Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 78/2019/QH14 về chương trình xây dựng luật, pháp luật năm 2020, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 (chương trình).
Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã ban hành Nghị quyết số 714/NQ-UBTVQH14 về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, trong đó phân công cụ thể cơ quan trình, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan phối hợp thẩm tra, tiến độ trình UBTVQH cho ý kiến về các dự án trước khi trình Quốc hội. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 842/QĐ-TTg ngày 8/7/2019 phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình Chính phủ các dự án luật được điều chỉnh trong chương trình năm 2019, các dự án luật thuộc chương trình năm 2020.
Với tính chất là một hội nghị triển khai Nghị quyết của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh hội nghị sẽ nghe các cơ quan báo cáo về tình hình soạn thảo, thẩm tra, chỉnh lý hoàn chỉnh các dự án đã được đưa vào Chương trình những tháng cuối năm 2019 và năm 2020, đặc biệt là các dự án sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019). Hội nghị cũng lắng nghe kiến nghị của các cơ quan chủ trì, cơ quan hữu quan đối với Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ để thống nhất các giải pháp thực hiện tốt chương trình đã đề ra.
Báo cáo triển khai Nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nêu rõ tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019), Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, cho ý kiến về 8 dự án luật. Tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020), Quốc hội sẽ xem xét thông qua 8 dự án luật, 1 Nghị quyết và cho ý kiến về 7 dự án luật. Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật và cho ý kiến về 2 dự án luật khác. Bên cạnh đó, trong thời gian tới, phải điều chỉnh, bổ sung các dự án khác vào chương trình theo yêu cầu của Trung ương. Ví dụ: Luật Nhà ở, Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường tại Hà Nội để thực hiện từ năm 2021 đến năm 2026; các dự án đã có chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội hoặc Chính phủ đã có đề xuất bổ sung vào Chương trình, nhưng đến nay vẫn chưa có đầy đủ hồ sơ.
Do số lượng các dự án trình Quốc hội, UBTVQH từ nay tới cuối năm 2019 là rất lớn, trong đó có nhiều cơ quan phải phụ trách đồng thời 2, 3 thậm chí 4 dự án, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và cơ quan, tổ chức khác có liên quan phải quyết liệt chỉ đạo, có các giải pháp cụ thể và tập trung nguồn lực thực hiện, quyết tâm thực hiện thì mới hoàn thành được chương trình đề ra.
Báo cáo tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác xây dựng thể chế nói chung và xây dựng luật, pháp lệnh nói riêng. Các bộ, cơ quan ngang bộ đã chủ động, khẩn trương thành lập Ban soạn thảo; tập trung thời gian, nguồn lực để soạn thảo theo kế hoạch.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Lê Thành Long, số lượng các dự án luật, pháp lệnh mà Chính phủ phối hợp chỉnh lý và trình Quốc hội, UBTVQH trong 6 tháng cuối năm 2019 là tương đối nhiều (16 dự án luật, pháp lệnh, chưa bao gồm 3 dự án luật, dự thảo nghị quyết đang đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2019) trong khi đó, thời gian từ nay đến kỳ họp thứ 8 còn ít. Bên cạnh việc chuẩn bị các dự án này, các bộ còn phải soạn thảo 16 dự án luật thuộc chương trình năm 2020.
Do đó, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 và năm 2020 là tương đối nặng. Đặc biệt, một số dự án luật có nội dung phức tạp nên trong quá trình phối hợp chỉnh lý, soạn thảo có thể sẽ còn nhiều ý kiến khác nhau như Bộ luật Lao động (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai…
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành được giao chủ trì soạn thảo dự án luật cho biết, lộ trình thực hiện từng công việc đã và đang bảo đảm đúng tiến độ đề ra, với sự nỗ lực, hiệu quả cao nhất.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết sau kỳ họp thứ 7, Bộ đã phối hợp với Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức nhiều hoạt động quy mô lớn, trong đó tập trung vào lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động của Bộ luật Lao động (sửa đổi) với tinh thần làm việc liên tục, kể cả ngày nghỉ, để bảo đảm tiếp thu cao nhất các nội dung chỉnh lý.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị ngay sau hội nghị này, Chính phủ xem xét các dự án đã được đề ra tại Nghị quyết số 714/2019/NQ-UBTVQH14 của UBTVQH và Quyết định số 842/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ có biện pháp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra để bảo đảm chất lượng, tiến độ dự án; kiểm soát, bảo đảm chất lượng hồ sơ dự án được tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến thẩm định, ý kiến thành viên Chính phủ trước khi hoàn chỉnh để Chính phủ trình Quốc hội, UBTVQH...