Tham dự Hội nghị có Tổng Cục trưởng Tổng cục Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Tạ Đình Thi; lãnh đạo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Tổng cục; các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT; lãnh đạo Bộ Tư lệnh cảnh sát biển, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường - Bộ Công an...
Hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Trương Đức Trí cho biết, trong năm 2020, Đảng ủy, Lãnh đạo Tổng cục đã quyết liệt, quyết tâm và sâu sát trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và điều hành, trọng tâm là các nhiệm vụ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, bảo đảm tiến độ đề ra. Tổng cục đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao theo Chương trình công tác năm 2020 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, Tổng cục và các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh.
Cụ thể, đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tổng cục đã trình và được các cấp có thẩm quyền ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05/3/2020 về Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, Kế hoạch số 646-KH/BCSĐTNMT thực hiện Nghị quyết số 26...
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân phát biểu chỉ đạo Hội nghị |
Bên cạnh đó, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án, nhiệm vụ, đặc biệt là công tác giao khu vực biển, cấp phép nhận chìm ở biển đã dần đi vào nền nếp, bảo đảm tuân thủ các quy định hiện hành, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức, địa phương có biển trong việc xử lý các hồ sơ giao khu vực biển để nhận chìm.
Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, Tổng cục đã xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành 1 Nghị quyết, 2 Nghị định; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 8 Quyết định, 1 Chỉ thị; trình Bộ ban hành 19 thông tư. Các văn bản này góp phần cơ bản bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất cho công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.
Bên cạnh đó, bám sát các nội dung được quy định tại Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và các văn bản thi hành Luật, Tổng cục đã triển khai và hướng dẫn các địa phương thực hiện theo các nguyên tắc, chế định rất mới như: quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo dựa trên tiếp cận hệ sinh thái; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển; thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; quản lý tài nguyên hải đảo; cấp giấy phép nhận chìm ở biển… qua triển khai thực hiện Luật có thể khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo.
Công tác quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ được quan tâm. Một số địa phương đã xây dựng các chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ để tạo lập cơ chế, giải pháp giải quyết các vấn đề cấp bách đặt ra tại các khu vực tập trung nhiều hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên và có mâu thuẫn, xung đột hoặc nguy cơ mâu thuẫn, xung đột về lợi ích trong khai thác, sử dụng tài nguyên cần sự phối hợp tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành và cộng đồng; nơi tài nguyên, giá trị các hệ sinh thái của khu vực vùng bờ có nguy cơ bị suy giảm nghiêm trọng do hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên; nơi có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Tạ Đình Thi phát biểu tại Hội nghị |
Việc lập, quản lý tài nguyên hải đảo đang được triển khai với việc điều tra, đánh giá tổng thể, toàn diện về điều kiện tự nhiên, tài nguyên và môi trường; thống kê, phân loại để lập hồ sơ hải đảo và định hướng khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên hải đảo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Bảo đảm hài hòa giữa nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên và yêu cầu bảo tồn, phát triển và bảo vệ môi trường, hệ sinh thái. Hoạt động đầu tư nâng cao năng lực quan trắc, giám sát, dự báo về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; thiết lập hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tổng hợp, đồng bộ về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phục vụ phát triển kinh tế biển, quốc phòng, an ninh đang được triển khai.
Về công tác lập quy hoạch, Tổng cục đã chủ động rà soát, kế thừa các kết quả từ Đề án quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển Việt Nam để xây dựng và được phê duyệt 2 nhiệm vụ: Lập quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Lập quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ của quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hoàn thành và trình Bộ công bố đường ranh giới cách đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm theo vĩ tuyến một khoảng cách 03 hải lý, danh mục các điểm có giá trị đặc trưng triều vùng ven biển Việt Nam và 10 đảo, cụm đảo lớn của Việt Nam phục vụ cho việc thiết lập, quản lý hành lang bảo vệ bờ biển.
Quang cảnh Hội nghị |
Công tác giao khu vực biển bước đầu đã đi vào nền nếp, bảo đảm tuân thủ các quy định hiện hành, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức, địa phương có biển trong việc xử lý các hồ sơ giao khu vực biển để nhận chìm. Đến nay đã tổ chức thẩm định 16 hồ sơ đề nghị giao khu vực biển của các tổ chức và được cấp có thẩm quyền quyết định giao khu vực biển với tổng số tiền thu về cho ngân sách nhà nước hơn 502 tỷ đồng. Đối với các địa phương có biển, tính đến hết tháng 12/2019 có 10/28 địa phương tổ chức giao khu vực biển cho 26 tổ chức với tổng số tiền thu sử dụng khu vực biển hơn 23 tỷ đồng…
Tập trung tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ của Nghị quyết số 36
Cũng theo Phó Tổng cục trưởng, năm 2021, Tổng cục đặt quyết tâm chủ động vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, quán triệt sâu sắc và tiếp tục thực hiện phương châm “Đoàn kết, đổi mới – Trách nhiệm, kỷ cương – Chất lượng, hiệu quả” và "Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm"; xác định các mục tiêu, khâu đột phá như: Tập trung triển khai thưc hiện các kế hoạch, chương trình, dự án, nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết 36-NQ/TW; Tiếp tục tăng cường quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, trọng tâm là hoàn thiện hệ thống pháp luật, hoạt động cấp phép, công tác kiểm tra, thanh tra.
Nâng cao năng lực của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động của Tổng cục, đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý. Tiếp tục đổi mới công tác quản lý, điều hành, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng các giải pháp quản lý thông minh vào quản lý điều hành công việc.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Thứ trưởng Lê Minh Ngân biểu dương và ghi nhận những nỗ lực, đóng góp của các đồng chí Lãnh đạo Tổng cục, Lãnh đạo các đơn vị và toàn thể cán bộ, công chức, người lao động thuộc Tổng cục trong việc hoàn thành các nhiệm vụ được giao năm 2020. “Những kết quả đó đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trên cả nước, nâng cao vị thế, vai trò của Tổng cục cũng như của Bộ TN&MT”, Thứ trưởng nói.
Về nhiệm vụ năm 2021, và những năm tiếp theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân đề nghị Tổng cục thực hiện một số định hướng quan trọng sau: Một là, tiếp tục tập trung tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ của Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ; các chương trình, kế hoạch và đề án Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt; tham mưu giúp Bộ thực hiện tốt vai trò Cơ quan thường trực Ủy ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.
Hai là, tập trung rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, trong đó trọng tâm là việc thực hiện 02 nhiệm vụ quy hoạch theo kế hoạch đã được phê duyệt; bám sát việc trình duyệt Nghị định thay thế Nghị định số 51/2014/NĐ-CP ngày 21/5/2014 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển; Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; tiếp thu, hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về thế chấp, cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển của tổ chức, cá nhân được giao để nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ, bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi khu vực biển vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, công cộng; Nghị định quy định về hoạt động lấn biển; Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ba là, tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, hoàn thiện cơ sở dữ liệu, bảo đảm số hóa, tích hợp và chia sẻ thông tin với các địa phương ven biển. Tập trung xây dựng, trình phê duyệt Đề án phát triển đội tàu khảo sát, nghiên cứu biển.
Bốn là, Tổng cục cần nắm bắt tốt hơn tình hình quản lý nhà nước lĩnh vực biển và hải đảo tại các địa phương; tăng cường trao đổi thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo (giao khu vực biển, cấp phép nhận chìm, thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển). “Tổng cục cần tăng cường kiểm tra các khu vực biển đã giao thực hiện dự án xem chủ đầu tư đã thực hiện nghĩa vụ tài chính chưa? thực hiện dự án hay bán dự án để xử lý? Hiệu quả dự án để tham mưu giải quyết, xử lý tránh thất thu ngân sách, sử dụng hiệu quả tài nguyên biển”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Năm là, đổi mới công tác chỉ đạo điều hành; tăng cường kỷ luật, chấn chỉnh kỷ cương hành chính theo phương châm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm; kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự của Tổng cục theo tinh thần Nghị định số 101/2020/NĐ-CP và Nghị định số 120/2020/NĐ-CP của Chính phủ; tiếp tục đẩy mạnh công tác luân chuyển, bố trí cán bộ theo chủ trương của Đảng, Chính phủ và Ban cán sự đảng Bộ, trọng tâm là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của của cơ quan, đơn vị.
Thay mặt lãnh đạo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổng cục trưởng Tạ Đình Thi trân trọng cảm ơn, đồng thời tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Lê Minh Ngân cùng với các ý kiến đóng góp quý báu của đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT, các cơ quan đang đồng hành cùng với Tổng cục và các đơn vị trong Tổng cục. Tổng cục trưởng Tạ Đình Thi mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm sâu sát hơn nữa của Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ TN&MT, sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT cũng như các Bộ, ngành liên quan để Tổng cục tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao năm 2021 và những năm tiếp theo.