Bão có sức tàn phá lớn
Thông tin tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, cơn bão này sẽ quét sạch tuyến biển từ Quảng Ngãi - Thanh Hóa. Trên biển, gió mạnh cấp 11 - 12, giật cấp 15 nên sức tàn phá rất lớn.
Hiện, lũ ở hầu hết các tuyến sông từ Bình Định - Thừa Thiên Huế đều đã trên BĐ 3. Tàu thuyền hiện không còn phương tiện trong khu vực nguy hiểm, cá biệt có một số tàu cá nhỏ đi về trong ngày. Riêng về tàu vận tải, Bộ GTVT đã cấm xuất bến với các tàu, phương tiện thủy nội địa đi vào vùng ảnh hưởng của bão.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kết luận tại cuộc họp chỉ đạo ứng phó bão số 13, sáng 13/11. |
Đáng lưu ý, hiện khu vực bão dự kiến đổ bộ có hệ thống nuôi trồng thủy hải sản rất lớn tới gần 43.000ha, gần 150.000 lồng bè. Số lượng nhà dân ven biển trong khu vực khả năng chống chịu thấp, nhiều nhà đã bị hư hỏng do bão, lũ vừa qua. Trong khu vực có nhiều nhà xưởng của các khu công nghiệp, khu chế xuất quy mô lớn, đông công nhân như khu chế xuất Đà Nẵng, Trường Hải, Dung Quất.
Bằng mọi cách đến hiện trường sự cố thiên tai nhanh nhất
Dự báo, bão số 13 sẽ đổ bộ ven biển và đất liền vào tối 14, rạng sáng 15/11, có thể vẫn có cường độ mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 11 khi đổ bộ. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, cơn bão lại tác động trực tiếp vào khu vực miền Trung đã hứng chịu các đợt mưa lũ liên tục trong vòng hơn 1 tháng rưỡi qua, nếu không sơ tán thì thiệt hại về tính mạng và tài sản không thể tránh khỏi.
Do vậy, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành và địa phương phối hợp chặt chẽ tiếp tục đảm bảo an toàn trên biển cũng như trên đất liền.
Trong đó, các địa phương từ Thanh Hóa đến Bình Định thuộc phạm vi cơn bão có ảnh hưởng phải kiểm soát, kiểm đếm lại tất cả tàu thuyền, tiếp tục đưa các tàu thuyền “không đủ sức chống chịu” về khu vực tránh trú an toàn. Bảo vệ an toàn cho người dân và các thuyền viên. Đồng thời, sơ tán người dân khỏi lồng bè, cơ sở sản xuất, kinh doanh đảo. Nhiều cơn bão đã gây thiệt hại nặng nề do chủ quan và người dân không thực hiện theo các hướng dẫn của chính quyền, cho nên trong trường hợp cần thiết phải tiến hành cưỡng chế.
Trên đất liền, Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung sơ tán khỏi những khu vực nguy hiểm, nhà yếu. Cùng với đó, đảm bảo an toàn các công trình của nhà dân, bảo vệ các công trình công cộng, sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Đặc biệt, chủ động sơ tán người dân khỏi các khu vực dễ gây ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Lưu ý bảo vệ các công trình hồ thủy điện, thủy lợi, Phó Thủ tướng cho rằng, công trình này thực hiện đa mục tiêu với nhiều điểm tích cực: điều hoà nước, đảm bảo an ninh nguồn nước, đặc biệt nước ngọt, cung cấp nước cho hạ du, sản xuất điện… nhưng nếu công trình này không an toàn sẽ gây thảm họa cho hạ du. Do đó, đề nghị tập trung việc đảm bảo an toàn hồ đập, trong đó, chú trọng rà soát những hồ yếu; vận hành an toàn hồ chứa để góp phần cắt lũ khi lũ về.
Bên cạnh đó, có phương án bảo vệ an toàn cho các công trình hạ tầng, nhất là hệ thống điện. Chủ động lực lượng xử lý sự cố đối với công trình hạ tầng đảm bảo giao thông thông suốt, hạn chế thấp nhất việc mất điện, mất thông tin liên lạc trước, trong và sau bão.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trong và sau mưa lũ đều sẽ có sự cố, cần chủ động, tập trung lực lượng hỗ trợ các địa phương trong việc ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn với phương châm “bốn tại chỗ”, lưu ý sự phối hợp giữa các lực lượng chủ lực. Phải có lực lượng chuyên nghiệp hơn, bằng mọi cách khi có sự cố, đến hiện trường xảy ra sự cố nhanh nhất cứu những người dân gặp nạn.
Về hỗ trợ, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương xây dựng phương án sử dụng “hỗ trợ” thiên tai hiệu quả nhất. Quyết liệt trong thực hiện chương trình nhà ở chống bão lũ.
* Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: Tinh thần khẩn trương sơ tán cao nhất
Tỉnh Quảng Nam đã ban hành công điện ứng phó bão. Hiện ở tuyến biển có 3.033 tàu bè đã đưa vào khu neo đậu và 15 tàu đang neo đậu ở khu vực Trường Sa, nhìn chung an toàn.
Với cấp độ bão mạnh, tỉnh dự kiến sẽ sơ tán 161.000 hộ dân ven biển, khoảng 12 giờ trưa mai, 13 - 11 sẽ sơ tán xong. Đối với khu vực miền núi có khả năng sạt lở lớn, tỉnh đã lên kế hoạch dự kiến sơ tán 10.000 hộ dân ở 93 điểm có nguy cơ cao.
Với các khu vực ở ven sông với khả năng bị ngập úng, tỉnh cũng lên kế hoạch sơ tán với mức BĐ 3. Hiện ở sông Vu Gia - Thu Bồn đã dự kiến sơ tán khoảng 45.000 dân, dự kiến đến 12 giờ trưa mai (14/11) sơ tán xong.
Các tuyến đường giao thông đã bị hư hỏng nặng nề do đợt mưa bão vừa rồi đang khắc phục khẩn cấp. Hiện ở Nam Trà My, Phước Sơn vẫn còn 20 người đang bị mất tích, nhưng công tác tìm kiếm khó khăn, tỉnh vẫn tiếp tục kế hoạch tìm kiếm nhưng phải đảm bảo công tác tìm kiếm an toàn, hoặc rút quân về khu vực an toàn gần nhất để khi điều kiện an toàn trở lại có thể sẵn sàng tổ chức tìm kiếm trở lại.
Đối với mực nước của các hồ thủy điện, đến đêm 13/11, hoặc chậm nhất đến 5 giờ sáng mai (14/11) sẽ đưa mực nước hồ thủy điện ở thượng nguồn lưu vực Thu Bồn - Vu Gia về mực nước cao nhất trước lũ. Quảng Nam sẽ căn cứ mực nước ở vùng hạ du và tình hình lũ về nguồn để điều tiết, giảm mực nước hồ cho hợp lý. Tùy tình hình mưa lớn sẽ giảm tiếp xuống mực nước lũ thấp nhất. Về cơ bản hiện nay việc vận hành các hồ thủy điện kiểm soát được tình hình.
Ngoài ra, đảm bảo các điều kiện sơ tán cho người dân đã khẩn trương sơ tán về các khu nhà an toàn, khu nhà tầng. Triển khai các phương án đảm bảo nhu yếu phẩm đề phòng trường hợp bị cô lập.
* Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế: Sẵn sàng phương án hỗ trợ người dân trong trường hợp bị cô lập
Hiện nay, mực nước lũ tại sông bồ hiện đang ở dưới BĐ 3, tại sông Hương trên BĐ 2. Tình hình tàu thuyền hiện rất ổn định vì cả tháng nay dân chưa ra biển.
Về di dân, tỉnh tập trung vào di dân sạt lở và gió lớn, dự kiến sơ tán khoảng 19.000 hộ, khoảng đêm nay đến sáng mai sẽ di dời xong. Các phương án chuẩn bị hỗ trợ người dân trong trưởng hợp bị cô lập đã sẵn sàng, tiên lượng sẵn sàng ở cấp cao nhất.