Những năm trước, vào thời điểm sau Tết, các tàu thuyền và ngư dân Thanh Hóa lại tất bật với những chuyến khơi xa. Tuy nhiên, năm nay, do giá xăng dầu tăng cao, ngư dân không thể vươn khơi đánh bắt. Trước thực trạng trên khiến cho nhiều tàu cá phải liên tục nằm bờ.
Vừa cập bến sau chuyến biển đầu năm mới, ngư dân Trần Phú Tiến (50 tuổi, chủ tàu cá TH 90383, xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) lắc đầu ngao ngán vì chuyến ra khơi đầu năm đã lỗ nặng.
Tàu cá của gia đình anh Tiến là tàu công suất 400 CV, mỗi chuyến đi thường kéo dài 12- 15 ngày. Những năm trước, mỗi chuyến đi trừ chi phí cũng lãi từ 15- 30 triệu đồng.
Trong chuyến ra khơi đầu năm vừa rồi tàu cá của anh chỉ đánh bắt được 80 triệu đồng, trừ chi phí anh Tiến lỗ 10 triệu đồng. Nguyên nhân là do giá dầu tăng cao, chi phí mua dầu cho chuyến đi đã mất 30 triệu đồng (tương đương 1.500 lít).
"Tổng thu của chuyến vừa rồi được 80 triệu đồng, nhưng tiền dầu đèn và ăn uống mất 40 triệu, lương cho thợ 20 triệu đồng, tiền tu sửa lại ngư lưới cụ mất 30 triệu đồng. Nếu giá dầu như trước kia thì coi như hòa vốn, nhưng vì dầu tăng giá nên chuyến vừa rồi tôi lỗ 10 triệu đồng, sau chuyến này chắc tôi tạm nghỉ đợi dầu giảm giá mới dám ra khơi", anh Tiến chia sẻ.
Cũng theo anh Tiến, ngoài vấn đề nhiên liệu tăng giá, kèm theo đó là ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến giá hải sản bán ra cũng bấp bênh. Thu nhập thấp khiến nhiều ngư dân cũng không còn mặn mà dẫn đến việc tìm thợ đi biển cũng khó khăn.
Theo ông Lê Thanh Cảnh, Chủ tịch UBND xã Hoằng Trường, toàn xã hiện nay có 103 tàu thuyền đánh bắt xa bờ với công suất trên 400 CV. Những ngày vừa qua xăng, dầu tăng giá đã ảnh hưởng lớn đến việc ra khơi và thu nhập của ngư dân. Trên địa bàn không có chuyện khan hiếm xăng, dầu cung cấp cho người dân. Tuy nhiên, giá tăng ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập nên nhiều chủ tàu vẫn chưa ra khơi từ tết.
Tương tự, những ngày cuối tháng Giêng (tức tháng 2 Dương lịch), theo ghi nhận tại cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn, không khí của nghề đánh bắt hải sản cũng ảm đạm. Ở thời hiện tại ở cảng vẫn còn hàng trăm tàu thuyền neo đậu chưa ra khơi.
TP. Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa) là nơi có số lượng tàu thuyền lớn nhất trong tỉnh với hơn 1.700 phương tiện các loại và gần 5.500 lao động đang sống bằng nghề đánh bắt.
Anh Nguyễn Văn Nhất, chủ tàu cá TH 5006 (phường Quảng Cư, thành phố Sầm Sơn) cho biết như mọi năm thì anh sẽ ra khơi vào khoảng 18- 20 Âm lịch. Tuy nhiên, năm nay do gió mùa lạnh và xăng, dầu tăng giá nên anh ra khơi chuyến đầu năm muộn hơn. Cũng vì đại lý thu mua cho nợ tiền dầu nên cứ đi đã, thua lỗ gì về tính sau.
Còn tại cảng cá Hòa Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) cũng ghi nhận hàng chục tàu thuyền công suất 400CV trở lên đang nằm neo đậu. Theo ông Lê Văn Thăng - Giám đốc cảng cá Hòa Lộc cho biết những tàu cá nhỏ, đánh bắt gần bờ vẫn cố bám trụ ra khơi vì có thể hòa vốn hoặc lỗ ít. Còn lại những tàu cá có công suất lớn, các chủ tàu không dám ra khơi vì chi phí xăng dầu cho mỗi chuyến đi rất lớn. Trước tình hình giá dầu tăng cao, nếu đi xa từ 10 -15 ngày xác định sẽ lỗ, nên các chủ tàu chỉ đành neo đậu để chờ đợi. Hiện tại có gần 50 tàu công suất 400CV trở lên đang neo đậu từ trước tết.
Với tình trạng giá xăng dầu tăng vọt đã khiến nhiều ngư dân không thể ra khơi, ảnh hưởng lớn đến kinh tế gia đình. Trước tình hình đó, nhiều ngư dân mong muốn cơ quan chức năng cần có chính sách bình ổn giá xăng dầu và những hỗ trợ để tạo điều kiện cho họ tiếp tục vươn khơi đánh bắt thủy sản và bám biển.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, tổng số tàu cá khai thác thủy, hải sản trong toàn tỉnh là hơn 7.000 chiếc. Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Thủy sản) quản lý loại tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 m trở lên là 2.265 chiếc; cấp huyện, cấp xã quản lý tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12 m là 4.826 chiếc.