Tiếp nhận 620 thông tin phản ánh sai phạm về đất đai
Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Đoàn Thị Thanh Mỹ, thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2019 của Bộ, Tổng cục đã xây dựng và ban hành Kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Tổng cục. Theo đó, Tổng cục thực hiện thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngoài Khu, cụm công nghiệp trên địa bàn 5 tỉnh; thực hiện việc kiểm tra thi hành Luật Đất đai tại 5 tỉnh, thành phố; kiểm tra, đôn đốc việc xử lý các dự án đầu tư chậm đưa đất vào sử dụng 7 tỉnh, thành phố; kiểm tra việc rà soát, xử lý đối với các dự án khu đô thị, khu du lịch nghỉ dưỡng có quy mô sử dụng đất lớn tại 4 tỉnh.
Đặc biệt, Tổng cục đã kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nội dung Đề án “Tăng cường xử lý sai phạm trong quản lý sử dụng đất giai đoạn đến năm 2020” tại 5 tỉnh, thành phố. Kết quả đến nay, Tổng cục đã triển khai các đoàn thanh tra đạt 29%, kiểm tra đạt 100% kế hoạch đề ra.
Tổng cục Quản lý đất đai tiếp nhận 620 thông tin phản ánh sai phạm về đất đai. Ảnh: Hoàng Minh |
Ngoài ra, Tổng cục đã thực hiện nhiều Đoàn kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng, gồm: kiểm tra, xác minh thông tin do Truyền hình thông tấn đưa tin ngày 28/5/2019 “The moon VILLage Hòa Bình - dự án ma hay thực” tại xã Yên Quang, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình (Báo cáo số 13/BC-TCQLĐĐ ngày 7/6/2019); kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất của các dự án tâm linh chùa Bái Đính - Ninh Bình, Thiền viện Trúc Lâm - Vĩnh Phúc, Tam Chúc - Hà Nam, Hồ Núi Cốc - Thái Nguyên; tham gia Đoàn kiểm tra các dự án tại khu vực núi Chín Khúc, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa; kiểm tra, xử lý thông tin phản ánh của báo chí về quản lý sử sụng đất tại một số dự án trên địa bàn tỉnh Hà Giang; tham gia các đoàn công tác giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo do Thanh tra Bộ chủ trì tại Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Kiên Giang.
Bên cạnh đó, về công tác tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh vi phạm pháp luật đất đai, Tổng cục đã tiếp tục duy trì công tác tiếp nhận xử lý thông tin phản ánh của người dân và doanh nghiệp về những hành vi vi phạm trong quản lý và sử dụng đất thông qua đường dây nóng của Tổng cục. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện xử lý thông tin và tổ chức thành lập các tổ công tác tiến hành kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết đối với các vụ việc nổi cộm, gây bức xúc dư luận trên địa bàn cả nước.
Theo đó, trong năm 2019, Tổng cục đã tiếp nhận 620 thông tin phản ánh sai phạm về đất đai, trong đó: đã ban hành 350 văn bản chuyển địa phương yêu cầu xem xét, xử lý; 180 văn bản hướng dẫn công dân nêu kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết; chuyển Thanh tra Bộ xem xét, giải quyết 7 kiến nghị; các trường hợp còn lại do không đủ cơ sở, điều kiện để xem xét, giải quyết hoặc đơn đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Quyết liệt thanh tra, kiểm tra
Để thực hiện công tác này trong năm 2020, Phó Tổng Cục trưởng cho biết, Tổng cục sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch được duyệt. Duy trì và tăng cường công tác tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh qua đường dây nóng các vi phạm về lĩnh vực đất đai; nắm bắt, xử lý kịp thời các thông tin mà báo chí và dư luận quan tâm.
Tổng cục cũng kiến nghị Bộ TN&MT, tập trung chỉ đạo mạnh mẽ, thường xuyên công tác quản lý Nhà nước về đất đai; tăng cường làm việc và chủ động phối hợp với các Sở TN&MT để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là vướng mắc trong công tác đăng ký cấp Giấy chứng nhận; giao đất, cho thuê đất; xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai; bồi thường hỗ trợ, tái định cư; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, đổi mới phương pháp để nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra.