Cấp cơ sở tập trung giải quyết kịp thời, đúng pháp luật và dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; các văn bản giải quyết khi ban hành phải “thấu tình, đạt lý”, từ đó tạo thuận lợi cho việc thi hành, giải quyết vụ việc.
Thực hiện 150 lượt tiếp công dân
Theo Phòng Tiếp dân và Xử lý đơn thư, năm 2021, công tác tiếp công dân được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ và Lãnh đạo Thanh tra Bộ. Các trường hợp công dân đến Bộ đều được cán bộ tiếp công dân giải thích, hướng dẫn theo quy định của pháp luật. Đối với các trường hợp khiếu nại đông người đã được cán bộ tiếp, tham mưu cho lãnh đạo Thanh tra, lãnh đạo Bộ có văn bản đề nghị địa phương kiểm tra, giải quyết, không để công dân khiếu nại đông người đến Bộ.
Theo đó, trong năm 2021, Bộ TN&MT đã thực hiện 150 lượt tiếp công dân với 206 lượt người, trong đó có 12 lượt đoàn đông người (54 người), lãnh đạo Bộ đã tiếp 18 lượt với 35 người, cán bộ tiếp 132 lượt với 171 người. So với năm 2020, giảm 128 lượt tiếp (tương đương 46,04%) và giảm 325 lượt người (tương đương 61,28%); đoàn đông người giảm 23 lượt đoàn (tương đương 65,71%).
Về tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, trong năm 2021, tổng số đơn khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai nhận được là 2.779 lượt đơn, tương ứng với 1.319 vụ việc đủ điều kiện xử lý, còn lại là 1.460 lượt đơn trùng, không đủ điều kiện xử lý (chiếm 52,54%). So với năm 2020, số đơn nhận được giảm 1.061 lượt đơn (chiếm 27,63%) và số vụ việc giảm 502 vụ việc (chiếm 27,57%).
Theo Phòng Tiếp dân và Xử lý đơn thư, nguyên nhân dẫn đến khiếu nại tố cáo là do tác động của nền kinh tế - xã hội, quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, dân số gia tăng đã làm nhu cầu về đất tăng nhanh (đơn cử như thu hồi đất để thực hiện dự án, việc chuyển nhượng, lấn, chiếm đất công...), chính điều này đã làm phát sinh nhiều xung đột, mâu thuẫn về đất, từ đó kéo theo các khiếu nại, tố cáo về đất đai. Cùng với đó, một trong những nguyên nhân làm phát sinh các khiếu nại, tranh chấp về đất đai là do sự biến động của giá trị quyền sử dụng đất. Ngoài ra, nhận thức và ý thức của một bộ phận công dân còn hạn chế đã làm phát sinh khiếu nại, tố cáo.
Bên cạnh đó, còn có sự bất cập trong công tác quản lý hành chính về đất đai; hệ thống hồ sơ địa chính chưa đảm bảo nên khi phát sinh khiếu nại, tố cáo không đủ tài liệu để xem xét, kết luận giải quyết. Thêm vào đó, khi thực hiện các chính sách về đất đai, công tác kiểm kê trước khi trưng dụng, trưng thu, trưng mua, thu hồi đất không được thực hiện hoặc nếu có cũng chỉ qua loa, chiếu lệ.
Ngoài ra, nguyên nhân của tình trạng khiếu nại tố cáo hiện nay là do chính sách pháp luật đất đai và những chính sách khác liên quan đến đất đai chưa phù hợp, chẳng hạn các quy định về giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước – Nhà đầu tư – Người dân khi thu hồi đất, các quy định của pháp luật ra đời sau về cùng vấn đề thường có lợi hơn so với quy định của pháp luật trước đó, dẫn đến sự so bì, khiếu kiện. Trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, người đứng đầu các cấp, các ngành một số nơi vẫn chưa tập trung thực hiện nghiêm quy định pháp luật, còn có tình trạng né tránh, đùn đẩy, ngại đối thoại với người khiếu nại, chưa kịp thời giải quyết từ khi mới phát sinh tại cơ sở…
Tập trung giải quyết kịp thời, dứt điểm và đúng pháp luật
Để làm tốt công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Phòng Tiếp dân cho rằng, kinh nghiệm rút ra qua tổ chức, chỉ đạo và thực hiện là thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp mà Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo đã đề ra để xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp và trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Mặt khác, lãnh đạo, chỉ đạo toàn bộ hệ thống vào cuộc để làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Trong 1.319 vụ việc khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai đủ điều kiện xử lý có 79 vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai (chiếm 5,53%); đòi lại đất cũ 55 vụ việc (chiếm 4,17%); khiếu nại về đất đai 910 vụ việc (chiếm 68,99%); đề nghị xử lý hành vi vi phạm về đất đai 173 vụ việc (chiếm 13,57%).
Đồng thời, tập trung giải quyết kịp thời, đúng pháp luật và dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, vụ việc Thủ tướng Chính phủ giao; cần linh hoạt trong áp dụng các quy định của pháp luật khi giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, tranh chấp, để đảm bảo các văn bản giải quyết khi ban hành phải đảm bảo “thấu tình, đạt lý”, từ đó tạo thuận lợi cho việc thi hành các văn bản giải quyết.
Ngoài ra, coi trọng công tác hòa giải, đối thoại các khiếu nại, tố cáo, tranh chấp vì công tác này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, làm tốt công tác này có thể góp phần giải quyết “tận gốc” các khiếu nại, tố cáo, tranh chấp phát sinh…