957, ở xã Phú Cần, huyện Krông Pa) bức xúc: “Người ta chặn dòng, tích nước từ nhiều năm nay nên nước ở hồ chứa Ia Mláh lúc nào cũng đầy ắp, có khi còn tràn qua cả QL25. Thế mà từ năm 2009 đến nay, ruộng lúa vụ Đông - Xuân của nhà mình năm nào cũng bị hạn do không có kênh mương để đưa nước về tưới”.
Được biết, công trình thủy lợi Ia Mláh (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) là công trình trọng điểm của huyện, có tổng kinh phí hơn 750 tỷ đồng và được khởi công từ năm 2005. Theo thiết kế, hồ thủy lợi Ia Mláh có dung tích chứa khoảng 54 triệu m3, có năng lực tưới trên 5.000 ha cho các loại cây trồng và cung cấp nước sinh hoạt cho 36.000 hộ dân (chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số) ở 6 xã thuộc vùng sâu, vùng xa và vùng đặc biệt khó khăn của huyện Krông Pa.
Sau khi suối Ia Mláh được chặn dòng (năm 2007), khu đầu mối cùng hàng chục km kênh mương chính, kênh cấp I và tuyến đường kiên cố từ thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa) đến công trình dài 17km đã hoàn thành, đưa vào sử dụng vào năm 2009. Nhưng mãi đến năm 2012, Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai mới bắt tay vào xây dựng kênh cấp II, cấp III và kênh mương nội đồng. Do chưa hoàn thiện hệ thống kênh mương này và còn hơn 1.200ha đất chưa được san ủi mặt bằng thành ruộng lúa nước hai vụ nên đến nay, hồ thủy lợi này mới chỉ tưới cho 460ha lúa và 1.840ha hoa màu do người dân tự khai hoang hoặc cánh đồng trước đây sử dụng nước trạm bơm điện.
Hồ thủy lợi Ia Mláh không thể cấp nước tưới vì chưa hoàn thiện hệ thống kênh dẫn |
10 năm “chờ” thủy lợi nghìn tỷ
Công trình thủy lợi Ia Mơr (nằm trên địa bàn xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) là công trình đại thủy nông lớn thứ 2 tại khu vực Tây Nguyên (đứng sau công trình thuỷ lợi Ayun Hạ), được Chính phủ phê duyệt dự án đầu tư xây dựng từ năm 2005 với tổng kinh phí hơn 1.200 tỷ đồng. Theo kế hoạch, công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2010, cung cấp nước tưới cho 12.500ha cây trồng (hơn 7.300ha lúa 2 vụ và hơn 5.100 ha đất màu và cây công nghiệp) tại huyện Chư Prông và huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk). Bên cạnh đó, công trình còn thực hiện thêm nhiệm vụ phát điện, kết hợp du lịch với nuôi trồng thủy sản, cung cấp nước sinh hoạt cho 50.000 dân, giảm lũ cho vùng hạ lưu…
Nhưng do nhiều nguyên nhân, dự án bị đình trệ trong một thời gian dài và đến năm 2011 mới được triển khai lại. Thủy lợi Ia Mơ được Bộ NN&PTNT xây dựng phần đập đầu mối, công trình kênh cấp I, cấp II còn kênh tưới diện tích từ 150 ha trở xuống và xây dựng đồng ruộng do địa phương làm chủ đầu tư. Hiện tại, Ban Quản lý Đầu tư và xây dựng Thủy lợi 8 (được Bộ NN&PTNT giao làm chủ đầu tư) cho biết đã hoàn thành bàn giao hợp phần Đập dâng Ia Lốp, hồ chứa nước Plei Pai và hoàn thành hơn 50% Cụm công trình đầu mối hồ Ia Mơr. Nhưng do triển khai chậm nhiều năm, tổng kinh phí dự kiến hoàn thành công trình đã lên đến hơn 4.000 tỷ đồng, lệch gần 3.000 tỷ đồng so với kinh phí được Chính phủ phê duyệt ban đầu.
Theo Ban Quản lý Đầu tư và xây dựng Thủy lợi 8, do khu vực thủy lợi Ia Mơr nằm ngay giữa vùng rừng khộp của xã Ea Mơr, có diện tích mặt hồ lên đến 11,13km2 nên toàn bộ khu vực xây dựng công trình và khai hoang đồng ruộng cả đồng ruộng đều trong diện tích đất rừng. Ngoài việc Bộ NN&PTNT chưa bố trí vốn để đền bù giải phóng mặt bằng vệ sinh lòng hồ (30 tỷ đồng) và kinh phí để trồng lại rừng thay thế khu vực lòng hồ (khoảng 170 tỷ đồng), việc xây dựng lòng hồ Ia Mơr bị “thắt nút” khi có 1.900ha rừng đang nằm chờ quyết định thu hồi. Được biết, UBND tỉnh Gia Lai đã họp nhiều lần và đề xuất đơn vị chủ quản là Bộ NN&PTNT trình Chính phủ và Quốc hội xem xét cho chuyển đổi rừng nghèo khu vực lòng hồ và khu vực khai hoang đồng ruộng, đồng thời bố trí có vốn tỉnh mới triển khai việc của mình. Nhưng hiện tại, sự việc vẫn chưa có quyết định cuối cùng.
Bài & ảnh: Lê Phước