(TN&MT) - Vốn mệnh danh là “vàng trắng”, cây cao su từng được người dân khu vực Đông Nam bộ, Tây Nguyên ồ ạt trồng và chăm bẵm. Thế nhưng, liên tục mấy năm qua, giá mủ cao su không ngừng “lao dốc” khiến các nông hộ rơi vào cảnh khốn khó. Để tự cứu lấy mình, nhiều nông dân ở các tỉnh Tây Nguyên đã chấp nhận phá bỏ hàng trăm hecta cao su sau nhiều năm dày công chăm sóc để chuyển sang trồng loại cây khác.
Điệp khúc chặt - trồng
Dẫn chúng tôi thăm vườn cao su hơn 7 năm tuổi vừa bị chặt bỏ, anh Phạm Văn Mạnh, nông dân ở xã Ia Phìn, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) thở dài ngao ngán: “Chăm sóc gần 8 năm trời 5 hecta, đến khi bắt đầu thu hoạch thì mủ cao su rớt giá thảm hại, chưa kể cây bị bệnh nhiều và ít mủ. Với đà này, nếu tiếp tục khai thác thì cầm chắc là lỗ. Tính tới tính lui, gia đình tôi quyết định chặt bỏ 3 hecta để chuyển sang trồng cà phê, số còn lại sang năm phá tiếp vì hiện tại chưa đủ tiền thuê nhân công. Như vậy, mấy trăm triệu gia đình đổ vào cây cao su và công sức chăm sóc gần 8 năm trời xem như là mất trắng”.
Ở xã Ia Phìn, những nông hộ rơi vào tình cảnh như gia đình anh Phạm Văn Mạnh không phải là hiếm. Dọc theo những tuyến đường nhựa cấp phối, nhiều vườn cao su tiểu điền mới ngày nào xanh mướt, thẳng tít tắp, giờ trở nên hoang tàn xơ xác. La liệt trên nền đất đỏ là những cành, rễ cao su bật gốc, nằm ngổn ngang héo úa. Thay vào đó là những cây cà phê, hồ tiêu vừa được người dân trồng mới.
Những vườn cao su “may mắn” chưa bị chủ nhân chặt bỏ thì cũng bị người dân “ngoảnh mặt” làm ngơ. Nhiều vườn cao su đang thời kỳ thu hoạch nhưng nông dân vẫn không muốn thu. Tính sơ sơ, toàn xã Ia Phìn có hơn 110 hecta cao su tiểu điền đã bị bỏ mặc vì giá mủ tươi hiện xuống thấp đến mức kỷ lục (chỉ còn 3.000 đồng – 4.000 đồng/ kg mủ tươi).
Từng được xem là “vàng trắng”, nay cây cao su ở Tây Nguyên bị nông dân “ngoảnh mặt”
Không chỉ huyện Chư Prông mà một số địa bàn khác ở tỉnh Gia Lai như Ia Grai, Đăk Đoa… cũng xuất hiện tình trạng người dân chặt bỏ cây cao su để tiến hành trồng một số loại cây khác. Tình trạng này cũng xảy ra ở một số địa bàn trọng điểm cây cao su của tỉnh Kon Tum như: Huyện Sa Thầy, Ngọc Hồi, Đăk Hà, TP Kon Tum… Chỉ tính riêng xã biên giới Sa Nhơn (huyện Sa Thầy), đã có gần 20 hecta cao su bị người dân đốn hạ, trong đó có cả diện tích mới bắt đầu vào thời kỳ thu hoạch. Hộ thấp nhất cũng trên 1 hecta, hộ cao nhất lên đến 3 - 4 hecta. Chừng ấy cao su bị chặt bỏ, chưa tính công bỏ ra thì số tiền người dân đầu tư bị mất đi chắc chắn ở con số hàng chục tỷ đồng.
Trên thị trường Tây Nguyên, hiện nay một ngày công cạo mủ thấp nhất là 150.000 đồng/ngày/người, nhưng số mủ thu về may mắn lắm chỉ bán được chưa tới 100.000 đồng. Không có tiền thuê nhân công, nhiều nông hộ cho công nhân cạo mủ theo tỷ lệ ăn chia là 50 – 50, thế nhưng cũng không ai mặn mà. Vì thế, chặt bỏ và bỏ mặc là cách mà người nông dân bất đắc dĩ phải lựa chọn trong tình cảnh hiện tại.
Hệ lụy
Cách đây hơn nửa thập niên, cây cao su được người nông dân xem như “vàng trắng”, giúp họ phát triển kinh tế gia đình. Vào thời điểm đó, người người, nhà nhà ồ ạt đổ tiền trồng cao su mà không mảy may quan tâm đến chất lượng cây giống, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và cả quy luật cung cầu của thị trường. Chính vì vậy, diện tích cây cao su trên địa bàn hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum không ngừng tăng cao. Cơn sốt “vàng trắng” khiến nhiều nông hộ không ngại ngần mua cả những cây giống trôi nổi về trồng và đến nay rất nhiều hộ đang phải nếm quả đắng. Thiếu niềm tin nhất với cây cao su thời điểm hiện nay là những hộ dân bất chấp mọi khuyến cáo để trồng nhanh, trồng vội và trồng bằng mọi giá. Tin vào khả năng sinh lợi của cây cao su, nhiều hộ gia đình bỏ qua khả năng kinh tế hạn hẹp. Họ vay mượn đầu tư với cách tính đơn giản rằng, sau khi trừ đi mọi chi phí sẽ là lợi nhuận dài dài. Với những hộ gia đình trồng xen canh thì còn đỡ, riêng với những hộ gia đình trồng độc canh, thật sự là một bài toán nan giải.
Theo số liệu thống kê, hiện tổng diện tích cây cao su toàn tỉnh Gia Lai là 120.000 hecta (chiếm tỷ lệ 3/5 diện tích toàn khu vực Tây Nguyên), trong đó có khoảng 21.000 hecta cao su tiểu điền. Còn ở Kon Tum, sau nhiều chính sách ưu tiên phát triển, diện tích cao su tiểu điền chiếm hơn 29.500 hecta trong tổng diện tích 75.500 hecta cao su toàn tỉnh. Không thể phủ nhận, trong nhiều năm liền cây cao su thực sự đã giúp người dân các tỉnh này phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, với cách làm theo phong trào cùng với cách khai thác không đúng kỹ thuật, cạo lấy cạo được trong những thời điểm cây cao su đang có giá, đã làm cho cây cao su bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều vườn cao su sau gần 20 năm khai thác đã bị khô cây, đứt mủ dù chưa hết thời kỳ kinh doanh. Bên cạnh đó, suốt mấy năm qua giá mủ cao su liên tục “lao dốc”, tiền bán mủ không đủ công khai thác nên người dân chặt bỏ một lượng lớn cao su tiểu điền để thay bằng loại cây trồng khác.
Thực tế là không riêng gì cây cao su, mà hàng chục năm qua, người nông dân khu vực Tây Nguyên thường luẩn quẩn trong vòng xoáy chặt - trồng các loại cây công nghiệp dài ngày, ngắn ngày, mà thiệt hại cuối cùng đương nhiên người gánh chịu là chính họ. Hẳn ai cũng biết, có một thời gian dài cây mía ở Gia Lai bị phơi trắng đồng vì không bán được, rồi việc người nông dân ồ ạt trồng cây mì, cây ớt…, bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng, để sau khi thu hoạch phải chất đống đầy sân. Và bây giờ là cây cao su. Tuy nhiên khác với một số loại cây ngắn ngày khác, từ khi bắt đầu trồng cho tới khi cây cao su cho thu hoạch mủ phải mất ít nhất 6 - 7 năm. Trong thời gian đó, chi phí để đầu tư cho vườn cao su rất cao (trung bình khoảng 60 triệu/hecta/năm). Hiện nay, chỉ vì giá mủ đang xuống thấp, người dân chặt phá để trồng cây khác nhằm giải quyết nhu cầu trước mắt. Tuy nhiên, nếu thời gian tới giá cao su bất ngờ tăng trở lại thì việc trồng mới sẽ lại tiêu tốn rất nhiều tiền của. Rồi những cây cà phê, hồ tiêu được người dân ồ ạt trồng mới sẽ dẫn đến tình trạng “cung vượt cầu”, mất giá…
Bài và ảnh: Thục Vy