(TN&MT) - Trước tình hình dịch cúm gia cầm bùng phát trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Kon Tum vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến bàn biện pháp ngăn chặn và kiểm soát dịch. Tại hội nghị, Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum đã báo cáo tình hình dịch cúm gia cầm và công tác phòng-chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn.
Theo đó, từ ngày 26/1 đến 16/2, dịch cúm gia cầm H5N1 đã xuất hiện tại 4 xã, phường của các huyện Ngọc Hồi, Sa Thầy và thành phố Kon Tum, với hơn 4.000 con gia cầm mắc bệnh; đã tiến hành tiêu hủy trên 8.400 con gia cầm và 3.200 quả trứng. Sau khi dịch cúm bùng phát, Chi cục Thú y tỉnh Kon Tum đã kiểm tra, xác minh, hướng dẫn các địa phương tiêu hủy toàn bộ gia cầm tại các hộ có đàn gia cầm mắc bệnh, vệ sinh khử trùng tiêu độc, thực hiện các biện pháp bao vây ổ dịch và phòng-chống dịch theo quy định; kịp thời cấp phát tạm ứng trên 60.000 liều vắc xin cúm gia cầm, 10.000 lít hóa chất Bencocit và các trang-thiết bị cần thiết để triển khai tiêm phòng cho đàn gia cầm và khử trùng tiêu độc môi trường, nhất là các địa phương xảy ra dịch; phân công cán bộ phụ trách địa bàn để theo dõi, hướng dẫn công tác phòng chống dịch tại các địa phương.
Trong một diễn biến khác, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Kon Tum về việc tạm dừng xuất, nhập, quá cảnh gia cầm trên địa bàn, trong những ngày qua, Trạm Kiểm dịch động vật Sao Mai phối hợp với Đội tuần tra kiểm soát giao thông số 1, Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh Kon Tum đã siết chặt kiểm tra, kiên quyết xử lý các vụ vi phạm chuyên chở gia cầm không rõ nguồn gốc đi qua địa bàn. Cụ thể, từ ngày 12/2 đến nay, lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện và thu giữ hơn 2.200 con gà, 38.000 quả trứng vịt và 100kg trứng cút cùng hàng trăm kg xương động vật vận chuyển trên xe khách đi qua địa bàn. Qua kiểm tra, lái xe đều không xuất trình được giấy kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật. Toàn bộ tang vật thu giữ được đều được lập biên bản xin ý kiến ngành chức năng xử lý. Đáng chú ý, trưa ngày 16/2, qua kiểm tra xe khách BKS 98K-8595 đang lưu thông trên đường Hồ Chí Minh (đoạn qua TP Kon Tum), hành trình từ tỉnh Bắc Giang vào tỉnh Đắk Lắk, lực lượng chức năng tỉnh Kon Tum đã phát hiện trên xe có chở 800 con gà con và xương ngựa. Chủ xe là Hoàng Phúc Khánh, thường trú huyện Tân Yên (tỉnh Bắc Giang), không xuất trình được giấy chứng nhận kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật xuất ngoài tỉnh.
Ngày 17/2, UBND tỉnh Kon Tum cũng đã chỉ đạo Công an tỉnh, Sở Công thương phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh Kon Tum bố trí lực lượng siết chặt công tác kiểm tra, kiểm soát tình hình vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm tại các Trạm kiểm dịch động vật đầu mối là Măng Khênh (huyện biên giới Đăk Glei), Vi-ô-lăk (huyện Kon Plông) và Sao Mai (TP Kon Tum).
Trước tình hình dịch cúm gia cầm lây lan rất nhanh tại hai tỉnh Kon Tum và Đắk Lắk, các địa phương giáp ranh với tỉnh Gia Lai, việc tăng cường các giải pháp để chủ động phòng-chống dịch cúm gia cầm xâm nhập vào địa bàn tỉnh được UBND tỉnh Gia Lai xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hiện nay. Ông Hồ Quang, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Chư Pah (tỉnh Gia Lai), địa phương tiếp giáp với tỉnh Kon Tum cho biết: Trạm Thú y huyện đã chỉ đạo cán bộ thú y các xã bám sát địa bàn, bám hộ dân nắm bắt kịp thời diễn biến của đàn gia cầm để có giải pháp xử lý kịp thời, nếu phát hiện gia cầm nhiễm bệnh cúm. Cán bộ Trạm thường xuyên kiểm tra tình hình chăn nuôi tại các xã, đặc biệt các xã giáp ranh với tỉnh Kon Tum là Ia Khươl, Ia Phí; tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình hình bán chạy gia cầm tại các xã này; đồng thời khuyến cáo nhân dân trên địa bàn huyện không sử dụng thịt gia cầm bán chạy để phòng ngừa tình trạng cúm gia cầm lây qua người.
Công tác phòng-chống bệnh cúm gia cầm xâm nhập vào địa bàn tỉnh tại Trạm kiểm dịch động vật Ia Khươl (huyện Chư Pah) diễn ra hết sức nghiêm túc. Ông Nguyễn Thế Kỳ, Trạm trưởng Trạm kiểm dịch động vật Ia Khươl cho biết: Trong quá trình chốt chặn, kiểm soát tình hình vận chuyển gia cầm trên đường Hồ Chí Minh, lực lượng làm nhiệm vụ tại Trạm chưa phát hiện trường hợp vận chuyển gia cầm từ tỉnh Kon Tum xâm nhập vào tỉnh Gia Lai. Dù vậy, lực lượng được phân công làm nhiệm vụ tại Trạm vẫn duy trì trực chốt chặn, kiểm soát tình hình vận chuyển gia cầm, các phương tiện lưu thông 24/24 giờ với quyết tâm không để lọt tình trạng vận chuyển gia cầm mang mầm bệnh từ Kon Tum xâm nhập vào tỉnh lây lan cho đàn gia cầm.
Tại một hướng khác, tuyến quốc lộ 19, ông Nguyễn Văn Quý, Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch động vật Song An (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai), địa bàn giáp ranh với tỉnh Bình Định, cho biết: Trạm thực hiện nghiêm chế độ trực kiểm soát, phát hiện và xử lý các trường hợp vận chuyển gia cầm xâm nhập vào tỉnh theo đúng nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công điện số 04/CĐ-UBND ngày 23/1/2014 về việc tăng cường thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng-chống dịch cúm gia cầm A/H5N1, A/H7N9 và A/H10N8 trên gia cầm và người. Quá trình kiểm tra, kiểm soát chưa phát hiện trường hợp vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm quy mô lớn xâm nhập vào tỉnh, mà chỉ phát hiện các trường hợp vận chuyển nhỏ lẻ chủ yếu từ địa bàn tỉnh Bình Định vào Gia Lai. Theo đó, Trạm đã phát hiện, xử lý trả về nơi xuất phát 15 trường hợp vận chuyển gần 1.700 con gà và 5.700 quả trứng xâm nhập vào tỉnh.
Nhờ chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm xâm nhập vào tỉnh nên đến thời điểm này đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh Gia Lai phát triển ổn định. Tuy nhiên, trước diễn biến dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp hiện nay, việc tăng cường các giải pháp phòng-chống dịch bệnh xâm nhập luôn được cơ quan chuyên môn chú trọng đúng mức. Ông Dương Ngọc Thanh, Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh Gia Lai cho hay, tình hình dịch cúm gia cầm diễn biến rất khó lường, các tỉnh giáp ranh với Gia Lai đã có dịch xảy ra, do đó nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh khá cao. Từ thực tế trên, Chi cục Thú y tỉnh Gia Lai cũng đã chỉ đạo trạm thú y các huyện, thị xã, thành phố giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh gia cầm, nhất là những khu vực có nguy cơ cao nhằm phát hiện sớm xử lý kịp thời các ổ dịch, chuẩn bị lực lượng, đảm bảo cơ số vật tư, hóa chất cần thiết để ứng phó kịp thời khi có dịch xảy ra, duy trì hoạt động thường xuyên hoạt động ban chỉ đạo phòng-chống dịch tới cấp xã, thành lập đội giám sát chăn nuôi, vận chuyển, buôn bán giết mổ gia cầm.
Thục Vy