Tham dự cuộc họp có PGS.TS Trần Hồng Thái – Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV; ông Lê Hồng Phong - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV; ông Hoàng Đức Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV; lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các đơn vị: Viện Khoa học KTTV&BĐKH, Viện Địa chất & Khoáng sản cùng các đơn vị dự báo thuộc Tổng cục KTTV ở Trung ương.
Cuộc họp trực tuyến công tác dự báo bão số 3 còn có sự tham dự của các Đài KTTV khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, Đông Bắc, Việt Bắc, Tây Bắc, Bắc Trung Bộ và Đài KTTV các tỉnh: Hà Tĩnh, Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, Hòa Bình, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Cạn.
Tại cuộc họp, các chuyên gia dự báo tiếp tục thảo luận, phân tích kỹ hướng di chuyển, đường đi, cường độ, vùng tác động… của bão số 3. Theo đó, các chuyên gia nhận định, trong 3 giờ vừa qua bão số 3 hầu như ít di chuyển. Ở trạm Bạch Long Vĩ đã quan trắc được gió mạnh cấp 7, giật cấp 8.
Lúc 7 giờ hôm nay (02/8), vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,2 độ Vĩ Bắc; 109,1 độ Kinh Đông, cách đất liền các tỉnh Quảng Ninh-Hải Phòng khoảng 180km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 170km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 5-10km. Đến 19 giờ ngày 02/8, vị trí tâm bão ở khoảng 21,2 độ Vĩ Bắc; 107,8 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển Quảng Ninh-Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 12.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 5-10km, khoảng tối và đêm nay (02/8) đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thái Bình với sức gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10-11 sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 07 giờ ngày 03/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 21,0 độ Vĩ Bắc; 106,5 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh đồng bằng trung du Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.
Về vùng nguy hiểm trên biển trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8): Phía Bắc vĩ tuyến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 111,0 độ Kinh Đông.
Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành vùng áp thấp.
Cảnh báo gió mạnh và sóng lớn trên biển, các chuyên gia dự báo chỉ rõ, ở vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải, Vân Đồn) có gió mạnh dần lên cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, giật cấp 12. Sóng biển cao từ 3-5m, biển động rất mạnh. Vùng ven biển Quảng Ninh-Hải Phòng đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao từ 4,0-4,5m.
Về gió mạnh trên đất liền, các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng từ sáng nay (02/8) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10-11. Các tỉnh ven biển từ Thái Bình đến Thanh Hóa từ trưa nay có gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 9-10. Từ chiều tối nay ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ có gió giật mạnh cấp 6-7.
Phân tích về diễn biến mưa, các chuyên gia dự báo, từ nay đến ngày 04/8, ở Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 100-300mm/đợt, riêng khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa 200-400mm/đợt).
Riêng khu vực Hà Nội có mưa, mưa vừa; từ chiều và đêm nay (02/8) có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 250mm), từ chiều tối nay có gió mạnh dần lên cấp 5, giật cấp 6-7. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3.
Cũng tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV cho biết, Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai Quốc gia vừa ra quyết định ngay từ trưa nay (02/8) thực hiện truyền thông về bão số 3 một giờ một lần. Ngay sau cuộc họp trực tuyến này, Trung tâm Dự báo KTTV sẽ thực hiện theo chỉ đạo; đề nghị các Đài KTTV địa phương thường xuyên cập nhật thông tin để các địa phương và người dân kịp thời theo dõi và có giải pháp ứng phó.
Sau khi lắng nghe các ý kiến thảo luận tại cuộc họp trực tuyến, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị mỗi buổi thảo luận phải đưa ra được một số vấn đề tập trung, tránh việc cứ lặp đi lặp lại những nội dung chuyên môn mà bỏ qua các dấu hiệu nhỏ của sự thay đổi.
Thứ trưởng cũng đề nghị qua hệ thống các Đài KTTV khu vực, Đài KTTV tỉnh truyền tải các nội dung mà chúng ta vừa trao đổi đến các Ban Chỉ huy PCTT các cấp. Truyền thông của Bộ cũng cần cho thấy sự thay đổi và bám sát sự thay đổi trong diễn biến của cơn bão số 3.
“Đề nghị các đơn vị tiếp tục theo dõi những diễn biến phức tạp của cơn bão; mỗi khi phát hiện sự thay đổi thì trong hệ thống chuyên môn của chúng ta đến các Đài KTTV khu vực, Đài KTTV tỉnh, bằng các đầu mối ở địa phương để cảnh báo sự thay đổi đến các cơ quan phòng chống thiên tai”, Thứ trưởng Lê Công Thành yêu cầu.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của rủi ro thiên tai, Thứ trưởng cho rằng, ngành KTTV có đầu mối ở khắp mọi nơi, chúng ta có liên hệ với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp, đến cấp huyện... Cho nên, ngoài thông tin KTTV cần đặc biệt quan tâm đến rủi ro thiên tai ở cấp địa phương.
“Đây là một nhiệm vụ không còn mới nữa nhưng cần được triển khai bài bản hơn. Chúng ta phải cảnh báo được cấp độ rủi ro thiên tai bao gồm cả nhận thức của các cấp lãnh đạo và người dân ở khu vực sắp xảy ra thiên tai... Đề nghị Tổng cục KTTV trong quá trình xây dựng bản đồ rủi ro thiên tai cần nghiên cứu kỹ và triển khai ngay các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn; có như vậy mới sát thực tế và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai cho bà con ”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Khẳng định việc chia sẻ dữ liệu rộng rãi và sử dụng đúng cách là một cách để giảm nhẹ rủi ro thiên tai, Thứ trưởng đề nghị cần thay đổi tư duy về mặt sử dụng số liệu cho các đơn vị Bộ ngành ở trung ương và địa phương.