Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp |
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (CLCSTNMT) cho biết: Thực hiện nhiệm vụ được giao, Viện đã chủ động rà soát các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong Dự thảo chiến lược đảm bảo phù hợp với các chính sách của Luật BVMT 2020. Viện đã rà soát, cập nhật chiến lược theo các mục tiêu, chỉ tiêu, các chủ trương, chính sách của Đảng tại các báo cáo của Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII. Ngoài ra, Viện đã tổ chức làm việc với Bộ Giao thông vận tải và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để rà soát, thống nhất các chỉ tiêu bảo vệ môi trường và các vấn đề khác trong Dự thảo.
Về các chỉ tiêu giám sát và đánh giá kết quả bảo vệ môi trường giai đoạn đến năm 2010 của Chiến lược, theo ý kiến của Bộ GTVT và Bộ NN&PTNT, nhóm soạn thảo đã thống nhất chỉnh sửa như sau. Về chỉ tiêu “Tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách bằng phương tiện giao thông công cộng tại các đô thị đặc biệt” do Bộ GTVT chủ trì được điều chỉnh thành chỉ tiêu: “Thị phần vận tải hành khách bằng các phương tiện giao thông công cộng ở các đô thị đặc biệt” do UBND TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chủ trì với lộ trình được điều chỉnh năm 2025 là 15 - 35 % và năm 2030 là 35 - 40 %.
Ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phát biểu tại cuộc họp |
Đề xuất thay thế chỉ tiêu “Tỷ lệ diện tích đất bị nhiễm độc bởi tồn dư điôxin ở sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) được xử lý” (theo đề xuất của Bộ Quốc phòng) bằng “Tỷ lệ các khu vực ô nhiễm môi trường đất đặc biệt nghiêm trọng được xử lý, cải tạo và phục hồi (%)” (theo Điều 19 Luật BVMT 2020). Chỉ tiêu “Tỷ lệ che phủ rừng” đến năm 2030, được điều chỉnh từ 42,8% thành giữ ổn định 42% theo như Văn kiện Đại hội XII của Đảng. Bổ sung chỉ tiêu về Tỷ lệ diện tích khu bảo tồn biển cho phù hợp với Văn kiện Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết 36-NQ/TW.
Về chương trình, đề án trọng điểm thực hiện Chiến lược Bộ NN&PTNT có ý kiến đề xuất Đề án số 3 “Đề án tăng cường tiềm lực quản lý môi trường giai đoạn 2021 - 2030” nên gộp vào Đề án số 4 “Đề án nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức quản lý nhà nước về môi trường đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước”. Ngoài ra, Chương trình số 8 “Đề án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề giai đoạn 2021 - 2030” nên chuyển sang Bộ TN&MT chủ trì. Bổ sung Chương trình số 10 “Chương trình kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp” do Bộ NN&PTNT chủ trì. Tổng cục Môi trường cũng đề xuất đề án bảo vệ môi trường nông thôn trong báo cáo công tác BVMT năm 2020.
Góp ý tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tài - Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, cần rà soát thêm tầm nhìn, định hướng để xác định các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp. Theo ông Tài, giải pháp nguồn lực, tổ chức bộ máy là quan trọng nhất. Về mục tiêu, cần nhóm thành các nhóm mục tiêu cụ thể. Trong đó, chia làm 4 nhóm: kiểm soát ô nhiễm; cân bằng sinh thái; giữ gìn giá trị thiên nhiên và đa dạng sinh học; thích ứng với biến đổi khí hậu.
Quang cảnh cuộc họp |
Về các chỉ tiêu, cần có các chỉ tiêu về nông nghiệp bền vững; đô thị sinh thái; công nghiệp sinh thái; giao thông bền vững; năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; tái chế, tái sử dụng chất thải. Giai đoạn 2021 - 2030 cần thực hiện chỉ tiêu phục hồi nguồn nước bị ô nhiễm, phục hồi các khu vực bị tồn lưu dioxin. Bên cạnh đó, đặt ra mục tiêu 3 nhóm hệ sinh thái cần phục hồi: hệ sinh thái rừng; hệ sinh thái san hô, cỏ biển; hệ sinh thái đất ngập nước.
Đại diện Bộ GTVT, ông Trần Ánh Dương góp ý, về chỉ tiêu “Thị phần vận tải hành khách bằng các phương tiện giao thông công cộng ở các đô thị đặc biệt (%)” cần tách riêng chỉ tiêu của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để cụ thể. Liên quan đến áp dụng quy chuẩn chất thải, Bộ GTVT kiến nghị, đến năm 2025 sẽ áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 đối với xe máy và Euro 6 với ô tô. Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đề xuất đưa thêm chỉ tiêu tổng thể về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính vào trong Dự thảo.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng thời, đề nghị đơn vị thực hiện nhiệm vụ cần tiếp thu các đóng góp để hoàn thiện Dự thảo Chiến lược. Về chỉ tiêu “Tỷ lệ xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm theo tiêu chí nông thôn mới” sửa thành “Tỷ lệ xã đạt tiêu chí môi trường theo phát triển nông thôn mới”, với lộ trình đến năm 2025 đạt 80%.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cũng đồng ý với đề xuất của các đại biểu đưa thêm thay thế “Đề án tăng cường tiềm lực, xây lực mô hình tổ chức quản lý Nhà nước về môi trường đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước” thành “Chương trình tăng cường nguồn lực, quan trắc môi trường”. Ngoài ra, bổ sung thêm “Chương trình xử lý tồn lưu chất bảo vệ thực vật và dioxin do chiến tranh để lại” và “Chương trình bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên” vào các chương trình, đề án trọng điểm của chiến lược.