Dự báo hiện tượng khô hạn, thiếu nước ở Trung bộ sẽ kéo dài gây tổn thất lớn |
Công điện nêu rõ, trong những ngày qua, tình trạng nắng nóng xảy ra trên diện rộng tại Bắc bộ và đặc biệt gay gắt liên tục duy trì ở khu vực từ Nghệ An đến Phú Yên (từ ngày 14/5 đến nay), một số nơi nhiệt độ đã vượt giá trị lịch sử với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 39 đến 41 độ, có nơi trên 42 độ C. Tình hình khô hạn, thiếu nước tiếp tục xảy ra ở các tỉnh Trung bộ, Nam Trung bộ và đặc biệt là từ các tỉnh từ Khánh Hòa đến Ninh Thuận. Nắng nóng đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân.
Theo nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, dưới tác động của hiện tượng El Nino, trong thời gian tới, nắng nóng tại Bắc bộ, Trung bộ và khô hạn, thiếu nước ở Trung bộ tiếp tục diễn ra, đặc biệt tại một số huyện các tỉnh Nam Trung bộ, tình trạng hạn hán có thể ở mức khốc liệt (cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3). Xâm nhập mặn tiếp tục lấn sâu vào các vùng cửa sông, ven biển khu vực Trung Bộ.
Để chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả do nắng nóng, khô hạn và thiếu nước gây ra, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương, Bộ, ban ngành liên quan tổ chức theo dõi, cập nhật liên tục tình hình nắng nóng, khô hạn để chủ động xây dựng và điều chỉnh kế hoạch phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả do nắng nóng, khô hạn và thiếu nước gây ra phù hợp với thực tế sinh hoạt, sản xuất của nhân dân để giảm thiểu thiệt hại và đạt hiệu quả.
Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm, nhất là trong phòng chống cháy rừng, cháy nổ, sử dụng tiết kiệm nước; tích cực phối hợp cùng các cơ quan chức năng trong việc đảm bảo sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân trong tình hình nắng nóng, khô hạn và thiếu nước kéo dài.
Tăng cường kiểm tra, đánh giá nguồn nước, quản lý chặt chẽ nguồn nước hiện có trong hệ thống công trình thủy lợi, thủy điện, ao đầm,... trên địa bàn để điều phối hợp lý, đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân và phục vụ các hoạt động sản xuất.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp về điều tiết vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện; tổ chức nạo vét kênh mương, ao, hồ, đắp đập tạm ngăn mặn… để tạo thêm nguồn nước, đồngthời rà soát, điều chỉnh hợp lý cơ cấu cây trồn, vật nuôi theo khả năng của nguồn nước cung cấp.
Các địa phương triển khai các biện pháp phòng ngừa hiệu quả và cảnh báo để nhân dân biết, chủ động phòng tránh an toàn, hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch chống hạn, điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình thực tế. Đặc biệt tăng cường chỉ đạo trong vận hành hồ chứa nước, các giải pháp tạo nguồn nước bổ sung và nghiên cứu xem xét việc chỉ đạo tích nước sớm trong mùa mưa lũ năm nay để chủ động chống hạn cho năm 2016.
Tập đoàn điện lực Việt Nam, các chủ hồ chứa thủy điện phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, địa phương trong việc điều chỉnh kế hoạch phát điện và cấp nước bổ sung cho hạ du để đảm bảo nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của nhân dân, trong đó ưu tiên hàng đầu cấp nước phục vụ dân sinh.
Q.Đ