Tàu cá bỏ hoang đang là nguồn gây ô nhiễm nghiêm trọng tại cảng cá Sa Huỳnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Phước Ngọc |
Đúng như bạn đã biết, hiện nay, rất nhiều cảng cá trên cả nước có tồn đọng những xác tàu bỏ hoang, gây ô nhiễm môi trường. Để khắc phục tình trạng này, chính quyền địa phương phải tăng cường tuyên truyền, vận động và yêu cầu chủ tàu lên phương án tháo dỡ và vận chuyển tàu đến nơi quy định. Nếu không xác định được chủ tàu, chính quyền địa phương phải phối hợp với Ban quản lý cảng cá, Cảng vụ hàng hải để thống nhất phương án tháo dỡ.
Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định số 82/2019/NĐ-CP quy định về nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng, việc phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng chỉ được thực hiện tại cơ sở phá dỡ tàu biển đã được đưa vào hoạt động theo quy định.
Có nghĩa là, khi muốn tháo dỡ tàu đã qua sử dụng, chủ tàu hoặc chính quyền địa phương phải ký hợp đồng tháo dỡ với 1 đơn vị chuyên môn đã được cấp phép theo quy định. Đơn vị này phải đáp ứng đủ các yêu cầu như:
- Có cầu cảng, luồng hàng hải đã được công bố theo quy định tại Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải.
- Có đủ điều kiện về bảo vệ môi trường đối vái cơ sở phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng theo quy định tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường.
- Có nhân lực, quy trình kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và phương án xử lý sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng theo quy định tại Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động.
- Có đủ điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy, phương án chữa cháy theo quy định tại Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy.
Đặc biệt, trước khi tiến hành phá dỡ từng tàu biển, chủ cơ sở phá dỡ tàu biển phải lập, phê duyệt phương án phá dỡ tàu biển theo quy định. Trong đó, nội dung phương án tháo dỡ phải có đầy đủ các biện pháp về: An toàn lao động, vệ sinh môi trường; phòng, chống cháy, nổ và phòng, chống ô nhiễm môi trường.