Tập trung sửa đổi quy định về góp vốn đầu tư điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản

Mai Đan| 12/04/2021 17:03

(TN&MT) - Chiều 12/4 tại Hà Nội, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam báo cáo Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên tình hình triển khai thực hiện sửa đổi Thông tư Liên tịch số 61/2014/TTLT-BTNMT-BKHĐT-BTC về việc hướng dẫn thủ tục góp vốn, quản lý vốn góp của Tổ chức cá nhân tham gia đầu tư điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản (Thông tư 61).

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Ông Vũ Văn Thắng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) cho biết: Từ năm 2014 đến tháng 12/2020, Tổng cục đã tiếp nhận 35 hồ sơ góp vốn điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; lập và phê duyệt 35 đề án, trong đó, 5 đề án không thực hiện, do tổ chức góp vốn không góp vốn đầu tư, 30 đề án đã và đang thực hiện.

Kết quả điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản bằng vốn góp của các tổ chức, cá nhân bước đầu đã phát hiện và làm rõ tiềm năng một số loại khoáng sản trong diện tích điều tra, đủ cơ sở tài liệu phục vụ quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản.

Về kết quả địa chất, các khu vực thực hiện các đề án đã xác định chính xác và khoanh định các phân vị địa tầng có mặt trong khu vực cũng như các yếu tố kiến trúc cấu tạo liên quan đến quặng hóa. Đặc biệt, các đề án thực hiện trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã phân chia được các phân vị địa tầng như đã phân chia chi tiết và chính xác hóa ranh giới giữa các phân vị địa chất phân bố trong vùng. Trong hệ tầng Thác Bà đã phát hiện khoáng sản wolfram phân bố với quy mô rộng rãi, có tiềm năng và là cơ sở để nghiên cứu các mỏ ẩn sâu. Công tác điều tra, đánh giá khu vực Hà Giang góp phần bổ sung cho thành lập bản đồ tỷ lệ 1:50.000 trong khu vực chưa đo vẽ.

Ông Vũ Văn Thắng đánh giá, các đề án điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản bằng nguồn vốn góp của tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư chưa nhiều, nhưng đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần giải quyết được các tồn tại như giảm được nạn khai thác trái phép, đặc biệt, đối với khoáng sản vàng; đánh giá được đối với khoáng sản trước đây chưa được chú ý như đá cảnh. Việc thực hiện các đề án điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản bằng nguốn vốn góp của tổ chức, cá nhân góp phần đẩy nhanh tiến độ điều tra cơ bản; làm rõ hơn tiềm năng tài nguyên khoáng sản để bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác của Trung ương hoặc địa phương.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, quyền lợi của nhà đầu tư không có (chỉ được ưu tiên sử dụng tài liệu và được ưu tiên cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản ở khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản); không có chế tài khi tổ chức cá nhân không thực hiện cam kết nộp đủ vốn đầu tư.

Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đề nghị Bộ trưởng Bộ TN&MT tiếp tục ủy quyền cho Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam phê duyệt đề án, báo cáo điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản bằng vốn góp của các tổ chức, cá nhân để tiếp tục thực hiện các đề án góp vốn của các tổ chức, cá nhân đang thực hiện dở dang.

Ông Vũ Văn Thắng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) báo cáo tại cuộc họp

Đồng thời, hoàn thiện quy định về góp vốn đầu tư thực hiện các đề án điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản để thay thế Thông tư 61 nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các đề án thuộc diện tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, góp vốn.

“Sau khi có quy định mới, cho phép thực hiện các đề án thuộc diện các tổ chức, cá nhân tham gia góp vốn đầu tư thực hiện các đề án theo Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản để đẩy nhanh tiến độ điều tra cơ bản, đặc biệt là đánh giá tiềm năng khoáng sản kể cả khoáng sản ẩn sâu”, ông Vũ Văn Thắng kiến nghị.

Đại diện các đơn vị của Bộ TN&MT như Vụ Kế hoạch - Tài chính và Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia cho rằng Tổng cục cần nêu rõ hơn những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Thông tư 61; những bất cập trong các điều khoản do không còn phù hợp với tình hình thực tế, những trách nhiệm, quyền lợi của các nhà đầu tư, các đơn vị tham gia thi công các đề án để thấy rõ sự cần thiết sửa đổi Thông tư.

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên, yêu cầu Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam chỉ đạo các đơn vị trực thuộc như: Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Khoáng sản rà soát trong số 27 đề án (25 đề án đã kết thúc, phê duyệt báo cáo nộp lưu trữ; 2 đề án đang triển khai thi công) có bao nhiêu đề án đã hoàn thành công tác thanh quyết toán về kinh phí và phê duyệt tài nguyên; bao nhiêu đề án, dự án mới chỉ hoàn thành một phần nhất định. Từ đó, có văn bản thông báo rõ và gửi đến các chính quyền địa phương để họ biết.

“Phải nghiên cứu toàn diện để sửa đổi Thông tư một cách chủ động, căn cứ tình hình thực hiện từ năm 2014 đến nay để bổ sung sửa đổi cho phù hợp, trong đó, phải thực sự huy động những tổ chức, cá nhân có điều kiện về mặt tài chính, công nghệ, kinh nghiệm, trình độ để tham gia vào các đề án, dự án lớn”, Thứ trưởng Trần Quý Kiên chỉ đạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung sửa đổi quy định về góp vốn đầu tư điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO